Giải pháp để du lịch Cà Mau phục hồi phát triển sau đại dịch
Trước những tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 đã khiến ngành Du lịch của Cà Mau lâm vào tình trạng khó khăn. Tuy nhiên, hiện nay, nhờ làm tốt công tác phòng, chống dịch nên các hoạt động kinh doanh dần phục hồi. Cà Mau đã xây dựng kế hoạch cụ thể phục hồi phát triển du lịch những tháng cuối năm 2021.
Phát triển du lịch song hành phòng chống dịch
Theo ông Trần Hiếu Hùng – Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) tỉnh Cà Mau cho biết, thời gian qua, ngành Du lịch Cà Mau chịu nhiều ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Cụ thể là, từ khi bùng phát dịch bệnh lần thứ 4 đến nay, nhiều hoạt động, sự kiện bị gián đoạn, trì hoãn. Có thể nói cả ngành Du lịch bị “đóng băng”, muốn khôi phục vực dậy, là điều không dễ.
Để chủ động thực hiện một số hoạt động, từng bước kích thích, khôi phục du lịch sau khi tình hình dịch bệnh ổn định, ngành Du lịch Cà Mau sẽ rà soát và tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ trong Chương trình xúc tiến du lịch, Chương trình Cà Mau điểm đến 2021 và các hoạt động VH-TT&DL trong những tháng cuối năm 2021, xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển du lịch năm 2022.
“Tuy nhiên, mấu chốt là các hoạt động trên khi triển khai phải đảm bảo công tác phòng chống dịch, phù hợp trong điều kiện bình thường mới”, ông Hùng nhấn mạnh.
Theo ông Hùng, đối với cơ sở lưu trú, khu, điểm, hộ kinh doanh du lịch phải đảm bảo các tiêu chí: Cơ sở được quản lý an toàn, cơ sở phục vụ khách an toàn, điều kiện làm việc của nhân viên an toàn và tiếp nhận khách an toàn. Công ty lữ hành phải đảm bảo các tiêu chí: Phòng, chống dịch an toàn; đón khách an toàn; điều kiện làm việc của nhân viên an toàn; điều kiện tổ chức tour an toàn. Về lao động, việc làm: Rà soát, nắm bắt tình hình nhân sự, tuyển dụng lao động tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, nhằm đảm bảo nguồn nhân lực phục vụ du khách; mở các lớp đào tạo theo Chương trình xúc tiến du lịch năm 2021. Đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh Cà Mau, chủ động trong việc chỉnh trang cơ sở vật chất, tuyển chọn nguồn nhân lực; sáng tạo xây dựng sản phẩm mới để thúc đẩy khôi phục thị trường du lịch sau khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, ổn định.
Theo dự kiến trong 7 ngày cuối tháng 11 và đầu tháng 12, Cà Mau sẽ tổ chức chuỗi các sự kiện: Cuộc thi chạy Marathon tại Khu Du lịch Mũi Cà Mau với chủ đề “Kết nối đường Hồ Chí Minh huyền thoại” Cà Mau 2021. Cùng thời gian, địa điểm này là “Ngày hội ẩm thực Đất Mũi”. Tiếp nối là sự kiện “Ngày hội cua Năm Căn gắn với văn hoá ẩm thực Cà Mau” được tổ chức tại thị trấn Năm Căn (huyện Năm Căn).
“Sở cũng sẽ tổ chức Đoàn Famtrip khảo sát điểm đến du lịch Cà Mau (đợt 2) nhằm xúc tiến du lịch, quảng bá giới thiệu hình ảnh, văn hoá, con người và các sản phẩm đặc trưng của Cà Mau dành cho đại diện các công ty lữ hành, báo, đài…”, ông Trần Hiếu Hùng thông tin. Đặc biệt, cuối tháng 10 này, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh sẽ tổ chức không gian nghệ thuật và trưng bày – triển lãm do Trung tâm Văn hoá tỉnh, Đoàn Cải lương Hương Tràm, Trung tâm Văn hoá -Truyền thông và Thể thao TP Cà Mau phối hợp xây dựng chương trình và tổ chức biểu diễn hàng tuần.
Ông Hùng còn khẳng định thêm: “Ngành sẽ tăng cường công tác giám sát, hướng dẫn chỉnh trang, cải tạo cảnh quan, nâng cao chất lượng và xây dựng sản phẩm du lịch mới tại các điểm du lịch, hộ du lịch cộng đồng; cơ sở lưu trú du lịch nhằm đảm bảo an toàn cho khách du lịch; tạo niềm tin về độ an toàn cho khách du lịch”.
Cùng nỗ lực để du lịch bước qua đại dịch
Bàn luận phương án phục hồi phát triển du lịch trên group “Du lịch Cà Mau” (do Sở VH-TT&DL tạo lập), anh Đinh Đăng Dzuy, chủ nhà hàng Cua Thứ Thiệt (Phường 5, TP Cà Mau) đề xuất ý tưởng về việc tạo một liên kết Fever – tất cả các dịch vụ liên kết thành một “combo” (di chuyển, ăn, ở, vui chơi, mua sắm). Nếu công ty đối tác hoặc khách gia đình, cá nhân được “check” tất cả dịch vụ trong liên minh thì sẽ có phần thưởng là “combo” nhỏ như: Voucher du lịch giảm giá 10% cho lần sau với điều kiện phải trải nghiệm hết những điểm đến của khách lần trước, để họ tặng bạn bè, người thân tiếp theo đến Cà Mau. Điều này tạo thêm tiền đề cho đoàn quay trở lại hoặc thân nhân các thành viên sẽ thực hiện chuyến du lịch kế tiếp
Cần thành lập các liên minh, khi đó tận dụng “data khách hàng” (thông tin những người từng và đã từng sử dụng dịch vụ) cùng nhau và cùng giới thiệu được sản phẩm, dịch vụ của mình. Tuỳ vào tệp phân khúc khách hàng khác nhau sẽ tạo được nhiều “combo” khác nhau, đa dạng về giá, đa dạng về chủ đề trải nghiệm, đa dạng về phương thức di chuyển… khách hàng sẽ chọn cái nào phù hợp với mình. Đồng thời, đa dạng kênh phân phối (chiết khấu cho các công ty lữ hành, khách sạn, “booking Online”…).
“Đại dịch Covid-19 lần này, gần như nhiều công ty điêu đứng, nếu không làm cùng nhau thì sẽ chia tay nhiều anh em cùng ngành nữa. Thông qua “liên minh”, cơ quan quản lý cũng nắm được số liệu đúng và tốt, để cùng phân tích và định hướng cho doanh nghiệp cả về sản phẩm, về giá, về mô hình, thông tin để cùng làm”, anh Dzuy nhấn mạnh.
Đồng tình với ý kiến trên, Chị Trần Ngọc Loan, Giám đốc Công ty Nice Tourist Cà Mau, cho rằng cần suy nghĩ tìm ra giải pháp cụ thể để làm việc hiệu quả khi trở lại “bình thường mới”, chắc chắn là tư duy sống và chọn lựa của khách hàng cũng mới. Còn chị Dương Kim Chuyển, Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Cà Mau (iPEC Cà Mau), cho rằng, ý kiến anh Dzuy khả thi. Theo đó, việc làm liên kết giữa anh em lữ hành (kể cả trong và ngoài tỉnh) và các đơn vị cung ứng dịch vụ trên địa bàn tỉnh để đồng loạt hưởng ứng và đưa ra chiến lược kích cầu sẽ thu hút khách đến Cà Mau sau khi bình thường trở lại. “Chỉ cần mọi người đồng lòng thì mọi việc sẽ dễ dàng thôi!”, chị Chuyển nói.
Ông Trần Hiếu Hùng tin tưởng rằng, với các nội dung, giải pháp thiết thực, sự nắm chặt tay của toàn ngành Du lịch, tin rằng Cà Mau sẽ từng bước kích thích, phục hồi hoạt động du lịch ngay khi dịch bệnh được kiểm soát trong những tháng cuối năm 2021. Đồng thời làm tiền đề cho những năm tiếp theo, thực hiện mục tiêu tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển du lịch của tỉnh sau khi dịch bệnh được kiểm soát hoàn toàn.
“Ngành Du lịch sẽ xây dựng Chương trình Cà Mau điểm đến 2022, trên cơ sở kế thừa phát huy duy trì hoạt động hiệu quả Cà Mau điểm đến 2021. Hướng đến sự kiện hàng năm như Lễ hội nghinh Ông Sông Đốc, Khám phá U Minh huyền thoại, Cuộc thi chạy maraton, Lễ hội bánh dân gian Nam Bộ; Phối hợp các tỉnh Hà Giang, Hà Nội, Quảng Trị tổ chức thực hiện Lễ thượng cờ non sông”.
Ông Lê Hiếu Hùng, Giám đốc Sở VHTT và DL tỉnh Cà Mau.
Hoàng Nam