Giảm phát thải khí nhà kính để phát triển nông nghiệp bền vững
Theo Ban tổ chức, tại Hội nghị COP 26 về biến đổi khí hậu, Việt Nam đưa ra cam kết phấn đấu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Cùng với đó, Việt Nam thực hiện “Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững, giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 1/2022, với mục tiêu Xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hoá, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia, góp phần quan trọng trong ổn định kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và thực hiệu có hiệu quả các cam kết quốc tế về giảm phát thải nhà kính…
Để thực hiện được chiến lược và các cam kết quốc tế nói trên, việc giảm phát thải trong canh tác có vai trò quan trọng. Ông Phạm Phú Ngọc, Trưởng bộ phận hỗ trợ nông nghiệp Nestle Việt Nam chia sẻ, trong sản xuất cà phê, các địa phương doanh nghiệp ở Tây Nguyên đã bước đầu quan tâm tới vấn đề sinh thái. Nếu xu thế này trở thành chủ đạo, ngành cà phê ở Tây Nguyên sẽ tăng tính bền vững.
“Quay lại những gì của tự nhiên trong đó có 3 nhiệm vụ chính là bảo tồn đất, nước và đa dạng sinh học. Có nghĩa là tạo lại mô hình sinh thái y như cây cà phê đang sống trong rừng nhưng môi trường tốt hơn. Đây là một trong những việc mình cần phối hợp để đảm bảo 3 tiêu chí bền vững kinh tế người nông dân, về xã hội đó giảm thiểu khí cacbon và tác hại môi trường, thứ 3 là xã hội là cho người nông dân sống tốt đẹp hơn, đẩm bảo được sức khoẻ, tăng thu nhập, cải thiện kinh tế hộ gia đình” - ông Phạm Phú Ngọc nói.
Để đẩy nhanh quá trình phát triển nông nghiệp sinh thái, giảm phát thải, ông Đỗ Ngọc Sỹ, Phụ trách chương trình cà phê bền vững Tập đoàn JDE khu vực Châu Á – Thái Bình Dương cho rằng, bên cạnh sự tham gia của các doanh nghiệp và khối tư nhân thì vai trò của nhà nước vẫn là chủ đạo.
“Vừa rồi ngành cà phê chúng ta phải đương đầu với vấn đề dư lượng thuốc bảo vệ thực vật là thuốc Glifosat ngay sau đấy thì hành động ngay từ các tập đoàn cà phê và chính phủ Việt Nam đã cùng chung tay để thực hiện chương trình này. Đến nay dư lượng Glifosat đã giảm một cách đáng kể. Đấy là tín hiệu rất đáng mừng. Đó là lý do vì sao chúng ta phải lồng ghép, hợp tác phối hợp với nhau để thực hiện sự lồng ghép này thì vai trò của nhà nước rất quan trọng trong điều phối, kết nối cũng như duỳ trì thực hiện như thế nào sau này” - ông Đỗ Ngọc Sỹ nói.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc Tế, Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu về những giải pháp giảm phát thải và phát triển nông nghiệp bền vững.
“Có rất nhiều chia sẻ rất tốt về mức độ giảm phát thải là chúng ta phải có cơ chế chính sách thúc đẩy nông nghiệp sinh thái. Cần rà soát cơ chế chính sách bổ sung những chỗ còn thiếu và chúng tôi cũng sẽ phối hợp với các doanh nghiệp các địa phương để chúng ta có các cụm ngành đổi mới sáng tạo hay những cụm ngành về vườn ươm cho đổi mới sáng tạo. Rất mong chúng ta có những hành động trên thực tiễn thúc đẩy càng mạnh, lan rộng càng mạnh càng tốt hướng tới một nền nông nghiệp sinh thái nông thôn hiện đại, nông dân văn minh” - ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn cho biết.
Theo VOV
- Quảng Nam muốn đưa sâm Ngọc Linh thành sản phẩm chủ lực, thương hiệu quốc gia
- Hà Tĩnh: Chàng trai trẻ khát vọng đưa cây dược liệu về làm giàu trên đất đồi
- Đồng Nai: Xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp hữu cơ bền vững
- Chỉ thị của Thủ tướng tập trung triển khai các giải pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi