Nông thôn mới

Đổi thay vì muốn bớt khổ, bớt nghèo

07:24 19/02/2022 GMT+7
Nằm trên dãy Trường Sơn hùng vĩ, nơi có cột mốc và cửa khẩu biên giới Việt Nam-Lào, xã La Dêê (huyện Nam Giang, Quảng Nam) với hơn 99% dân số là đồng bào các dân tộc. Dù còn bộn bề khó khăn nhưng cuộc sống nơi đây đang từng bước đổi thay.

Đổi thay cách làm kinh tế mới

Chị Blup Yến thoát nghèo từ mô hình nuôi heo giống - Ảnh: VGP/Minh Trang

 

Đến thăm vùng đất này khi mùa xuân đang về, đời sống của dân bản nay đã khác xưa rất nhiều, từ diện mạo đến tư duy làm kinh tế.

Khi được hỏi về mô hình kinh tế mới, không ai là không biết đến tiếng tăm của chị Blup Yến, tại thôn Đăk Ôôc, một người phụ nữ "mát tay" trong việc nuôi heo giống.

Chị Blup Yến chia sẻ: "Ngày trước cũng như đồng bào nơi đây với cách làm cũ, mình chỉ quen làm rẫy. Công việc quanh năm suốt tháng nhưng vẫn không đủ ăn. Khi được tham gia Hội Phụ nữ thôn Đăk Ôôc, mình có cơ hội tiếp cận các kênh thông tin sách, mạng internet, báo chí, các khóa tập huấn, dần tìm tòi học hỏi mô hình kinh tế mới và mạnh dạn vay thêm vốn để đầu tư".

Ban đầu (năm 2009), chị Yến chỉ dám vay 10 triệu đồng để nuôi heo, dần dần thấy mô hình này hiệu quả, ít dịch bệnh nên mạnh dạn vay thêm 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội theo diện thoát nghèo. Đến năm 2016, chị đã trả được hết nợ cũ và thoát nghèo từ mô hình nuôi heo đen truyền thống này. Nay từ 4 heo mẹ làm giống, hằng năm chị bán gần 100 con với thu nhập từ 60-100 triệu đồng/năm.

"Ngoài công việc chính là nuôi heo giống, mình còn xoay nhiều công việc khác như trồng keo, trồng cây ăn quả, nuôi bò... Nói chung, thời đại mới rồi mình cố gắng học hỏi thêm, thay đổi cách làm ăn mới thì sẽ hiệu quả. Mình vẫn tham gia Chi hội Phụ nữ thôn và tuyên truyền về mô hình, cách làm mới cho bất cứ ai muốn học hỏi để bớt khổ bớt nghèo", chị Blup Yến nói.

Còn nói đến trồng rừng thì anh Blup Hơn ở thôn Công Tơ Rơn là một trong những người đi tiên phong. Cách đây 5 năm, nhận thấy tiềm năng kinh tế từ cây keo, anh đã mạnh dạn vay vốn đầu tư. Được sự hỗ trợ từ chính quyền về kỹ thuật trồng cây gỗ, đến nay, khu rừng của anh đã có quy mô 7 ha với khoảng 14.000 cây. Cuối năm vừa rồi, anh đã  thu hoạch lứa cây đầu tiên mang lại thu nhập gần 200 triệu đồng.

Ông Brao Tuân, Phó Chủ tịch UBND xã La Dêê, cho hay hộ nuôi heo giống như chị Blup Yến và trồng keo của anh Blup Hơn là những mô hình kinh tế điển hình mà xã đang muốn nhân rộng cho bà con học hỏi. Bên cạnh đó, ở xã còn có mô hình chăn nuôi bò theo hình thức bán chăn thả cũng khá hiệu quả, mang lại cho bà con một nguồn thu nhập khá, lo được cho con cái ăn học đầy đủ. 

Hiện nay, ngành nghề chính của đồng bào nơi đây là làm nông. Tuy là vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn nhưng bước đầu bà con đã phát triển trồng rừng, chăn nuôi, trồng cây ăn quả và dần dà có được nguồn thu nhập ổn định. Tổng diện tích trồng keo trên địa bàn xã nay đã phát triển hơn 200 ha, đầu năm 2022 đã mở rộng thêm được 20 ha.

"Chính quyền luôn đồng hành với người dân trong việc hỗ trợ nguồn vốn chính sách, vật tư, con giống... Chúng tôi ưu tiên nguồn vốn cho các hộ thoát nghèo bền vững để trồng rừng, chăn nuôi. Nếu bà con gặp khó khăn khâu nào, chúng tôi huy động lực lượng thanh niên trợ giúp", ông Brao Tuân chia sẻ.

Con đường năng lượng mặt trời thắp sáng thôn bản Đăk Ôôc - Ảnh: VGP/Minh Trang

Những công trình mang niềm vui đến bản làng

Những ngày đầu năm mới 2022, dân bản Đăk Ôốc thêm niềm vui hân hoan vì giờ đây con đường liên thôn từ trung tâm hành chính xã, có chiều dài gần 2 km, được trang bị thêm hệ thống năng lượng mặt trời, với mức đầu tư gần 200 triệu, vừa khánh thành đi vào sử dụng.

Đây là tuyến đường xanh-sạch-đẹp-sáng ở vùng biên thuộc chương trình "Đồng hành với phụ nữ biên cương" do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Nam kết hợp với Bộ đội Biên phòng cửa khẩu Nam Giang đầu tư và thực hiện.

Bà Hiên Nhias, một người dân trong bản, cho biết: "Trước đây, đường trong bản gồ ghề rất khó đi, nhất là những lúc trời mưa gió. Nay có đường bê tông, đèn đường năng lượng mặt trời thắp sáng nên cả bản ai cũng mừng".

Bên cạnh niềm vui với con đường mới, nhiều hộ dân khó khăn còn vui hơn vì Tết này có căn nhà mới che mưa che nắng. Cuối năm 2020, huyện Nam Giang có nhiều nơi gánh chịu hậu quả nặng nề từ thiên tai do mưa lớn. Gia đình chị Zơ Râm Thị Bích cũng là một trong những nạn nhân trong đợt thiên tai khắc nghiệt đó.

Bộ mặt nông thôn mới của xã La Dêê ngày càng khởi sắc - Ảnh: VGP/Minh Trang

Đợt mưa lớn tháng 11/2020 khiến đất đá đổ ập xuống và cào phẳng 2/3 ngôi nhà nằm sâu trong đồi của gia đình chị. Trong hoàn cảnh khó khăn ấy, gia đình chị được các đoàn thể hỗ trợ 40 triệu đồng để dựng ngôi nhà mới  ở vị trí an toàn.

Theo UBND xã La Dêê, toàn địa bàn xã có 441 hộ dân với 1.680 nhân khẩu, hơn 99% dân số là đồng bào Tà Riềng, Cơ Tu, Giẻ Triêng. Trong năm 2021, về xây dựng nông thôn mới, xã đã đạt 13/19 tiêu chí. Từ năm 2022-2025, xã đã xây dựng kế hoạch quyết tâm hoàn thành các mục tiêu, nhất là chỉ tiêu về môi trường và cảnh  quan nông thôn, phấn đấu để trở thành một trong những xã đầu tiên của huyện Nam Giang đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2025.

Hiện số hộ nghèo là 114 hộ, chiếm tỉ lệ 25,85 %, giảm 5,14% so với năm 2020. Trong 5 năm qua, xã đã đảm bảo được mức giảm bình quân hộ nghèo hằng năm là 5-6%. Dù 2 năm gần đây, dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng số hộ nghèo của xã không tăng.

Chị Zơ Râm Thị Bích bên ngôi nhà mới khang trang, không còn nỗi lo thiên tai sạt lở - Ảnh: VGP/Minh Trang

Trong dịp Tết này, chính quyền xã tập trung chăm lo cho các gia đình đặc biệt khó khăn, trao quà nghĩa tình cho bà con. Một số hộ dân vùng thiên tai, sạt lở, hộ đặc biệt khó khăn được nhận và đón Tết trong những ngôi nhà mới khang trang.

Cũng trong dịp cuối năm, những đoàn xe từ thiện, những nhà hảo tâm đã chung tay hỗ trợ với mong muốn bà con trong xã được đón cái Tết đủ đầy.

Cuộc sống của bà con La Dêê sẽ còn nhiều đổi thay - Ảnh: VGP/Minh Trang

Với sự chung tay góp sức của các cấp chính quyền, đoàn thể, sự nỗ lực phát triển làm ăn kinh tế của người dân, vùng đất La Dêê đang đổi thay từng ngày...        

Theo Chính Phủ

Tin cùng chuyên mục
Tin khác