Giá khoai lang Vĩnh Long xuống chạm đáy, nông dân trắng tay
Khoảng 10 năm nay, nghề trồng khoai lang ở huyện Bình Tân tỉnh Vĩnh Long chưa bao giờ nếm trải cảnh như ngày hiện nay khi mỗi nhà ôm hàng chục tấn khoai mà không có thương lái đến mua.
Đến các xã Mỹ Thuận, Nguyễn Văn Thảnh, Thành Trung, huyện Bình Tân tỉnh Vĩnh Long vào thời điểm này, chúng ta dễ dàng bắt gặp những đống khoai lang để đầy nhà mất cả lối đi vừa được thu hoạch để bán cho thương lái với giá 500 đồng/kg. Số chưa thu hoạch là nông dân đang cố neo để chờ đợi giá thành chuyển biến trong ít ngày tới. Nếu không thay đổi thì bấm bụng chịu thua.
Trước Tết Nguyên đán, giá khoai lang tím Nhật được thương lái mua xuất sang Trung Quốc dao động khoảng 1 triệu đồng/tạ (60kg). Tuy nhiên, sau Tết giá giảm xuống mức 600.000 đồng/tạ, rồi 400.000 đồng/tạ… Ðến cuối tháng 4 qua, còn khoảng hơn 200.000 đồng/tạ và đến thời điểm này là chạm đáy 30.000 đồng/tạ.
Trung bình 1 công đất trồng khoai đầu tư chi phí 15 – 20 triệu, chỉ cần giá nằm ở 5.000 đồng/kg người trồng đã hoàn vốn. Nhưng nay giá chỉ khoảng 1.000 đồng/kg nông dân phải bù lỗ khoảng 17 triệu đồng mỗi công. Anh Hà Văn Hoài có tổng số 30 công đất trồng khoai nhưng bán với giá này anh đã cầm chắc lỗ trắng.
“Này có 500 đồng/kg, người ta còn không mua. Cũng do dịch bệnh không xuất khẩu được. Với giá này nếu 30 chục công thì lỗ khoảng 500 triệu” – anh Hoài chia sẻ.
Theo số liệu từ phòng nông nghiệp huyện Bình Tân, hiện trên địa bàn còn tới hơn 600 ha với hơn 200.000 tấn đang vào lứa chuẩn bị thu hoạch. Hiện tại đường xuất khẩu hạn hẹp và bị động bởi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên chỉ có thể tiêu thụ nội địa. Cho nên giá sắp tới vẫn còn là một ẩn số do thị trường quyết định. Trước mắt, những diện tích bán được cũng không nhiều là bởi “xem mặt mới bắt hình dong”, diện tích trúng mùa lái mới mua, có như vậy lái mới không bị lỗ theo nông dân.
Ông Sơn Văn Luận, Giám đốc HTX Khoai lang Thanh Ngọc, tỉnh Vĩnh Long cho biết: “Hợp tác xã mua được 60.000 đồng/tạ, có thời điểm bán được 5.000 đồng/kg thì mua được 90.000đồng/tạ. Còn như thương lái hiện giờ thì chỉ có mua khoảng 40.000 đồng/tạ trở lại. Lúc mà thương lái đi coi ruộng, xem chỗ nào một công đất thu hoạch được 70-80 tạ mới đào. Tiền công thu hoạch mỗi công 3 triệu, chưa tính tiền vận chuyển, bốc xếp về kho thành ra lỗ đủ thứ”.
Lúc này, khoai đến lứa phải thu hoạch, nông dân bấm bụng bán với giá rẻ mạt để dọn đất mà gieo sạ lại vụ sau.
“35.000-40.000 đồng/tạ, tính ra lỗ 3 triệu mỗi công. Thu hoạch thì lỗ không thu hoạch thì không có đất trồng vụ mới” – chị Huỳnh Kim Phượng ở xã Mỹ Thuận, huyện Bình Tân chia sẻ.
Vĩnh Long được xem là thủ phủ khoai lang của ÐBSCL với diện tích khoảng 13.000-15.000 ha mỗi năm. Trong đó huyện Bình Tân đóng vai trò chủ lực. Những năm được mùa, được giá thì khoai lang xuất khẩu đã giúp rất nhiều hộ nông dân có thu nhập cao, ổn định cuộc sống. Ngoài ra, việc phát triển nghề trồng khoai còn kéo theo giải quyết việc làm cho nhiều lao động như cuốc khoai, trồng khoai, chăm sóc, thu hoạch…
Tuy nhiên, hạn chế tồn tại lâu nay vẫn là khâu liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ chưa chặt chẽ, nên xảy ra tình trạng ùn ứ khi vào giai đoạn thu hoạch rộ. Ðặc biệt là diện tích khoai lang xuất khẩu được mở rộng nhiều nơi, nhưng vẫn phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc nên dễ gặp rủi ro.
Ông Sơn Văn Luận, Giám đốc HTX Khoai lang Thanh Ngọc, tỉnh Vĩnh Long cho biết: “Do dịch Covid-19, các nước như Trung Quốc đều không nhập, khoai lang phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc, nếu nó không nhập là khó khăn về đầu ra”.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long, tỉnh quy hoạch vùng trồng khoai lang dựa trên nhu cầu thị trường tiêu thụ. Quan điểm chung là không khuyến khích độc canh khoai lang liên tục mà áp dụng luân canh, xây dựng lịch thời vụ phù hợp, tránh việc thu hoạch quá nhiều cùng thời điểm, sẽ dễ bị rớt giá.
“Về lâu dài kêu gọi đầu tư xây dựng kho chứa khoai, nhà máy chế biến khoai. Kêu gọi hướng dẫn nông dân sản xuất theo hướng nông nghiệp hữu cơ để xuất khẩu ở các nước khác chứ không lệ thuộc vào một mình thị trường Trung Quốc” – ông Trương Thành Dãnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long nói.
Tỉnh Vĩnh Long cũng kiến nghị Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ việc dự báo thị trường tiêu thụ ở các nước, nhất là Trung Quốc để địa phương cân đối sản xuất. Trước mắt hiện nay, hàng trăm ngàn tấn khoai ùn ứ giá rẻ, nhiều tổ chức đã phối hợp với tỉnh đoàn Vĩnh Long kêu gọi “giải cứu” bán với giá từ 3.000 – 6.000 đồng/kg giúp nông dân vượt qua vụ mùa này để chuẩn bị gieo mầm cho vụ tới./.
(Theo VOV)
- Quảng Nam muốn đưa sâm Ngọc Linh thành sản phẩm chủ lực, thương hiệu quốc gia
- Hà Tĩnh: Chàng trai trẻ khát vọng đưa cây dược liệu về làm giàu trên đất đồi
- Đồng Nai: Xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp hữu cơ bền vững
- Chỉ thị của Thủ tướng tập trung triển khai các giải pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi