EU tăng tần suất kiểm tra một số nông sản Việt trước khi nhập khẩu
Cụ thể, vừa qua Văn phòng SPS Việt Nam nhận được thông báo số G/SPS/N/EU/804 từ Ban Thư ký Ủy ban SPS/WTO về việc Liên minh châu Âu thông báo Quy định (EU) 2024/3153 ban hành ngày 18/12/2024 sửa đổi Quy định (EU) 2019/1793 về việc tạm thời tăng cường kiểm soát chính thức và các biện pháp khẩn cấp quản lý việc đưa một số hàng hóa từ một số nước thứ ba vào Liên minh châu Âu, thực hiện Quy định (EU) 2017/625 và (EC) số 178/2002 của Nghị viện và Hội đồng châu Âu. Quy định có liên quan đến sản phẩm nông sản thực phẩm của Việt Nam xuất khẩu vào EU.
Theo đó, EU sẽ nâng tần suất kiểm tra mặt hàng sầu riêng từ 10% lên 20% và vẫn áp dụng tại Phụ Lục I, lý do trong thời gian qua, tỷ lệ cảnh báo về tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong các lô hàng sầu riêng xuất khẩu sang EU vẫn còn cao.
Các hoạt chất như Carbendazim, Fipronil, Azoxystrobin, Dimethomorph, Metalaxyl, Lambda-cyhalothrin và Acetamiprid được phát hiện tồn dư cao trên sầu riêng, với mức vi phạm dao động từ 0,021 đến 6,3 mg/kg, trong khi quy định của EU chỉ cho phép từ 0,005 đến 0,1 mg/kg.
Đây là lần thứ 2 trong năm nay dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên sầu riêng xuất khẩu sang EU vượt ngưỡng cho phép, bị nâng mức kiểm tra. Đầu năm nay, EU đã ban hành quy định yêu cầu tăng cường kiểm soát đối với sầu riêng Việt Nam lên 10%.
Ngoài ra, EU áp dụng tần suất kiểm tra tại biên giới đối với thanh long từ 30%; đậu bắp và ớt, áp dụng tần suất kiểm tra đều là 50% đồng thời kèm theo các lô hàng là Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm và kết quả phân tích kiểm nghiệm về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tồn dư trong sản phẩm (theo quy định tại phụ lục II).
Lý do là trong thời gian qua, số các lô hàng thanh long, ớt và đặc biệt là đậu bắp xuất khẩu sang EU vẫn còn bị cảnh báo, vi phạm quy định MRL không giảm do đó EU vẫn duy trì áp dụng biện pháp tăng cường kiểm tra như lần thông báo trước.
Nếu tuân thủ tốt các quy định về an toàn thực phẩm, sản phẩm sầu riêng Việt Nam xuất khẩu sang EU sẽ được "nới lỏng", bao gồm các biện pháp như không bắt buộc phải kiểm tra an toàn thực phẩm và không cần chứng nhận chính thức khi xuất khẩu sang EU, đồng thời tần suất lấy mẫu kiểm tra an toàn thực phẩm tại cửa khẩu cũng giảm đi.
Những quy định này đặt ra thách thức lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Việc cải thiện chất lượng sản phẩm, đặc biệt là kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, là yếu tố quan trọng để giữ vững thị phần tại thị trường lớn như EU.
- Mô hình "Vườn mẫu về phát triển cây ăn trái" tại xã Quảng Ngãi
- Bình Thuận: Mở ra nhiều cơ hội kết nối giao thương để phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp
- Lâm Đồng, tiếp tục xây dựng và nhân rộng mô hình xã Nông thôn mới thông minh và thí điểm xã thương mại điện tử
- Cà Mau: Dự toán ngân sách 59,345 tỷ đồng cho nhiều chương trình, nhiệm vụ khoa học và công nghệ năm 2025