Gia tăng giá trị Chương trình OCOP và du lịch nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới
Dự và chủ trì Hội nghị có ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ NNPTNT, Phó trưởng Ban Chỉ đạo T.Ư thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2021-2025; ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NNPTNT, Ủy viên Ban Chỉ đạo; ông Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ VHTTDL; ông Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế, thành viên Ban Chỉ đạo T.Ư; đại diện Văn phòng Chính phủ, các bộ, ban, ngành Trung ương, lãnh đạo Văn phòng Điều phối NTM Trung ương và lãnh đạo Văn Phòng Điều phối NTM 15 tỉnh thành, đại diện các tổ chức nước ngoài cùng trên 2.000 đại biểu tham gia tại các điểm cầu trên cả nước.
Toàn cảnh Hội nghị tại điểm cầu Bộ NNPTNT.
Trên cơ sở những kết quả đạt được của Chương trình OCOP; căn cứ Quyết định số 919/QĐ-TTg ngày 01/8/2022 và Quyết định số 922/QĐ-TTg ngày 02/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình OCOP và Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Bộ NNPTNT định hướng kế hoạch triển khai 2 Chương trình này.
Gia tăng giá trị Chương trình OCOP
Tại Hội nghị, ông Trần Nhật Lam, Phó Chánh Văn phòng Điều phối NTM Trung ương trình bày báo cáo Kế hoạch trọng tâm triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025.
Theo đó, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (gọi tắt là Chương trình OCOP) là chương trình phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát huy nội lực, thúc đẩy nâng cao giá trị sản phẩm, thu nhập của người dân, với mục tiêu cuối cùng là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân khu vực nông thôn.
Sau hơn 4 năm triển khai Chương trình theo Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 07/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ, Chương trình OCOP đã có sự lan tỏa mạnh mẽ, được triển khai đồng bộ, rộng khắp, được tất cả các địa phương chủ động triển khai một cách hiệu quả và thành công, trở thành một giải pháp được ưu tiên trong phát triển kinh tế nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới. Đến ngày 31/8/2022, tất cả 63/63 tỉnh, thành phố đã tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm, cả nước đã có 8.478 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, trong đó 65,4% sản phẩm 3 sao, 33,4% sản phẩm 4 sao, 1,0% sản phẩm tiềm năng 5 sao và 0,2 % sản phẩm 5 sao. Đã có hơn 4.351 chủ thể OCOP, trong đó có 38,3% là HTX, 26,1% là doanh nghiệp, 33,3% là cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh, còn lại là tổ hợp tác có sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên.
Chương trình OCOP đã có những tác động tích cực, đậm nét đến phát triển kinh tế nông thôn, góp phần khơi dậy tiềm năng đất đai, sản vật, lợi thế so sánh, đặc biệt là các giá trị văn hóa vùng miền để hình thành các sản phẩm OCOP tích hợp “đa giá trị”, gắn kết giữa phát triển nông nghiệp với dịch vụ, du lịch; thông qua Chương trình, nhiều địa phương đã quy hoạch được các vùng nguyên liệu đặc sản, phát triển các ngành nghề nông thôn, hình thành nhiều sản phẩm OCOP gắn với vai trò như một “đại sứ” chuyển tải những câu chuyện sản phẩm mang tính nhân văn của vùng, miền; Chương trình đã thúc đẩy hướng đi về phát triển sinh kế ở những vùng khó khăn và các nhóm yếu thế như: đồng bào dân tộc thiểu số, phụ nữ. Đặc biệt, thông qua Chương trình OCOP, nhiều địa phương đã chủ động phát triển nhóm sản phẩm dịch vụ du lịch nông thôn và điểm du lịch.
Đến nay, các địa phương đã đánh giá và công nhận 65 sản phẩm OCOP thuộc nhóm dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch, trong đó nhiều vùng đã phát huy được lợi thế về điều kiện tự nhiên, sản xuất nông nghiệp, văn hóa, làng nghề truyền thống để hình thành các Điểm du lịch nông thôn đặc sắc, như: Miền núi phía Bắc và Đồng bằng sông Cửu Long.
Chương trình OCOP tiếp tục được xác định là Chương trình trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị, phát huy tính chủ động, sáng tạo, tinh thần hợp tác của các chủ thể và cộng đồng để phát triển sản phẩm OCOP, gắn với mục tiêu tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, đặc biệt ở vùng miền núi, đồng bào dân tộc khó khăn.
Trên 2.000 đại biểu tham gia Hội nghị tại các điểm cầu trên cả nước
Với Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025 cần tập trung vào một số nội dung trọng tâm như sau:
Tổ chức triển khai Chu trình OCOP linh hoạt, phù hợp theo hướng phát triển chuỗi giá trị sản phẩm OCOP gắn với vùng nguyên liệu địa phương. Trong đó, tập trung phát triển các đặc sản, sản phẩm truyền thống, phát huy giá trị văn hóa, hình thành sản phẩm tích hợp đa giá trị gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, giá trị văn hóa địa phương, đặc biệt là sản phẩm các làng nghề, nghề truyền thống, dịch vụ du lịch nông thôn; đẩy mạnh phát triển sản phẩm chế biến, chế biến sâu gắn với vùng nguyên liệu địa phương, văn hóa và tri thức bản địa.
Đẩy mạnh hoạt động đào tạo, tập huấn, chú trọng các kỹ năng về tổ chức sản xuất; quản trị; đổi mới, sáng tạo về sản phẩm; quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm; kỹ năng về thiết kế bao bì, ghi nhãn và mẫu mã sản phẩm; sở hữu trí tuệ, truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị; marketing và phát triển thị trường. Đặc biệt là đổi mới về phương pháp tập huấn, hướng dẫn theo hướng phát triển sản phẩm dựa vào nội lực cộng đồng.
Chú trọng và nâng cao chất lượng quản lý sản phẩm OCOP, trong đó: Kiện toàn Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP các cấp theo hướng tinh gọn, hiệu quả; Đẩy mạnh công tác giám sát, kiểm tra sản phẩm sau khi được đánh giá, phân hạng, nhất là chất lượng, an toàn thực phẩm; Rà soát, kiểm tra đánh giá, phân hạng sản phẩm sau khi hết thời hạn công nhận nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các chủ thể đối với người tiêu dùng.
Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu cho sản phẩm OCOP thông qua các diễn đàn, triển lãm, sự kiện tôn vinh, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP đặc sắc thường niên gắn với văn hóa cấp quốc gia, cấp vùng, địa phương và quốc tế. Đặc biệt, tập trung xây dựng để hình thành các “Điểm đến” về sản phẩm OCOP gắn với các trung tâm du lịch, các hoạt động văn hóa; nâng cao năng lực hệ thống logistic về nông sản và OCOP nhằm thúc đẩy thương mại, thị trường sản phẩm trong nước và xuất khẩu.
Trà xanh bà cụ (hộp 100 gram) - sản phẩm của HTX chế biến chè Phìn Hồ, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang được Hội đồng OCOP Quốc gia đánh giá sản phẩm 5 sao.
Theo trình bày của đại diện Bộ Công Thương, kết quả triển khai các nhiệm vụ được giao trong Chương trình OCOP của Bộ Công Thương, trong năm 2019-2020, Bộ Công Thương đã hỗ trợ 21 địa phương, xây dựng Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, cùng với đó là các hoạt động hỗ trợ xúc tiến thương mại, tuyên truyền, quảng bá, kết nối cho các sản phẩm OCOP đã được Bộ Công Thương phê duyệt và triển khai thực hiện.
Bước đầu, các sản phẩm OCOP, các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, các sản phẩm đặc trưng, đặc sản, tiềm năng, lợi thế của địa phương, vùng miền đã được kết nối vào hệ thống các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, đã được đưa vào một số hệ thống phân phối trên địa bàn cả nước (Central Retail, MM Mega Market, Saigon Co.op…). Qua đó, góp phần thúc đẩy các địa phương tích cực tham gia sản xuất các sản phẩm thế mạnh cũng như phát triển kinh tế.
Các đại biểu tham gia gian hàng OCOP của huyện Đồng Hỷ tại Ngày hội trưng bày, giới thiệu các sản phẩm OCOP tỉnh Thái Nguyên.
Thực hiện nhiệm vụ của mình, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã hướng dẫn các cơ quan chức năng thuộc ngành Y tế tại các địa phương đã chủ động thực hiện thông tin tuyên truyền, hướng dẫn các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể tham gia Chương trình OCOP thuộc ngành Y tế quản lý trên tất cả các cấp Quận/huyện, tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương và cả cấp Trung ương.
Tuy nhiên, do hầu hết các ngành hàng thực phẩm trong Chương trình OCOP thuộc phạm vi quản lý của ngành Y tế (Thực phẩm chức năng, dược liệu và sản 2 phẩm từ dược liệu) đều có yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm cao, điều kiện sản xuất chặt chẽ và nhiều quy định khác nghiêm ngặt (Quy định về hành vi cấm, sử dụng chất cấm…) về ghi nhãn sản phẩm, quảng cáo thực phẩm … đòi hỏi các doanh nghiệp, hộ sản xuất, hợp tác xã phải tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật hiện hành và phải đầu tư thật sự về cơ sở vật chất, nhà xưởng, trang thiết bị để sản xuất, kinh doanh sản phẩm. Do đó, các doanh nghiệp vừa, nhỏ, hộ kinh doanh thuộc phạm vi quản lý của ngành Y tế tham gia Chương trình OCOP với số lượng ít hơn nhiều (Chỉ có 09 sản phẩm được giới thiệu ) so với các ngành nghề thực phẩm, sản phẩm hàng hóa và sản phẩm dịch vụ khác trong giai đoạn 2018 – 2020.
Theo Cục An toàn thực phẩm, Chương trình OCOP đối tượng thực hiện rất đa dạng. Các sản phẩm được phân theo 6 nhóm chính, nhưng rất phong phú, nhiều sản phẩm thuộc nhóm hàng hóa sản xuất, kinh doanh có điều kiện theo quy định chặt chẽ của pháp luật như: Nhóm thực phẩm gồm nông, thủy sản tươi sống; nông, thủy sản sơ chế, chế biến và các thực phẩm khác; Nhóm đồ uống, gồm đồ uống có cồn; đồ uống không cồn; Nhóm dược liệu và sản phẩm từ dược liệu, gồm sản phẩm chức năng, thuốc dược liệu, thuốc y học cổ truyền, mỹ phẩm có thành phần từ thảo dược, tinh dầu và dược liệu khác…
Trên cơ sở đó, Cục An toàn thực phẩm đề xuất giải pháp nâng cao năng lực an toàn thực phẩm cho sản phẩm OCOP thuộc ngành Y tế quản lý cho giai đoạn 2021 – 2025:
Bộ NNPTNT cần phân công cụ thể các hoạt động đối với đơn vị đầu mối, đơn vị phối hợp để đáp ứng yêu cầu giảm thiểu thời gian, số lượng các quy trình, quyết định hành chính… của các bộ, ngành, UBND tỉnh/thành phố để triển khai các công việc trong Kế hoạch chi tiết triển khai Chương trình OCOP giai đoạn 2021 – 2025. Nhanh chóng rà soát, sửa đổi, bổ sung trình cấp có thẩm quyền phê duyệt quy định bộ tiêu chí, quy trình đánh giá, phân hạng, chính sách thực hiện bảo đảm tuân thủ quy định pháp luật hiện hành, phù hợp với tình hình thực tiễn từng loại sản phẩm, đơn giản và có tiêu chí phân hạng rõ ràng, khách quan; tài liệu tập huấn, hướng dẫn chuyên môn chi tiết triển khai Chương trình OCOP; định hướng quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa, dịch vụ Chương trình OCOP; quy định quản lý và giám sát tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; hướng dẫn hỗ trợ đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, tín dụng đối với sản phẩm tham gia Chương trình OCOP ở các cấp.
Phát triển du lịch nông thôn là nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 đó là tập trung phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của người dân nông thôn, chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông thôn. Do vậy, Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 được xác định là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm nhằm phát triển kinh tế nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới.
Mục tiêu của Chương trình là đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của các địa phương, nhằm nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị, bao trùm và phát triển bền vững.
Vì vậy, căn cứ các giải pháp, nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 922/QĐ[1]TTg, Chương trình cần phải tập trung vào những nội dung chủ yếu như:
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy, kiến thức, hành động cho cấp ủy, chính quyền, cán bộ; tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch; người dân, cộng đồng và khách du lịch về phát triển du lịch nông thôn bền vững trong xây dựng nông thôn mới.
Hoàn thiện cơ chế, chính sách, văn bản hướng dẫn triển khai Chương trình, cụ thể: Rà soát, tích hợp và bổ sung định hướng phát triển du lịch nông thôn vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch xây dựng nông thôn mới; Xây dựng Tài liệu tập huấn về phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới; Bộ tiêu chí, tiêu chuẩn về công nhận điểm du lịch nông thôn gắn với công tác quản lý nhà nước về du lịch. Tổ chức đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý du lịch, kiến thức thị trường, kỹ năng về hoạt động du lịch (ngoại ngữ, đón tiếp, xúc tiến du lịch,…), bảo vệ tài nguyên và môi trường du lịch cho người lao động làm việc trong lĩnh vực du lịch ở khu vực nông thôn.
Tập trung xây dựng các điểm đến, sản phẩm du lịch nông thôn, hình thành các tour, tuyến du lịch nông thôn gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa và bảo vệ môi trường; sử dụng nguyên liệu và lao động tại chỗ; huy động sự tham gia của phụ nữ, người nghèo, người dân tộc thiểu số, người yếu thế để nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân.
Khu nhà Homestay của hộ gia đình anh Hoàng Đức Kìn, dân tộc Giáy, xã Tả Van, thị trấn Sa Pa được đầu tư tốt, là địa điểm ưa thích cho du khách nước ngoài. (Ảnh: Thanh Hà/TTXVN)
Tổ chức các sự kiện, lễ hội, diễn đàn giới thiệu và kết nối cung - cầu du lịch nông nghiệp, nông thôn. Lồng ghép giới thiệu sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn tại các sự kiện quảng bá du lịch Việt Nam, các chương trình kết nối nông sản và Chương trình OCOP. Đẩy mạnh chuyển đổi số trong quảng bá, giới thiệu sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn
Về Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, theo Sở NNPTNT tỉnh Đồng Tháp, loại hình Du lịch nông nghiệp ở Đồng Tháp hình thành và phát triển từ năm 2016, đến nay trên địa bàn Đồng Tháp đã có 65 điểm tham quan du lịch gắn với nông nghiệp và trải nghiệm làng nghề được thành lập, đi vào hoạt động. Các mô hình du lịch kết hợp với nông nghiệp hoạt động khá hiệu quả, đã giúp kéo dài chuỗi giá trị, gia tăng giá trị nông sản, tạo thêm việc làm ở nông thôn, đem lại nguồn thu ổn định cho nông dân. Du lịch gắn với nông nghiệp và làng nghề tại Đồng Tháp hình thành và phát triển sau một số tỉnh thành trong khu vực ĐBSCL và mang tính tự phát nhưng thời gian qua cũng đạt được một số kết quả khả quan. Nổi bật nhất là các mô hình ở thành phố Sa Đéc và huyện Tháp Mười, huyện Lai Vung…
Đặc biệt mô hình du lịch nông nghiệp thành công nhất là Thành phố Sa Đéc. Hiện nay TP. Sa Đéc có 12 điểm tham quan trải nghiệm du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng, làng nghề. Trong đó có 06 điểm cộng đồng đủ điều kiện được UBND Tỉnh công nhận là Điểm du lịch theo Luật Du lịch 2017, có 03 điểm du lịch cộng đồng được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao theo bộ tiêu chí du lịch nông thôn. Đây là những điểm đến hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách khắp mọi miền đất nước và bạn bè quốc tế đến tham quan và thưởng ngoạn.
Du khách tham gia du lịch nông nghiệp trải nghiệm tại làng hoa Sa Đéc (Đồng Tháp).
Tại tỉnh Lâm Đồng đến nay, trên cơ sở phát triển du lịch canh nông, tỉnh đã thẩm định và công nhận cho 33 mô hình du lịch canh nông trên địa bàn tỉnh (Quyết định công nhận Mô hình “Điểm du lịch canh nông” có thời hạn trong vòng 03 năm kể từ ngày ký). Tổng vốn đầu tư cho các mô hình du lịch canh nông khoảng 377 tỷ đồng; diện tích triển khai các mô hình du lịch canh nông hơn 302 ha. Chất lượng nguồn nhân lực phục vụ tại các mô hình ngày càng được nâng lên. Đến nay, thu hút và giải quyết việc làm gần 1.000 lao động của địa phương; trong đó có 48 hướng dẫn viên du lịch tại điểm được tập huấn và cấp thẻ. Tổng lượt khách đến tham quan các mô hình du lịch nông nghiệp trên địa bàn tỉnh từ năm 2018 đến nay đạt gần 6 triệu lượt khách, các mô hình du lịch canh nông bán vé cho khách tham quan với giá vé từ 10.000 đồng đến 100.000 đồng. Tổng doanh thu từ các mô hình du lịch canh nông gần 250 tỷ đồng và nộp ngân sách nhà nước khoảng 25 tỷ đồng..
Theo Sở VHTTDL Lào Cai, số lượng dịch vụ lưu trú tại gia (homestay) liên tục tăng, tính đến hết năm 2019, toàn tỉnh có 365 cơ sở homestay trong đó tập chung chủ yếu tại Sa Pa ( 300 hộ) huyện Bắc Hà (46 hộ), huyện Bát Xát (11 hộ), huyện Bảo Yên (7 hộ) , thành phố Lào Cai (1 hộ). Cơ sở vật chất, trang thiết bị, điều kiện vệ sinh môi trường: Các nhà nghỉ lưu trú tại gia cơ bản đã đảm bảo yêu cầu về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ lưu trú như: chăn, ga, gối, đệm, buồng ngủ, nhà vệ sinh, bếp nấu ăn… đáp ứng nhu cầu tối thiểu khi khách lưu trú tại gia đình. Tại Lào Cai, mỗi bản làng, mỗi dân tộc đều khai thác và phát huy bản sắc văn hóa riêng để phát triển du lịch. Hàng năm tỉnh Lào Cai đều chú trọng bảo tồn phục dựng lại nguyên bản các lễ hội đặc sắc, mang tính đại diện, tiêu biểu của cộng đồng phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của người dân và du khách tham quan, trải nghiệm.
“Giá trị xây dựng nông thôn mới không chỉ dừng ở câu chuyện chúng ta đã làm mà còn đưa vào nhiều giá trị văn hoá, lịch sử của đất nước” - ông Lê Minh Hoan đánh giá và cho rằng, Chương trình Nông thôn mới giai đoạn trước thành công và mang lại ý nghĩa to lớn, nhưng giờ là lúc chúng ta khởi tạo cho giai đoạn mới. “Chúng ta nói xây dựng nông thôn mới nhưng người Trung Quốc còn gọi là chấn hưng nông thôn. Điều đó có nghĩa là chúng ta đang làm một cuộc cách mạng nông thôn. Đó là sự thay đổi theo những chiều hướng tốt đẹp hơn. Chương trình OCOP sẽ tạo thêm không gian phát triển kinh tế, hòa quyện chung cho giai đoạn sắp tới là phát triển kinh tế nông thôn. Chúng ta phải làm sao cuối nhiệm kỳ không chỉ báo có bao nhiêu huyện, xã đạt nông thôn mới, mà chúng ta còn tự hào có bao nhiêu di sản nông thôn, tự tin giới thiệu với thế giới”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
- Quảng Nam muốn đưa sâm Ngọc Linh thành sản phẩm chủ lực, thương hiệu quốc gia
- Hà Tĩnh: Chàng trai trẻ khát vọng đưa cây dược liệu về làm giàu trên đất đồi
- Đồng Nai: Xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp hữu cơ bền vững
- Chỉ thị của Thủ tướng tập trung triển khai các giải pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi