Giúp nông dân có kiến thức chăn nuôi để tăng thu nhập
Nhân giống thành công nhờ phương pháp thụ tinh nhân tạo
Gà Tiên Yên là giống gà được người dân nuôi từ nhiều đời tại địa phương. Trước kia, người miền Đông tỉnh Quảng Ninh thường lưu truyền câu ngạn ngữ “Lợn Móng Cái, gái Đầm Hà, gà Tiên Yên”. Điều đó khẳng định giá trị của giống gà này. Gà Tiên Yên có trọng lượng bình quân lúc 6 tháng tuổi: Gà mái từ 1,5 - 1,7kg/con, gà trống từ 2,2 - 2,7kg/con. Thịt gà có hương vị thịt thơm ngon, đậm đà, săn chắc mà không dai, béo mà không ngậy, da dầy và giòn. Đặc biệt là khi luộc, da có màu vàng ươm như thoa nghệ, thịt màu trắng. Đây là sản phẩm được rất nhiều thực khách trong ngoài tỉnh rất ưa chuộng;
Ông Lý Văn Diểng cho biết, Tiên Yên là huyện miền núi, rất thuận lợi cho phát triển trồng trọt và chăn nuôi. Tuy nhiên, những năm trước đây, việc bảo tồn và phát triển gà Tiên Yên đã gặp rất nhiều khó khăn. Mặc dù đã hình thành một số cơ sở sản xuất giống, nhưng quy mô nhỏ, chủ yếu áp dụng theo phương pháp truyền thống nên chỉ số nhân giống thấp, không đáp ứng được nhu cầu của người nuôi. Chất lượng con giống không đồng đều, tỷ lệ nuôi sống thấp chỉ đạt khoảng 70-80%.
Trang trại gà của ông Lý Văn Diểng.
Đối với việc sản xuất gà thương phẩm thì do không đáp ứng được nhu cầu về giống, nên gà Tiên Yên chủ yếu được nuôi trong các hộ dân theo hình thức nhỏ lẻ, phân tán; chất lượng giống kém nên tỷ lệ hao hụt trong chăn nuôi rất cao, người dân chăn nuôi gần như không có lợi nhuận, thậm chí nhiều hộ chăn nuôi lỗ vốn, không dám tái đàn, không tạo thành hàng hóa tập trung.
Là người con dân tộc Sán Dìu, được sinh ra và lớn lên tại huyện Tiên Yên, tốt nghiệp đại học chuyên ngành Lâm sinh, được phụ trách quản lý các Dự án phát triển Lâm nghiệp, kinh tế rừng... nhưng bản thân ông vẫn trăn trở với việc bảo tồn, phát triển giống gà trở thành sản phẩm hàng hóa như nhiều giống gà khác.
Chia sẻ về quá trình nhân giống gà, ông Lý Văn Diểng cho hay: Năm 2012, ông đã thành lập trang trại sản xuất giống gà Tiên Yên với 300 con gà mái và 30 con trống Tiên Yên được nông dân nuôi giữ trong các thôn, bản của huyện. Tuy nhiên, sau gần 10 tháng chăn nuôi, kết quả mang lại không cao: Tỷ lệ đẻ của đàn từ 20-29%; Số trứng có phôi đạt 71-75%; Tỷ lệ ấp nở đạt từ 76-80%; Tỷ lệ nuôi sống đạt 72-79%.
Không chịu thất bại, ông đến những trang trại sản xuất giống gia cầm ở nhiều tỉnh, thành trong nước để tìm hiểu, học tập kinh nghiệm. Đến khu vực sản xuất giống gà, vịt thuộc huyện Đại Xuyên (Hà Nội) thì thấy rằng, hầu hết con giống thủy cầm ở đây đều được nhân giống bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo.
“Năm 2013, tôi mày mò, quyết định thử nghiệm lấy tinh và thụ cho 300 con gà mái. Sau 8 tháng kiểm nghiệm, theo dõi các chỉ tiêu, kết quả hết sức khả quan: Tỷ lệ gà đẻ trên 50- 53% (phương pháp truyền thống 38 - 40%) ; Tỷ lệ phôi đạt trên 90 -94% (76- 80%); Tỷ lệ ấp nở 90 - 95% (80-82%); Tỷ lệ nuôi sống: 96 - 97% (70-80%)” – ông Lý Văn Diểng chia sẻ thêm.
Trên cơ sở thành công bước đầu, ông Lý Văn Diểng đã thành lập Công ty cổ phần phát triển Chăn nuôi, Nông - Lâm - Ngư nghiệp Phúc Long (Thôn Đồng Mộc, xã Đông Ngũ, huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh) để bảo tồn và phát triển giống gà Tiên Yên và được huyện giao nhiệm vụ thực hiện Dự án “Ứng dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo để sản xuất giống gà Tiên Yên tại huyện Tiên Yên”.
Tích cực chuyển giao khoa học kỹ thuật giúp nông dân
Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Ninh, huyện Tiên Yên đã xác định gà Tiên Yên là sản phẩm riêng có của huyện nên đã có nhiều giải pháp nhằm bảo tồn, duy trì và phát triển. Theo đó, huyện đã triển khai nhiều dự án nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư trong lĩnh vực bảo tồn, phát triển và sản xuất giống gà Tiên Yên; Hỗ trợ nuôi gà Tiên Yên thương phẩm; Kết hợp tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất giống, vào nuôi gà thương phẩm..
Mặt khác, huyện cũng xác định rõ quan điểm việc phát triển gà Tiên Yên là để thúc đẩy các hộ nông dân phát triển kinh tế nhanh, bền vững, góp phần xóa đói giảm nghèo, nhất là đối với các hộ nông dân ở vùng sâu, vùng xa. Bởi vì, con gà không phải là con vật khó nuôi, chỉ từ 6-8 tháng là cho thu hoạch. Thực tế, rất nhiều địa phương trong nước đã phát triển gà thành thương hiệu, tạo thành sản phẩm vùng miền như: Gà đồi Yên Thế, gà di Sơn Tây…
Thương hiệu gà Tiên Yên đã được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam công bố nằm trong TOP 50 món ăn đặc sản nổi tiếng Việt Nam và là sản phẩm OCOP 5 sao của tỉnh Quảng Ninh.
Với những đóng góp cho nông nghiệp, nông dân, ông Lý Văn Diểng đã được nhận nhiều giấy khen, bằng khen của UBND tỉnh, huyện. Đặc biệt, năm 2022, ông được T.Ư Hội Nông dân Việt Nam vinh danh “Nhà khoa học của Nhà nông” lần thứ IV.
Theo ông Lý Văn Diểng, từ thành công trong việc thụ tinh nhân tạo cho gà Tiên Yên sinh sản, đã giúp cho người dân có nguồn giống tốt để phát triển chăn nuôi. Có thể nói, huyện Tiên Yên đã thành công trong việc phát triển gà Tiên Yên thành sản phẩm chủ lực của huyện, lấy chăn nuôi gà làm mũi nhọn để thúc đẩy các hộ nông dân phát triển kinh tế. Đến nay, huyện đã có trên 1.500 hộ chăn nuôi gà, quy mô nuôi được tăng dần theo từng năm, từ dưới 90.000 con năm 2015 lên 780.000 con năm 2020; năm 2022 trên 1 triệu con.
Ông Phạm Văn Hùng (xã Yên Than, huyện Tiên Yên) cho biết: Trước đây, gia đình tôi cũng như hầu hết các mô hình chăn nuôi gà tại địa phương đều chăn nuôi theo kinh nghiệm cá nhân, hiệu quả kinh tế không cao, từ khi có con giống chất lượng cao và được tư vấn về kỹ thuật chăn nuôi nên chúng tôi rất yên tâm đầu tư quy mô lớn hơn và tiếp tục tái đàn.
Hiện nay, Hội Nông dân còn phối hợp với Trung tâm khuyến nông của huyện Tiên Yên còn tích cực chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi cho bà con nông dân; trong năm 2022, đã tổ chức 3 lớp tập huấn kỹ thuật cho 150 cơ sở, hộ chăn nuôi gà Tiên Yên và các cán bộ quản lý thuộc các xã, thị trấn trên địa bàn.
“Trong thời gian tới, huyện Tiên Yên cũng sẽ chuyển dần từ chăn nuôi nhỏ lẻ, nông hộ trong khu đông dân cư sang chăn nuôi tập trung theo hình thức liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm gắn với chủ thể là hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, gia trại đảm bảo an toàn sinh học. Đồng thời, đẩy mạnh sản xuất hàng hóa đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả và đủ sức cạnh tranh trên thị trường.” – ông Lý Văn Diểng cho biết thêm.