Hiệu quả từ mô hình HTX liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm
Nhờ liên kết với doanh nghiệp, mở rộng quy mô sản xuất, hình thành vùng nguyên liệu để liên kết tiêu thụ bền vững, Hợp tác xã Bưởi Thành Công (HTX) (huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) đã mở rộng diện tích có trên 54,2ha, thu hút 41 xã viên. Trung bình mỗi năm doanh thu khoảng 38 tỷ đồng/năm, lợi nhuận thu về khoảng 27 tỷ đồng.
Nòng cốt xây dựng chuỗi liên kết
Ông Lê Văn Phải – Giám đốc HTX chia sẻ: Được thành lập dựa trên Dự án Phát triển cây ăn trái đặc sản của tỉnh Sóc Trăng, với mục tiêu chung hỗ trợ phát triển các loại giống cây ăn trái đặc sản, khai thác và phát huy tiềm năng diện tích cây ăn trái, nhằm nâng cao thu nhập cho nông dân, gia tăng hiệu quả kinh tế vườn, góp phần xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, mục tiêu cụ thể của dự án là hình thành vùng chuyên canh cây ăn trái đặc sản tập trung, đồng thời chuyển đổi, nâng cấp, trồng các loại cây ăn trái có hiệu quả kinh tế cao và tập hợp các nhà vườn, thành lập HTX, nhằm tạo liên kết sản xuất của các nhà vườn, tạo ra sản lượng hàng hóa lớn để gắn kết tiêu thụ sản phẩm đầu ra giữa HTX và doanh nghiệp. Một trong những trái cây đặc sản được dự án hỗ trợ HTX ký kết sản phẩm đầu ra là bưởi da xanh, góp phần nâng cao giá trị trái bưởi, tăng thu nhập cho thành viên tham gia HTX.
Thời gian qua, HTX Bưởi Thành Công đã linh hoạt ký kết hợp đồng giữa doanh nghiệp thu mua và các HTX theo điều kiện cụ thể của từng đơn vị. Theo đó, đối với bưởi Năm Roi đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, HTX Bưởi Thành Công cung ứng cho Công ty Nông sản sạch Đại Thuận Thiên tối thiểu 10 tấn/tháng với giá cao hơn thị trường cùng thời điểm là 2.000 đ/kg. Theo ông Phải, muốn ngành Nông nghiệp phát triển, các cơ quan, đoàn thể… tiếp tục tuyên truyền vận động nhà vườn giữ vững tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu, thực hiện tốt quy trình VietGAP, hướng đến sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ; lấy HTX làm nòng cốt để xây dựng chuỗi liên kết; thực hiện đăng ký mã số vùng, nhãn hiệu, tem truy xuất nguồn gốc…
“Đề nghị các cơ quan ban, ngành, đoàn thể… nên quan tâm thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu, thực hiện chuỗi giá trị. Quan tâm hướng dẫn thành viên áp dụng khoa học kỹ thuật nhằm đạt mẫu mã, chất lượng, tiêu chuẩn của nước nhập khẩu, rải vụ để có thể cung cấp đều đặn cho doanh nghiệp. Đồng thời, giúp HTX cần phát triển thành viên, mở rộng quy mô sản xuất, hình thành vùng nguyên liệu để liên kết tiêu thụ bền vững”, ông Phải nói.
HTX Bưởi Thành Công từ khi thành lập và đi vào hoạt động, đã được sự quan tâm của các cấp, các ban, ngành trong tỉnh, đặc biệt là ngành Nông nghiệp đã hỗ trợ về quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, cấp mã code vùng trồng bưởi và được Doanh nghiệp Đại Thuận Thiên ký kết tiêu thụ bưởi. Qua đó đã nâng cao thu nhập của thành viên trên cùng diện tích sản xuất. Tính đến thời điểm hiện tại, trung bình mỗi hecta trồng bưởi cho doanh thu khoảng 600-800 triệu đồng/năm, lợi nhuận 400-500 triệu đồng/năm.
Xuất khẩu sang châu Âu, Hoa Kỳ…
Theo thống kê, tỉnh Sóc Trăng có tổng diện tích trồng cây ăn trái khoảng 32.000ha, trong đó diện tích trồng bưởi là gần 2.000ha, tập trung chủ yếu ở các huyện: Kế Sách, Long Phú, Cù Lao Dung và Châu Thành, có sản lượng ước đạt khoảng 35.000 tấn/năm. Bưởi là loại cây ăn trái cho trái rải vụ quanh năm, nhưng vụ thu hoạch rộ thường bắt đầu từ tháng 8 đến tháng 5 âm lịch năm sau. Nếu như trước đây, việc sản xuất cây bưởi manh mún, nhỏ lẻ, thì từ khi nhiều HTX được thành lập đến nay cây bưởi được sản xuất theo hướng hợp tác, được nhà vườn nhiệt tình tham gia. Nhằm mở rộng diện tích và nâng cao chất lượng sản phẩm cây bưởi, thời gian qua, nhiều ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trên vườn cây bưởi nhằm từng bước nhân rộng cũng như hình thành vùng sản xuất tập trung. Theo đó, xây dựng nhiều mô hình sản xuất cây bưởi đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Ông Phải cho biết: Khi đạt được tiêu chuẩn VietGAP, có mã code, các HTX mới ký kết hợp đồng với công ty, doanh nghiệp về liên kết tiêu thụ trái bưởi, cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu sang châu Âu, Hoa Kỳ… Để tiếp tục thu mua bưởi cung cấp đến thị trường cao cấp, Công ty Cổ phần VinaGreenco đã đặt hàng HTX Bưởi Thành Công với số lượng bưởi thu mua là 100 – 200 tấn/tháng. Với đầu ra như trên, sẽ góp phần tăng lợi nhuận cho toàn thành viên HTX thông qua liên kết tiêu thụ trái bưởi… Qua đó, vận động bà con nông dân chuyển đổi các diện tích trồng cây kém hiệu quả sang trồng cây bưởi và các loại cây ăn trái đặc sản khác trong vùng để nâng cao hiệu quả kinh tế trong quá trình sản xuất; tiếp tục xây dựng các mô hình sản xuất cây ăn trái an toàn, theo hướng hữu cơ sinh học, đạt tiêu chuẩn VietGAP và vùng sản xuất cây ăn trái đạt tiêu chuẩn cấp mã code phục vụ xuất khẩu. Đồng thời, tổ chức liên kết với các công ty, doanh nghiệp ký hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm trái cây đặc sản vào thị trường cao cấp trong nước và xuất khẩu.
Theo ông Phạm Chí Nguyện, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Sóc Trăng cho biết: Loại hình liên kết tiêu thụ bưởi da xanh tại xã Kế Thành, huyện Kế Sách đã gắn kết doanh nghiệp – HTX – hộ nông dân thông qua hợp đồng tiêu thụ, huy động được các nguồn lực từ Nhà nước, doanh nghiệp, hộ nông dân để đầu tư làm ra các sản phẩm theo quy trình an toàn, đồng thời giải quyết việc làm cho nhiều lao động. Mô hình tới đây sẽ tiếp tục được khuyến khích nhân rộng theo chủ trương, định hướng của tỉnh, đẩy mạnh hợp tác, tiêu thụ nông sản nhằm phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững.
Để thực hiện tốt việc liên kết trồng bưởi của HTX và doanh nghiệp thì phải có lòng tin với nhau, có sự thông cảm trong khâu liên kết cùng bắt tay nhau chia sẻ, gánh vác cùng nhau khi thuận lợi, lúc gặp khó khăn. Đồng thời, HTX phải luôn giữ chữ tín, khi đã ký kết bán bưởi trái cho doanh nghiệp phải đảm bảo bưởi trái đạt chất lượng, tiêu chuẩn…
Vân Nguyễn