Phong trào nông dân

Hiệu quả từ mô hình nuôi lươn đáy không bùn

08:26 22/01/2021 GMT+7

Nhằm đa dạng hoá các sản phẩm nuôi trồng thuỷ sản cho hội viên nông dân và đẩy mạnh xây dựng Chi hội Nông dân nghề nghiệp, Tổ hội Nông dân nghề nghiệp. Năm 2020 T.Ư Hội Nông dân Việt Nam (NDVN) đã triển khai dự án nuôi lươn trong bể xi măng đáy không bùn tại xã Tân Tiến, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang. Dự án bước đầu đã đem lại hiệu quả cho các hộ tham gia.

Đồng chí Đinh Khắc Đính – Phó Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN phát biểu chỉ đạo sau khi kiểm tra các mô hình nuôi lươn xã Tân Tiến, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: H.T

Chi Hội nông dân Nghề nghiệp “bà đỡ” cho nông nghiệp phát triển

Để góp phần nâng cao thu nhập, đời sống, giảm nghèo và đẩy mạnh xây dựng Chi, tổ hội ND nghề nghiệp, cho Hội ND xã Tân Tiến, trong năm 2020 T.Ư Hội NDVN đã thực hiện: Dự án giảm nghèo “Hỗ trợ giống, vật tư nuôi lươn thịt trong bể xi măng đáy không bùn cho các hộ nghèo tại xã Tân Tiến, huyện Yên Sơn.

Bà Đào Thị Mai – Chủ tịch Hội ND tỉnh Tuyên Quang cho biết: Mô hình nuôi lươn trong bể xi măng đáy không bùn đem lại hiệu quả kinh tế cao chúng tôi đã được biết từ lâu, qua những chuyến đi tham quan, học tập hay nghiên cứu các mô hình để giúp các hội viên của Hội ND tỉnh Tuyên Quang đẩy mạnh phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, giảm nghèo bền vững và làm giàu.

“Nhưng cái khó là ở Tuyên Quang thời tiết có mùa Đông khá lạnh vì vậy chúng tôi cũng chưa triển khai. Nhưng năm 2020 được sự hỗ trợ của T.Ư Hội NDVN, Hội ND tỉnh Tuyên Quang cũng đã mạnh dạn đưa mô hình về xã Tân Tiến, huyện Yên Sơn để triển khai.

Với tổng kinh phí được hỗ trợ, Dự án đã tập huấn cho 30 hộ gia đình trên địa bàn toàn xã Tân Tiến về kiến thức, quy trình, cách nuôi lươn trong bể xi măng đáy không bùn. Dự án triển khai đã thành lập được Tổ hội Nông dân nghề nghiệp nuôi lươn xã Tân Tiến.

Từ khi được tập huấn kỹ thuật, tham quan mô hình; học tập kinh nghiệm… các thành viên trong Tổ nghề nghiệp nuôi lươn xã Tân Tiến đã rất tự tin để triển khai Dự án ở địa phương. Dự án đã hỗ trợ cung cấp giống, vật tư cho 12 hộ thực hiện trước; Mỗi hộ gia đình được xây dựng 2 bể nuôi lươn, mỗi bể diện tích 6m2. Đến nay sau hơn 2 tháng thả lươn, bước đầu cho hiệu quả rất tốt, số lượng lươn phát triển rất đồng đều, tỷ lệ hao hụt giống thấp.

Ông Phạm Thanh Tân – Thôn 5, xã Tân Tiến, huyện Yên Sơn phấn khởi cho biết: Là người miền núi bao đời nay chúng tôi chỉ xác định trồng rừng, phát triển nông nghiệp là hướng đi trong phát triển kinh tế gia đình, chưa bao giờ nghĩ đến việc nuôi trồng thuỷ sản. Nhưng từ khi được Hội Nông dân các cấp lựa chọn tham gia vào dự án rồi trực tiếp được đi tham quan, học tập kinh nghiệm sau gần 3 tháng qua, tôi thấy nuôi lươn không mất nhiều thời gian, dễ thực hiện, mỗi ngày thay nước 1 lần vào buổi trưa, còn cho ăn vào chiều tối, mỗi lần chỉ tốn thời gian 20-30 phút.

Cũng giống như gia đình ông Tân, gia đình ông Chu Ngọc Quang là một trong số 12 hộ được triển khai Dự án, ông Quang là người bị nhiễm chất độc mau da cam và có 2 con bị ảnh hưởng nặng nề bởi di chứng chất độc màu da cam cho hay: Triển khai mô hình nuôi lươn, xã Tân Tiến chúng tôi đã thành lập được Tổ hội Nông dân nghề nghiệp nuôi lươn, trong sinh hoạt định kỳ mỗi tháng 1 lần các thành viên đều có báo cáo về tình hình lươn, có những phương án, cách làm mới để các hội viên tham khảo. Ngoài ra khi có vấn đề phát sinh hàng ngày các hộ đều trao đổi với nhau qua điện thoại, mạng xã hội… để tìm ra hướng giải quyết.

Bên cạnh đó Tổ hội Nông dân nghề nghiệp nuôi lươn xã Tân Tiến đã chủ động liên hệ với các HTX, doanh nghiệp trên cả nước để được hướng dẫn về kỹ thuật nuôi và hướng bao tiêu lươn thương phẩm cho các thành viên. Dự án đã góp phần xây dựng Tổ hội Nông dân nghề nghiệp vững mạnh, một mái nhà chung để đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội. “

Từ những thành công này mà gia đình chúng tôi cũng đã mạnh dạn xây dựng thêm 4 bể để chủ động nuôi lươn trong năm 2021”, ông Quang phấn khởi cho biết.

Đồng chí Đinh Khắc Đính (thứ 5 từ trái sang) kiểm tra mô hình nuôi lươn hộ gia đình ông Phạm Thanh Tân thôn 5 xã Tân Tiến, huyện Yên Sơn.

Khẳng định sự thành công

Bà Nguyễn Thị Vĩnh An – Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh Tuyên Quang cho biết: Là người trực tiếp triển khai Dự án chúng tôi cũng rất lo lắng bởi đây là lần đầu tiên tỉnh Tuyên Quang đưa mô hình nuôi lươn trong bể xi măng đáy không bùn về để triển khai, nhưng đến nay chúng tôi tự tin Dự án sẽ thành công bởi cái khó nhất ở Tuyên Quang trong vấn đề nuôi lươn này là nhiệt độ lạnh vào mùa Đông, nhưng qua 2 đợt lạnh năm 2020 vừa qua, có thời điểm nhiệt độ chỉ có 6-80 nhưng toàn bộ lươn nuôi của 12 hộ vẫn được đảm bảo; vì vậy chúng tôi rất tự tin vào sự thành công của Dự án.

Theo ông Nguyễn Quang Nghĩa – Phó Giám đốc Trung tâm thuỷ sản tỉnh Tuyên Quang: Nuôi lươn trong bể xi măng đáy không bùn này thì yếu tố kỹ thuật rất quan trọng, bởi với bà con nông dân triển khai đây là vật nuôi và cách thức nuôi hoàn toàn mới, chính vì vậy hàng ngày chúng tôi luôn cử cán bộ kỹ thuật theo dõi sát tình hình phát triển của lươn, các triệu trứng, mức nước, dấu hiệu bệnh lý… đều được các cán bộ ghi chép cẩn thận, không chỉ để hỗ trợ các hộ nuôi mà những ghi chép sẽ là tài liệu rất quý để phát triển mô hình nuôi lươn sau này.

Hiện nay đối với mỗi 1m2 nuôi lươn thương phẩm có thể nuôi 300 cá thể lươn, sau từ 4-6 tháng nuôi sẽ cho thu 60kg lươn thương phẩm với giá bán ngoài thị trường hiện nay 130.000-150.000 đồng/kg như vậy sẽ thu về từ 8-9 triệu đồng. Nếu nuôi tốt người nuôi sẽ có được 3 vụ/năm và thu nhập trên 20 triệu/m2/năm.

Ông Lý Minh Hiếu – Chủ tịch UBND xã Tân Tiến, huyện Yên Sơn phấn khởi kho biết: Hiện nay trên địa bàn xã đang được hỗ trợ triển khai 2 dự án phát triển kinh tế là cây vừng đen và con lươn. Trong quá trình khai chúng tôi thấy việc chăn nuôi lươn khá phù hợp với bà con xã Tân Tiến, bởi nuôi lươn không cần nhiều diện tích, thời gian chăn nuôi ngắn, bà con vẫn có thể kết hợp làm được nhiều việc khác… Mô hình chăn nuôi lươn này sẽ góp phần không nhỏ trong việc nâng cao đời sống, thu nhập cho bà con nông dân trong năm 2021, để xã tiếp tục xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu, nâng cao trong thời gian tới.

Kiểm tra mô hình nuôi lươn hộ gia đình anh Lý Huy Hà, thôn 3 xã Tân Tiến, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang.

Làm việc tại xã Tân Tiến, sau khi nghe báo cáo của UBND xã Tân Tiến, Hội ND các cấp tỉnh Tuyên Quang về phát triển mô hình nuôi lươn đồng chí Đinh Khắc Đính cho rằng: Xã Tân Tiến là xã an toàn khu giàu truyền thống cách mạng nơi đã từng diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của Đảng, dân tộc và Hội Nông dân Việt Nam trong suốt thời kỳ đấu tranh cách mạng giải phóng đất nước, đặc biệt Tân Tiến là nơi diễn ra Hội nghị Cán bộ nông dân toàn quốc lần thứ I, nhưng đời sống bà con còn nhiều khó khăn. Để phát triển kinh tế cho hội viên nông dân và xây dựng Chi hội Nông dân nghề nghiệp, Tổ hội Nông dân nghề nghiệp, T.Ư Hội NDVN đã triển khai Dự án nuôi lươn trong bể xi măng đáy không bùn trong năm 2020; thành công bước đầu của dự án ngoài việc đem lại hiệu quả kinh tế cho các hội viên, Dự án đã xây dựng được một Chi hội Nông dân nghề nghiệp nuôi lươn, đây cũng là tiền đề để phát triển HTX nông nghiệp tại địa phương, góp phần đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. Cùng với việc ghi nhận những đánh giá cao cho vai trò của các cấp Hội ND tỉnh Tuyên Quang trong việc triển khai thực hiện Dự án “Hỗ trợ giống, vật tư nuôi lươn thịt trong bể xi măng đáy không bùn cho các hộ nghèo thuộc các chi, Tổ hội Nông dân nghề nghiệp”.

Đồng chí Đinh Khắc Đính cũng lưu ý cho việc phát triển chăn nuôi lươn ở Tân Tiến: Ngoài việc áp dụng đúng những kinh nghiệm, những mô hình, cách làm trong các buổi tham quan, tập huấn; trong thời gian tới các hộ nuôi lươn cũng cần đẩy mạnh việc thay thế giá thể nhựa bằng những giá thể từ nguồn nguyên liệu ở địa phương; chủ động tìm nguồn thức ăn ở địa phương như trùn quế để thay thế cho thức ăn công nghiệp đang sử dụng; Xây dựng lộ trình tập trung vào vấn đề sản xuất, ương giống lươn, từ đó sẽ giúp Tân Tiến chủ động trong việc chăn nuôi và đưa Tân Tiến trở thành “Đầu tầu” trong việc phát triển và chăn nuôi lươn trong bể xi măng đáy không bùn ở miền Bắc.

Đồng chí Phó Chủ tịch cũng yêu cầu Hội ND xã Tân Tiến chăm lo việc đổi mới nội dung, hình thức, hoạt động trong việc nuôi lươn đáy không bùn trong thời gian tới; tăng cường kết nối giữa Hội viên với nhau để cùng chia sẻ, cùng phát triển với việc sản xuất kinh doanh nuôi lươn đáy không bùn. Đồng chí cũng đề nghị cấp uỷ, UBND xã Tân Tiến và lãnh đạo huyện Yên Sơn quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ để dự án nuôi lươn đáy không bùn của nông dân xã Tân Tiến được triển khai mang lại hiệu quả và tiếp tục được phát triển nhân rộng mô hình trong thời gian tới.

Bài, ảnh: Hoàng Tính

Tin cùng chuyên mục
Tin khác