Hỗ trợ nông dân Phú Vang xây dựng mô hình điểm phân loại, thu gom và vận chuyển rác thải sinh hoạt
Phát huy vai trò của tổ chức Hội trong bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới
Tham dự và chủ trì hội nghị tập huấn có ông Đinh Khắc Đính, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, ông Phạm Văn Thiện, Giám đốc Trung tâm Môi trường nông thôn (Trung ương Hội); cán bộ của các ban thuộc Trung ương Hội; Thường trực Hội ND tỉnh Thừa Thiên Huế, Hội ND tỉnh; Thường trực Huyện ủy, HĐND, UBND và các phòng, ban của huyện Phú Vang và các xã; các ban, ngành, đoàn thể các thôn xóm của xã Vinh Xuân và xã Phú Diên cùng giảng viên và cán bộ, hội viên nông dân 2 xã Vinh Xuân, Phú Diên.
Tại hội nghị, ông Phạm Văn Thiện, Giám đốc Trung tâm Môi trường nông thôn thông tin: Hiện nay chất thải, rác thải trong sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp ở nông thôn đã và đang trở thành vấn đề bức xúc, nổi cộm. Do lượng chất thải, rác thải phát sinh ngày càng nhiều, đa dạng về thành phần và tính chất độc hại. Chất thải, rác thải ở khu vực nông thôn có sự khác biệt đáng kể về thành phần và mức độ gây ô nhiễm môi trường, tùy theo nguồn phát sinh và được phân loại theo ba nhóm chính: Là rác thải sinh hoạt, rác thải nông nghiệp và rác thải làng nghề. Ðối với các loại chất thải từ nông nghiệp gồm nhiều các hợp chất độc hại, khó phân hủy, là mối nguy hại lớn, có khả năng gây ô nhiễm môi trường không khí, nước, đất, gây hại đối với cây trồng và vật nuôi..
Đối với lượng rác thải sinh hoạt phát sinh hàng ngày trên toàn quốc là 67.110 tấn/ngày, trong đó khu vực nông thôn là 29.455 tấn/ngày. Rác thải sinh hoạt có đặc trưng là thành phần hữu cơ, dễ phân hủy, chiếm tỷ lệ cao, dao động từ 65-70% tổng lượng rác thải sinh hoạt. Trong khi đó, nhận thức của người dân sống ở khu vực nông thôn còn hạn chế. Việc tổ chức phân loại, thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt còn manh mún, thô sơ, chưa đáp ứng được yêu cầu về kỹ thuật và vệ sinh môi trường; thậm chí nhiều nơi chưa được thu gom, còn vứt bừa bãi, gây mất mỹ quan, làm ô nhiễm môi trường, các dịch bệnh bùng phát và ảnh hưởng tới sức khỏe của cộng đồng dân cư sống ở nông thôn.
Những năm qua Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương; chính sách, pháp luật, quy định về phân loại, thu gom và xử lý chất thải, rác thải nói chung; rác thải sinh hoạt ở nông thôn nói riêng và đã đạt được một số kết quả bước đầu. Cùng với sự đồng hành vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, Hội Nông dân với vai trò là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp Nông dân, có hệ thống tổ chức từ Trung ương đến tỉnh, huyện, xã và thôn, ấp, bản, làng. Hội Nông dân đã luôn đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tăng cường đoàn kết, tập hợp nông dân; phát huy vai trò của tổ chức Hội trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới.
Ông Phạm Văn Thiện, Giám đốc Trung tâm Môi trường nông thôn (Trung ương Hội) cho biết: Trong thời gian qua các cấp Hội đã tích cực tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động, hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ xây dựng các mô hình điểm, thành lập các Tổ tự quản, Câu lạc bộ Nông dân tham gia bảo vệ môi trường để tổ chức cho cán bộ, hội viên, nông dân tham gia phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt và bảo vệ môi trường.
Trong 2 năm 2023 và 2024, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã tiến hành triển khai Dự án: “Hỗ trợ xây dựng mô hình điểm của Hội Nông dân tham gia phân loại, thu gom và vận chuyển rác thải sinh hoạt ở nông thôn” tại 6 tỉnh trong cả nước là Sơn La, Quảng Nam, Đắk Lắk, Nam Định, Thừa Thiên Huế và An Giang, với tổng giá trị là 3 tỷ đồng/1 tỉnh. Đây là lần đầu tiên Trung ương Hội triển khai xây dựng mô hình điểm về lĩnh vực bảo vệ môi trường ở cấp xã có giá trị cao.
Tập trung triển khai 7 nội dung xây dựng mô hình điểm tại huyện Phú Vang
Đối với tỉnh Thừa Thiên Huế, sẽ tổ chức làm điểm tại 2 xã là Vinh Xuân và Phú Diên của huyện Phú Vang. Sau một thời gian tổ chức làm các thủ tục và trình Thường trực T.Ư Hội phê duyệt nội dung và dự toán, Trung tâm Môi trường nông thôn (Trung ương Hội) đã tổ chức đấu thầu rộng rãi trên hệ thống đấu thầu quốc gia và đã lựa chọn được các đơn vị cung cấp trang thiết bị và chế phẩm sinh học. Đồng thời tiến hành triển khai các nội dung. Dự án đã tập trung vào triển khai 7 nội dung chính như sau:
Tổ chức nghiên cứu, khảo sát địa điểm triển khai xây dựng mô hình điểm.
Tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về các nội dung của dự án, cũng như hiệu quả của dự án đem lại, nhằm giúp các địa phương đến học tập kinh nghiệm và nhân rộng mô hình.
Tổ chức biên soạn, in ấn tài liệu tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ tham gia xây dựng mô hình điểm.
Tổ chức tập huấn “Nâng cao nhận thức, kiến thức và kỹ năng truyền thông và hướng dẫn phân loại, thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt và sử dụng chế phẩm vi sinh để xử lý rác thải sinh hoạt hữu cơ thành phân bón tại hộ gia đình cho tuyên truyền viên cấp tỉnh” ở một số tỉnh, thành phố trong cả nước.
Hỗ trợ các trang thiết bị và chế phẩm vi sinh cho tất cả các hộ đã đăng ký tham gia của xã Vinh Xuân và Phú Diên để xây dựng mô hình điểm về phân loại, thu gom, vận chuyển và sử dụng chế phẩm vi sinh để xử lý rác thải sinh hoạt hữu cơ cụ thể như sau:
- Trang bị cho 2.000 hộ gia đình hoặc nhóm hộ gia đình (cùng ở với nhau hoặc ở gần nhau) tham gia xây dựng mô hình điểm 01 thùng ủ rác thải sinh hoạt hữu cơ có dung tích 160 lít đảm bảo bền, đẹp và không độc hại với môi trường, với tổng số 2.000 thùng.
- Hỗ trợ mỗi hộ gia đình tham gia xây dựng mô hình điểm 2 gói chế phẩm vi sinh để xử lý rác thải sinh hoạt hữu cơ thành phân bón tại hộ gia đình trong thời gian 06 tháng, tổng số 4.000 gói.
- Hỗ trợ thị trấn 60 thùng rác với dung tích 240 lít; 20 cái xe thu gom rác với dung tích 500 lít để bố trí ở các tuyến đường của 2 xã và nơi công cộng.
- Tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật phân loại, thu gom, vận chuyển và sử dụng chế phẩm vi sinh để xử lý rác thải sinh hoạt hữu cơ, việc mua sắm thêm các trang thiết bị đối ứng, cách lắp đặt và sử dụng cho 900 hộ nông dân của 2 xã Vinh Xuân và Phú Diên.
Tập huấn hướng dẫn việc thành lập Câu lạc bộ Nông dân tham gia bảo vệ môi trường; xây dựng nội quy, nội dung hoạt động của câu lạc bộ. Đồng thời tổ chức ra mắt câu lạc bộ Nông dân tham gia bảo vệ môi trường. Dự kiến sẽ làm điểm tại 3 thôn.
Tổ chức kiểm tra, giám sát; Nghiệm thu và tổng kết.
Để tiếp tục triển khai các nội dung trong thời gian tới, góp phần xây dựng mô hình điểm tại xã Vinh Xuân và xã Phú Diên thành công, tại hội nghị, ông Phạm Văn Thiện đề nghị 1 số nội dung sau:
Các giảng viên cần dành nhiều thời gian thích hợp để trao đổi, thảo luận, chia sẻ những kinh nghiệm, giải pháp trong việc tuyên truyền, vận động hội viên nông dân tham gia bảo vệ môi trường; kỹ thuật lắp đặt các trang thiết bị, phân loại, thu gom, vận chuyển và sử dụng chế phẩm sinh học xử lý rác thải sinh hoạt hữu cơ tại hộ. Kỹ thuật sử dụng phân bón tiết kiệm, hiệu quả và tham gia bảo vệ môi trường.
Đề nghị đối với cán bộ, hội viên, nông dân lắng nghe và ghi chép đầy đủ những kiến thức mà các giảng viên truyền đạt, đồng thời áp dụng những kiến thức học tập được vào gia đình mình và tuyên truyền, vận động bà con, anh em, họ hàng, hàng xóm cùng tham gia thực hiện; Tổ chức đào hố, xây hố, mua sắm thêm một số trang thiết bị đối ứng theo sự hướng dẫn của giảng viên và cán bộ kỹ thuật. Mỗi hộ gia đình cần mua và tự trang bị 01 chiếc xô nhựa dung tích 10 lít để hứng nước thải chảy ra từ thùng ủ rác thải sinh hoạt hữu cơ và 01 giá đỡ bằng sắt để đỡ thùng ủ rác 160l nhưng phải đảm bảo theo đúng thiết kế. Vì theo quy định Nhà nước không thể hỗ trợ 100% mà bà con phải đối ứng một phần. Mong bà con hội viên nông dân ủng hộ tham gia đối ứng.
Đề nghị Hội ND tỉnh Thừa Thiên Huế, huyện Phú Vang, xã Vinh Xuân và xã Phú Diên tiếp tục tổ chức tuyên truyền và vận động các hộ tham gia xây dựng mô hình thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các nội dung của việc xây dựng mô hình điểm để đảm bảo mục tiêu của Dự án.
Tổ chức cho các hộ đối ứng, lắp đặt và hướng dẫn sử dụng. Cử 1 cán bộ có chuyên môn, kỹ thuật, kinh nghiệm phối hợp với địa phương để tiếp tục hướng dẫn các hộ tham gia xây dựng mô hình về mặt kỹ thuật. Sau khi kết thúc Dự án phải tổ chức cung ứng chế phẩm vi sinh cho bà con.
“Tôi mong rằng trong thời gian tới tiếp tục nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo và sự ủng hộ kinh phí của Thường trực Hội ND tỉnh; Thường trực Huyện ủy, HĐND, UBND, các phòng, ban của huyện Phú Vang; Thường trực Đảng ủy, HĐND, UBND và ban, ngành của xã Vinh Xuân và Phú Diên đối với dự án để việc xây dựng 2 mô hình điểm thành công để các địa phương đến nghiên cứu, tham quan, học tập và nhân rộng” – ông Phạm Văn Thiện nhấn mạnh.
Tại hội nghị, Ban tổ chức cũng đã bàn giao các trang thiết bị và chế phẩm vi sinh cho các hộ tham gia xây dựng mô hình điểm, đồng thời hướng dẫn các hộ mua sắm thêm các trang thiết bị đối ứng, cách lắp đặt và sử dụng các trang thiết bị và chế phẩm vi sinh; cách sử dụng phân bón tiết kiệm, hiệu quả gắn với bảo vệ môi trường.
- Hà Giang: Kết nối, tiêu thụ sản phẩm OCOP và sản phẩm tiêu biểu tại Thủ đô
- Hà Giang: Nuôi dê Bách Thảo - sinh kế lâu dài cho nông dân vùng cao
- Thanh Hoá: Nông dân được học tập, chia sẻ kinh nghiệm xử lý rác thải thân thiện với môi trường
- Lào Cai: Hỗ trợ hơn 1 tấn cá giống giúp nông dân khôi phục sản xuất sau bão Yagi