Hiệu quả từ mô hình sản xuất tôm - lúa ở Kiên Giang
Mạnh dạn tìm hướng đi mới
Nhiều năm qua, người dân ở đây thường canh tác và sản xuất lúa 2 vụ/năm, gần đây, do thời tiết bất thường, xâm nhập mặn, biến đổi khí hậu nên sản xuất nông nghiệp của người nông dân không mang lại hiệu quả. Đứng trước khó khăn, chính quyền địa phương đã chủ trương vận động các thành viên HTX cùng các hộ nông dân ngoài HTX chủ động thích ứng, bằng cách chuyển đổi canh tác sang mô hình tôm - lúa. Mô hình này được đánh giá hiệu quả, chi phí đầu tư thấp, thân thiện với môi trường. Cụ thể ở đây là tôm được nuôi trong đất ruộng với nguồn thức ăn tự nhiên, ít dịch bệnh, không dùng hóa chất, kháng sinh. Môi trường nuôi tôm cung cấp dinh dưỡng đất cho cây lúa nên nhờ đó tiết kiệm chi phí phân bón, ngược lại cây lúa cải tạo môi trường đất tạo thức ăn tự nhiên cho tôm.
Nguồn lợi từ tôm - lúa đã góp phần thay đổi cuộc sống của nông dân tỉnh Kiên Giang.
Từ khi bắt tay vào thành lập HTX, hội đồng sáng lập đã xác định cần có sự ổn định ở khâu tiêu thụ sản phẩm để bà con an tâm canh tác, tránh để xảy ra tình trạng được mùa mất giá, sản xuất kiểu mạnh ai người đó làm, nguồn tiêu thụ không ổn định. Trên cơ sở tìm hiểu và đánh giá đúng thực trạng, HTX đã kết nối với doanh nghiệp và quyết định hợp tác lâu dài với doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí (Sóc Trăng) cho tất cả diện tích sản xuất lúa của các thành viên. Theo đó, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ, chuyển giao khoa học kỹ thuật và giám sát quy trình kỹ thuật, phối hợp kế hoạch sản xuất, tổ chức tiêu thụ cho nông sản thành viên của HTX. Bên cạnh đó, các thành viên HTX tuân thủ nghiêm quy trình mà doanh nghiệp đưa ra, việc sử dụng phân thuốc hóa học phải được kiểm soát nghiêm ngặt.
Sau khi lấy ý kiến các thành viên và được thống nhất cao, HTX đã ký liên kết hợp đồng bao tiêu với doanh nghiệp Hồ Quang Trí trên diện tích hơn 30ha sản xuất lúa cao sản ST25 trong thời gian 7 năm. Bằng cách làm này, các thành viên của HTX tham gia sản xuất lúa được doanh nghiệp cung cấp giống, phân bón thuốc bảo vệ thực vật và quy trình sản xuất, khi thu hoạch sẽ thu mua lúa của thành viên giá 10.000 đồng/kg. Lúa thành viên HTX sản xuất theo hướng hữu cơ, không phát hiện có dư lượng hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo đạt tất cả các yêu cầu chỉ số theo tiêu chuẩn từ đồng ruộng, nhà máy và phân tích mẫu lúa để cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn ORGANIC USDA & EU. Năng suất lúa bình quân đạt 6,5-7 tấn/ha, chi phí sản xuất khoảng 9 triệu đồng/ha, lợi nhuận mà thành viên đạt được khoảng 56 triệu đồng/ha/vụ. Lợi nhuận của HTX bình quân đạt 43 triệu đồng/năm.
Kết quả sau 3 năm thực hiện mô hình
Bằng cách hợp tác này, HTX đã đổi mới, phát triển mạnh hệ thống dịch vụ phục vụ thành viên và nhân dân theo chuỗi giá trị sản phẩm từ dịch vụ đầu vào, giám sát các khâu của quá trình sản xuất đến thị trường đầu ra cho sản phẩm; đồng thời, phối hợp với các công ty xây dựng mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp sạch, sản phẩm hữu cơ cho toàn bộ diện tích HTX.
Theo Doanh nghiệp Hồ Quang Trí, về cơ bản, chất lượng gạo xuất khẩu ra nước ngoài và bán trong nước là như nhau nhưng quá trình chế biến kỹ hơn để đáp ứng theo tiêu chuẩn của nước nhập khẩu.
Với cách làm này, thành viên HTX đã áp dụng nghiêm ngặt các quy định từ việc gieo trồng, theo dõi chất lượng, thu hoạch, đóng gói và bảo quản, các quy trình đều được kiểm soát chặt chẽ để có thể đảm bảo được chất lượng hạt gạo thơm ngon.
Song song đó, một số thành viên trong HTX có diện tích sản xuất nhỏ, đã ứng dụng khoa học kỹ thuật để nuôi tôm công nghiệp, để tôm có thể cung cấp ra thị trường quanh năm; điều này khắc phục được nhược điểm tôm chỉ có theo mùa vụ như trước đây.
Trong quá trình sản xuất và kinh doanh, HTX luôn tuân thủ tuyệt đối theo tôn chỉ mục đích của mình. Đó là liên kết, hợp tác trong sản xuất nông nghiệp là hướng đi tất yếu cho phát triển HTX bền vững; mô hình hợp tác liên kết mới đã tạo ra khu sản xuất tập trung, tạo vùng nguyên liệu lớn và là cơ sở quan trọng để đưa các tiến bộ khoa học vào sản xuất theo quy trình công nghệ, tiêu chuẩn hóa các tiêu chí về chất lượng sản phẩm, tạo ra lượng hàng hóa đủ lớn đáp ứng được yêu cầu của thị trường, khắc phục được những tồn tại, nhược điểm.
Từ khi đi theo hướng canh tác mô hình tôm – lúa theo hướng hữu cơ gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm, các thành viên HTX đã thật sự làm quen với tác phong sản xuất công nghiệp, tiếp cận với các thành tựu khoa học tiên tiến trong chăn nuôi để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, tăng thu nhập cho nông dân, tạo điều kiện để nông dân gắn bó với địa phương.
Thực tế qua 3 năm hoạt động, lợi nhuận của HTX Nam Quý tăng gấp 3 lần so với năm đầu triển khai và lợi nhuận bình quân của mô hình này mang lại cho thành viên là gần 160 triệu đồng/năm, gấp 4 lần so với canh tác lúa truyền thống trước đây. Lợi nhuận từ sản xuất lúa đặc sản ST25 rất cao, năng suất lúa ổn định, nên thành viên an tâm sản xuất; đồng thời, thay đổi dần tập quán canh tác, hướng tới nâng dần chất lượng nông sản, góp phần bảo vệ môi trường.
Ảnh minh họa
Theo ông Lê Văn Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang, tỉnh Kiên Giang có đặc thù vừa chịu ảnh hưởng lũ mùa nước nổi từ sông Mê Kông vừa bị nước mặn từ biển xâm nhập. Giờ đây, sản xuất tôm - lúa là loại hình nuôi trồng có thế mạnh ở huyện An Biên cũng như ở hầu khắp các huyện khác, đóng góp sản lượng tôm nuôi toàn tỉnh Kiên Giang. Năm 2022, sản lượng tôm nuôi thu hoạch theo mô hình sản xuất này đạt hơn 61.310 tấn, chiếm 55% sản lượng tôm nuôi toàn tỉnh. Đặc biệt, nông dân thu về sản lượng lúa hàng trăm ngàn tấn phục vụ tiêu dùng và chế biến xuất khẩu.
Đa số người nông dân sống trong vùng trọng điểm sản xuất tôm - lúa ở tỉnh Kiên Giang cho rằng, đây là “Mô hình sản xuất nông nghiệp thông minh”, vừa đem lại hai nguồn lợi kinh tế chủ yếu là tôm và lúa, vừa góp phần cải tạo đất, môi trường sinh thái tự nhiên và ứng phó biến đổi khí hậu đang ngày càng diễn biến phức tạp ở tỉnh Kiên Giang nói riêng và các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung.