Nông nghiệp tỉnh Nghệ An muốn "tháo gỡ 6 nút thắt"
Tốc độ tăng trưởng đạt và duy trì ở mức cao
Chiều 10/4, ông Nguyễn Đức Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã có buổi làm việc trực tiếp với Sở NN&PTNT Nghệ An nhằm đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ, chỉ tiêu kế hoạch phát triển giai đoạn 2021- 2023, đồng thời đề ra phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm giai đoạn 2024 – 2025.
Giai đoạn 2021-2023, mặc dù gặp nhiều khó khăn, nông nghiệp Nghệ An vẫn duy trì ổn định đạt mức tăng trưởng ở mức cao trên các lĩnh vực sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp góp phần quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn.
Nhìn chung, tốc độ tăng trưởng đạt và duy trì ở mức cao, cơ cấu kinh tế nội ngành được chuyển dịch tích cực theo hướng giảm dần tỷ trọng trồng trọt, tăng dần tỷ trọng chăn nuôi và dịch vụ (tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp năm 2022 đạt 47,94%), tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp bình quân 3 năm 2021-2023 ước đạt 4,73%; dự kiến cả giai đoạn 2021-2025 đạt khoảng 4,74,8%.
Tổng giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy hải sản cả năm 2022 ước đạt trên 487,5 triệu USD, năm 2023 ước đạt trên 562/KH399 triệu USD đạt 140,78%, tăng 15,28% so với năm 2022.
Tư duy đổi mới sản xuất nông nghiệp của các chủ thể sản xuất kinh doanh nông nghiệp ở Nghệ An đã dần chuyển sang kinh tế nông nghiệp, do đó giá trị gia tăng, chất lượng hàng nông, lâm, thủy sản được cao nâng cao theo chuỗi giá trị, nổi bật như: Nhiều diện tích lúa kém hiệu quả được chuyển đổi sang cây trồng khác, nuôi trồng thủy sản có hiệu quả hơn, diện tích rừng trồng được kiểm soát chất lượng giống đạt tỷ lệ cao, diện tích rừng trồng được cấp chứng chỉ quản lý rừng theo tiêu chuẩn quốc tế (chứng chỉ FSC) đạt trên 24.000ha, Nhiều mô hình nông nghiệp sinh thái, xanh, hữu cơ có hiệu quả kinh tế được phát triển, Số lượng sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên tăng mạnh tạo điều kiện thuận lợi giúp doanh nghiệp quảng bá, tiêu thụ sản phẩm…
Cũng từ đó, nhiều chương trình của ngành nông nghiệp phát triển và đạt kết quả rõ rệt. Công cuộc thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới. Đến nay, toàn tỉnh đã có 317/411 xã đạt chuẩn NTM (được UBND tỉnh công nhận), chiếm 77,13% tổng số xã; 67/317 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, chiếm 21,14%; 10/319 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu, chiếm 3,15%; có 9 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ, đạt chuẩn NTM. Số tiêu chí bình quân các xã đạt 17/KH 17 tiêu chí/xã.
Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) ngày càng tăng cả về chất và lượng. Toàn tỉnh đã có 567 sản phẩm OCOP trong đó có 1 sản phẩm đạt 5 sao, 37 sản phẩm đạt 4 sao và 529 sản phẩm đạt 3 sao, có 9 điểm du lịch nông thôn, là tỉnh đứng thứ 2 cả nước về số lượng sản phẩm OCOP được công nhận.
Từ kết quả thực tiễn, ông Nguyễn Đức Trung khẳng định: “Ngành NN&PTNT Nghệ An có dư địa và tiềm năng phát triển rất lớn, ngược lại cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đơn cử như đất đai khu vực miền núi chiếm trên 80%, diện tích rừng lớn nhưng đa phần là rừng tự nhiên, theo quy định không được động đến… Vượt qua những trở ngại, toàn ngành vẫn đạt được những kết quả ấn tượng, xứng đáng là bệ đỡ của nền kinh tế”.
Giai đoạn 2021 – 2023, các nhiệm vụ, chỉ tiêu, kế hoạch thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn chủ yếu của Nghệ An đạt và vượt mức chỉ tiêu kế hoạch được giao hằng năm. Dự kiến đến năm 2025 sẽ đạt mục tiêu, chỉ tiêu của giai đoạn 2021 - 2025, cụ thể: 4 chỉ tiêu tổng hợp sẽ hoàn thành, hoàn thành vượt mức, các chỉ tiêu sản xuất dự kiến có 23 chỉ tiêu đạt và vượt, 3 chỉ tiêu khó đạt so với mục tiêu kế hoạch 5 năm 2021-2025.
Các chương trình, đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp, chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới tiếp tục được triển khai, tạo phong trào, động lực thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn phát triển. Nhiều tiến bộ khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao được áp dụng nhanh vào sản xuất, góp phần nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp, tăng thu nhập cho người dân.
Nhiều nút thắt được đề xuất tháo gỡ
Tại buổi làm việc, ông Phùng Thành Vinh - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An đã nêu rõ những nút thắt cần được gỡ vướng để ngành tiếp tục thực hiện thắng lợi những chỉ tiêu đề ra trong thời gian tới, cụ thể:
Thứ nhất, hiện nay, phần lớn các chủ rừng là tổ chức nhà nước đặc biệt là các Ban quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng được giao quản lý diện tích rừng và lâm nghiệp rất lớn, song hầu hết diện tích được giao chưa được bàn giao ở thực địa, chưa được cắm mốc phân định các loại rừng ngoài thực địa. Vì vậy, trong thời gian tới kính đề nghị Chủ tịch xem xét quan tâm chỉ đạo các Sở, ngành tham mưu bố nguồn kinh phí cắm mốc, phân định ranh giới các loại rừng ở thực địa, để các chủ rừng thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật.
Thứ hai, trên thực tế nhiều Trạm Quản lý BVR đang bị xuống cấp nghiêm trọng, do tính chất công việc các Trạm quản lý Bảo vệ rừng luôn đảm bảo phải có người thường trực, nhưng với điều kiện hiện nay, thì nơi ăn, chốn ở của Cán bộ bảo vệ rừng đang gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, kính đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, trong giai đoạn 2024-2025 bố trí ngân sách để xây dựng, cải tạo, nâng cấp một số Trạm quản lý Bảo vệ rừng trên địa bàn để đảm bảo cho lực lượng bảo vệ rừng có nơi ăn, chốn ở tốt hơn, hoàn thành nhiệm vụ được nhà nước giao; đồng thời xem xét bố trí kinh phí để tu sửa, làm mới khoảng 20 km đường lâm nghiệp.
Thứ ba, theo quy định của Luật Thủy sản nhiệm vụ chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định và tháo gỡ “Thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu đang là nhiệm vụ cấp bách, quan trọng của cả hệ thống chính trị, để đảm bảo nguồn nhân lực để thực thi nhiệm vụ được giao. Trước mắt cho phép Chi cục Thủy sản và Kiểm ngư tiếp tục ký kết hợp đồng đối với các thuyền viên đang làm việc tại hai tàu Kiểm ngư từ nguồn kinh phí không giao tự chủ bảo vệ nguồn lợi thủy sản; Về lâu dài xem xét, bổ sung nguồn nhân lực cho tàu Kiểm ngư đáp ứng nhu cầu theo các quy định hiện hành. Đồng thời cho chủ trương bố trí kinh phí để sửa chữa định kỳ và hằng năm đối với 2 tàu kiểm ngư.
Thứ tư, đề nghị UBND tỉnh đưa dự án Hồ chứa nước Bản Mồng vào danh mục dự án trọng điểm của tỉnh để tập trung chỉ đạo các UBND huyện Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn có liên quan tham mưu giải pháp tháo gỡ kịp thời những khó khăn vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện.
Thứ năm, đối với Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Bắc Trung Bộ: Sở NN&PTNT trình xin ý kiến Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo 2 phương án về Tổ chức bộ máy quản lý Khu lâm nghiệp ứng dụng CNC vùng Bắc Trung Bộ theo đề xuất của Sở.
Thứ sáu, đề xuất xem xét bố trí kinh phí để xây dựng Trung tâm giới thiệu quảng bá sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng tại Văn phòng Sở NN&PTNT với kinh phí dự kiến khoảng 15 tỷ đồng.
Kết luận cuộc họp, ông Nguyễn Đức Trung đã trao đổi, giải quyết các nội dung, kiến nghị của Sở NN-PTNT. Riêng đối với 10 lao động hợp đồng của Chi cục Thủy sản và Kiểm ngư, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An nhấn mạnh đây là vấn đề tồn tại do lịch sử để lại. Để “thấu tình đạt lý”, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Nội vụ phối hợp, hướng dẫn Sở NN-PTNT sớm để tìm ra giải pháp tháo gỡ phù hợp và không trái với quy định.