Hải Dương: Phấn đấu hết năm 2024 có ít nhất 3 huyện hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới nâng cao
Ngoài ra, kế hoạch xây dựng nông thôn mới 2024 của tỉnh Hải Dương còn đặt mục tiêu duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí bảo đảm 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2010-2020 cơ bản đáp ứng yêu cầu của bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025. Tỉnh phấn đấu có thêm 35 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 23 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Các huyện tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng để đáp ứng theo tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Thành phố, thị xã bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
UBND tỉnh Hải Dương đề ra một số nội dung chủ yếu như: Tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch chung xây dựng xã, quy hoạch chi tiết xây dựng trung tâm xã hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư mới; Tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp, bảo trì hạ tầng kinh tế - xã hội phục vụ sản xuất và dân sinh ở nông thôn. Thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); phát triển ngành nghề nông thôn; phát triển du lịch nông thôn; nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã.
Duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục, y tế và chăm sóc sức khỏe người dân nông thôn, phòng chống dịch bệnh, cải thiện sức khoẻ, dinh dưỡng của phụ nữ và trẻ em, nâng cao tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế; Nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở. Thực hiện công tác phân loại, thu gom, xử lý rác thải, nước thải, phát động phong trào dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm; tăng cường công tác quản lý an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và các làng nghề. Xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, năng lực quản lý cho cán bộ, công chức xã đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng nông thôn mới; tiếp tục triển khai các cuộc vận động, các phong trào, chương trình, đề án, nâng cao hiệu quả việc lấy ý kiến sự hài lòng của người dân về kết quả xây dựng nông thôn mới... Giữ vững quốc phòng, an ninh và trật tự xã hội nông thôn; Tăng cường công tác giám sát, đánh giá thực hiện chương trình…
Để hoàn thành các mục tiêu trên, UBND tỉnh Hải Dương đã đưa ra một số giải pháp trọng tâm như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức trong xây dựng nông thôn mới; nâng cao chất lượng các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới; phong trào "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới" giai đoạn 2021-2025; Tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế; Phối hợp thực hiện hiệu quả 10 nội dung của chương trình nhằm nâng cao chất lượng đời sống của người dân nông thôn và giải quyết các vấn đề bức xúc, tồn tại trong xây dựng nông thôn mới; Tăng cường huy động các nguồn lực để thực hiện chương trình; Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện chương trình ở các cấp, các ngành…