Hàng Tết ở TP.HCM: Giảm hình thức, chú trọng chất lượng
“Ai ở đâu, ăn Tết ở đó!
Theo ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM (Sài Gòn Co.op), Tết năm nay việc di chuyển từ TP.HCM đi các địa phương hay từ TP.HCM đi các nước khác sẽ gặp khó khăn; tình hình dịch bệnh ở mỗi địa phương đang có sự khác nhau nên sẽ có xu thế “ai ở đâu ăn Tết ở đó”. Do đó, để đảm bảo nhu cầu Tết, doanh nghiệp này chuẩn bị một lượng hàng hoá với giá trị khoảng 6.000 tỷ đồng.
Trong xu thế giao dịch điện tử ngày càng tăng, không chỉ Sài Gòn Co.op mà cả các doanh nghiệp bán lẻ trên địa bàn TP.HCM cũng chuẩn bị khá tốt phương án thanh toán không tiền mặt, thanh toán không tiếp xúc để hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Hiện tại, Sài Gòn Co.op đã chuẩn bị những phương án giao dịch như: Giao dịch trên website và các ứng dụng trên điện thoại; phối hợp với một số doanh nghiệp để mượn sàn giao dịch tạo thành điểm giao dịch chung. Còn với phương án mua sắm trực tiếp, đơn vị cũng sẽ tiếp tục sử dụng giải pháp như: đi chợ hộ, mua chung….
Trong bối cảnh hiện nay, việc nhập hàng ngoại từ nước ngoài có nhiều hạn chế, cho nên doanh nghiệp cũng tích cực chuẩn bị những hàng Việt có cùng công năng, chất lượng để phục vụ người dân trong dịp Tết.
Ông Nguyễn Anh Đức cho biết, Sài Gòn Co.op sẽ không tập trung quá nhiều về mặt hình thức hàng hoá như những năm trước mà sẽ chú trọng nhiều hơn vào chất lượng.
Còn về nguồn cung thực phẩm dịp Tết, Phó Tổng Giám đốc Công ty Vissan ông Phạm Văn Dũng cho hay, năm nay doanh nghiệp chuẩn bị hơn 2.800 tấn thực phẩm tươi sống, tăng khoảng 4% so với cùng kỳ; chuẩn bị 4.200 tấn mặt hàng thực phẩm chế biến. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng dự trữ khoảng 1.000 tấn thịt heo đông lạnh. Nếu Tết này có biến động về nguồn thịt, doanh nghiệp sẽ đưa lượng hàng này ra thị trường. Là một trong những doanh nghiệp bình ổn giá của TP.HCM, đơn vị này cam kết đảm bảo cung ứng đầy đủ nguồn hàng cho người tiêu dùng.
Thị trường Tết sẽ không sôi động
Theo Sở Công thương TP.HCM, từ khi mở cửa trở lại đến nay, thị trường thành phố có nhiều tín hiệu khởi khắc. Cụ thể, tháng 10 tổng doanh thu bán buôn, bán lẻ ở mức 43.000 tỷ đồng, đến tháng 11 tăng lên 55.000 tỷ đồng. Dự kiến tháng 12 này, tổng doanh số bán buôn bán lẻ đạt hơn 66.000 tỷ đồng.
Để đáp ứng nguồn cung hàng hoá, Sở Công thương đang tích cực làm việc với các tỉnh như: Lâm Đồng, Đồng Nai, Đồng Tháp, Bến Tre… Ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công thương TP.HCM nhận định, thị trường tiêu dùng Tết sẽ không sôi động bằng năm ngoái, song thành phố vẫn yêu cầu các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá đảm bảo dự trữ hàng hoá để phục vụ Tết cho người dân:
“Các doanh nghiệp chuẩn bị 7.011 tỷ đồng để dự trữ hàng hóa. Chương trình này giữ giá ổn định 1 tháng trước Tết và 1 tháng sau Tết. Với khung chi phối khoảng 30-40% tùy mặt hàng thì nó sẽ giúp giảm nhiệt sức nóng của thị trường và khi khu vực nào thiếu hụt thì Sài Gòn Coop sẽ tổ chức bán hàng lưu động ở đó”.
Ngành công thương TP.HCM khẳng định sẽ cùng với các ngành khác đảm bảo chuỗi cung ứng và phân phối cho người dân. Bởi vậy, người dân cần lựa chọn phương thức mua sắm an toàn nhất để có những hàng hoá cần thiết phục vụ cho dịp Tết sắp tới./.
Theo VOV