Hiệu quả từ nuôi gà thịt bằng thảo dược
Từ những bước đi vững chắc…
Sau thành công với mô hình nuôi lợn bằng thức ăn chăn nuôi an toàn sinh học được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp bằng Độc quyền giải pháp hữu ích; trực tiếp chuyển giao công nghệ chế biến thức ăn sinh học thảo dược cho nông dân trong tỉnh và một số địa phương như Yên Bái, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Nam… Kỹ sư Tạ Hùng Đậu tiếp tục thử nghiệm đối với mô hình nuôi gà tại Vĩnh Phúc.
Theo kỹ sư Tạ Hùng Đậu, Vĩnh Phúc là nơi có nhiều điều kiện thuận lợi như địa hình, khí hậu, đất đai… thích hợp với phát triển chăn nuôi gia cầm. Tuy nhiên, việc chăn nuôi gia cầm hiện đang phải đối mặt với nhiều thách thức như dịch cúm gia cầm có nhiều biến chủng gây khó khăn cho công tác phòng dịch; chất lượng con giống, nguồn thức ăn chăn nuôi khó kiểm soát; ô nhiễm môi trường từ chất thải chăn nuôi ảnh hưởng đến sức khỏe con người…. Trong khi đó, đến nay, tỉnh Vĩnh Phúc vẫn chưa xây dựng được thương hiệu riêng cho gà thịt chất lượng hữu cơ hoặc thịt gà nuôi từ thức ăn sinh học thảo dược đạt tiêu chuẩn Việt Nam TCVN: 7046-2009.
Tháng 8/2020, kỹ sư Tạ Hùng Đậu và các cộng sự tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng và hoàn thiện mô hình thử nghiệm thức ăn sinh học thảo dược cho chăn nuôi gà thương phẩm. Trong đó, lựa chọn các loại cây thảo dược như: Kim ngân, cát sâm, nghệ đỏ kết hợp với ngô hạt, cám gạo, dầu thực vật và một số nguyên liệu thô khác được phép sử dụng trong sản xuất thức ăn chăn nuôi để chế tạo nguồn thức ăn sinh học thảo dược. Tỷ lệ phối trộn, công thức nuôi thí nghiệm được chia làm 2 giai đoạn phát triển của đàn gà từ 1 ngày tuổi đến 28 ngày tuổi và từ 28 ngày tuổi đến xuất bán. Sau 120 ngày nuôi, đàn gà nuôi bằng thức ăn sinh học thảo dược đã đáp ứng tốt khả năng sinh trưởng, sức đề kháng và các chỉ tiêu về chất lượng gà thịt theo tiêu chuẩn Việt Nam TCVN: 7046-2009.
Đánh giá về hiệu quả kinh tế, kỹ sư Tạ Hùng Đậu cho rằng: Mô hình chăn nuôi gà thịt bằng thức ăn sinh học thảo dược cho giá trị cao hơn từ 15 - 20% so với mô hình gà nuôi bằng thức ăn truyền thống. Ngoài ra, còn góp phần tạo ra năng suất, chất lượng thịt gà ngon đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và hướng tới xuất khẩu; giảm sự ô nhiễm môi trường, giúp cho nông nghiệp phát triển bền vững.
Song song với đó, kỹ sư Tạ Hùng Đậu còn xây dựng quy trình kỹ thuật chăn nuôi thí điểm giống gà ri lai gà mía với quy mô 600 con/2 hộ và mô hình chăn nuôi tập trung với quy mô 700 con tại trang trại của gia đình.
… đến thành công “ngoài mong đợi”
Chị Nguyễn Thị Chí, phố Tiền Châu (phường Tiền Châu, TP. Phúc Yên, Vĩnh Phúc) là một trong 2 hộ chăn nuôi gà bằng thức ăn thảo dược trong mô hình thử nghiệm của kỹ sư Tạ Hùng Đậu chia sẻ: “Gà sử dụng cám sinh học thảo dược ít bệnh tật hơn, phát triển tốt, thịt gà có độ dai, vị ngọt, chắc, không bị tanh và không tồn dư thuốc kháng sinh nên rất dễ bán. Tùy thời điểm nhưng giá sẽ cao hơn 20 - 40% so với gà ăn cám thông thường”.
Với vai trò là Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP. Phúc Yên, ông Tạ Hùng Đậu cho biết thêm: Thời gian qua, các cấp chính quyền ở tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã có ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân phát triển chăn nuôi tập trung theo hướng trang trại, gia trại; tích cực chỉ đạo đơn vị chuyên môn phối hợp với các địa phương hướng dẫn, khuyến khích người dân chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, từng bước hình thành vùng chăn nuôi an toàn sinh học quy mô lớn. Tuy nhiên, để giải bài toán đưa ngành Chăn nuôi của tỉnh phát triển bền vững, ngoài chất lượng con giống, vấn đề then chốt là bảo đảm các yếu tố về môi trường và quản lý dịch bệnh.
Đặc biệt, trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 làm chuỗi cung ứng nguyên liệu đầu vào gặp nhiều khó khăn khiến giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, việc sử dụng và chủ động nguồn thức ăn sinh học thảo dược không chỉ mang lại hiệu quả cao đối với xã hội, môi trường sinh thái mà còn là tiền đề thúc đẩy phát triển vùng trồng cây dược liệu của địa phương,
Dựa trên kết quả thử nghiệm đạt được trong chăn nuôi gà từ năm 2020 đến nay, kỹ sư Tạ Hùng Đậu mong muốn, mô hình này sẽ sớm được nhân rộng và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường.
Đặc biệt, ông hy vọng sẽ tạo ra những sản phẩm nông sản có thương hiệu riêng, chất lượng cao, đáp ứng sức mua trong nước và mở đường cho nông sản xuất khẩu ra thị trường nước ngoài; góp phần từng bước chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh nói chung và TP. Phúc Yên nói riêng. Hướng tới ngành Nông nghiệp tỉnh hình thành những mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, tạo việc làm và nâng cao nguồn thu nhập cho nông dân trước thực tế đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp nhường chỗ cho các dự án xây dựng đô thị.