Hoàn thiện xây dựng nông thôn mới cần đi vào chiều sâu chất lượng
Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, nông nghiệp sạch
Thị xã Hoàng Mai là đô thị ven biển nằm ở phía Bắc của tỉnh Nghệ An. Là đầu mối giao thông nối liền tỉnh Nghệ An với khu kinh tế Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa; có 18km bờ biển, 18km sông Hoàng Mai và nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Nam Thanh – Bắc Nghệ và được xác định là 1 trong 3 cực tăng trưởng của tỉnh Nghệ An.
Có thể nói, Hoàng Mai là vùng có nhiều ưu thế đặc thù do địa hình mang lại, hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi để phát triển kinh tế theo hướng đa dạng hóa từ nông nghiệp, dịch vụ, công nghiệp. Trước ưu thế đó, địa phương đã có những chủ trương để phát triển theo hướng nâng cao giá trị các ngành nghề có chiều sâu hơn nữa nằm phát huy tối đa giá trị từ “địa lợi” ban tặng. Từ đặc thù đô thị có biển, có rừng, có đồng bằng, Hoàng Mai đang nâng cao các giải pháp, kế hoạch để đưa thị xã vươn cao hơn.
Đối với lĩnh vực nông nghiệp, Hoàng Mai tiếp tục xây dựng đề án phát triển theo hướng hữu cơ, nông nghiệp sạch, tăng cường ứng dụng khoa học kĩ thuật cao; tiếp tục chuyển đổi sản xuất đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế; chú trọng phát triển các sản phẩm chủ lực của địa phương theo hướng mỗi xã một sản phẩm (OCOP) mang lại hiệu quả kinh tế xác thực cho nông dân.
Hiện tại, Hoàng Mai đã xây dựng 2 vùng sản xuất rau an toàn ở xã Quỳnh Trang, xã Quỳnh Liên với diện tích 350ha; chuyển đổi 125ha diện tích sản xuất từ trồng lúa và cây trồng kém hiệu quả ở xã Quỳnh Trang, xã Quỳnh Vinh, xã Quỳnh Lộc sang sản xuất rau màu; công nhận hơn 20ha rau, củ, quả đạt tiêu chuẩn VietGAP và 240ha nuôi trồng thủy sản đạt tiêu chuẩn VietGAP tại phường Quỳnh Dị, xã Quỳnh Lộc, phường Quỳnh Xuân, phường Mai Hùng và xã Quỳnh Liên; xây dựng nhãn hiệu Tinh bột nghệ và Nghệ viên ngào mật ong Hoàng Mai, Hải sản Hoàng Mai, Susu Quỳnh Liên, nước mắm Quỳnh Dị...
Để hướng đến xây dựng các sản phẩm nông nghiệp được nhiều người biết đến và tạo điều kiện cho địa phương có không gian quảng bá sản phẩm, mỗi địa phương là một trung tâm thông tin. Thời gian tới, Hoàng Mai tiếp tục nghiên cứu định hướng xây dựng “Mô hình làng thông minh, xã kết nối” trong xây dựng nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu, tìm hướng đi mới cho xây dựng nông thôn mới gắn với chuyển đổi số và khoa học - công nghệ.
Từ những chính sách đòn bẩy, chú trọng phát triển kinh tế và nâng cao mức sống cho người dân. Nhờ đó, bộ mặt nông thôn Hoàng Mai có nhiều nét đổi mới, dân trí được nâng cao và thu nhập bình quân đạt 66,77 triệu đồng/người/năm. Qua hơn 8 năm thực hiện, đến năm 2020, toàn thị xã có 5/5 xã (100%) được Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An quyết định công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới.
Phát triển đi đôi với công tác bảo vệ môi trường ngay đầu nguồn
Hướng đến chu trình sản xuất khép kín, tuần hoàn trong nông nghiệp và trọng tâm phát triển công nghiệp, dịch vụ thì một trong những lĩnh vực cần được quan tâm hàng đầu là môi trường sống, sản xuất tại từng vùng, địa phương. Vì thế, để công tác xây dựng cảnh quan, giữ gìn vệ sinh môi trường trên bình diện chung của toàn thị xã cần được đồng bộ và bền vững. Thị xã tiếp tục có những đề án, chủ trương cụ thể trong việc phân công trách nhiệm và triển khai có hiệu quả các phần việc được giao cho các cá nhân, tổ chức.
Ưu thế mà thiên nhiên ban tặng tạo điều kiện trong phát triển sản xuất cũng luôn đi kèm 2 mặt được và mất, nên để phát huy lợi thế đi đôi với bảo vệ là việc làm liên tục đối với cả hệ thống và mỗi người dân. Từ thế mạnh về lĩnh vực nuôi trồng, khai thác thủy hải sản với 1.005ha diện tích sản xuất nuôi trồng thủy sản và hơn 1.000 tàu cá trong đó có 500 tàu cá có công suất lớn, đầu tư trang thiết bị hiện đại thường xuyên tham gia đánh bắt ở vùng biển Trường Sa, Hoàng Sa. Hơn nữa, trên địa bàn có 03 khu công nghiệp, mỗi năm thu hút hơn 1.500 lao động đến làm việc… Việc phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp làm trọng điểm, chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng giảm lao động trong ngành Nông nghiệp, tăng dần lao động trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ. Đó cũng là một thách thức lớn cho công tác bảo vệ môi trường trên toàn thị xã.
Trước tình hình đó, cấp ủy chính quyền địa phương đã có chủ trương yêu cầu mỗi người dân thuộc lĩnh vực nuôi trồng, chế biến cần có động thái tự giác xây dựng hệ thống xử lí chất thải ngay tại nguồn, có ý thức bảo vệ hệ sinh thái và loại bỏ hoàn toàn tư tưởng “được mình kệ người”. Một trong những việc làm được nhân rộng trong toàn thị xã là hàng năm phát động nhân dân trồng hoa, cây xanh. Đến nay, toàn Thị xã đã trồng cây, hoa ven đường đạt 117,8km/147,26km (tỷ lệ 79,99%) để tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch đẹp. Các tuyến đường làng, ngõ xóm, kênh mương, ao hồ và các khu vực công cộng được thực hiện vệ sinh môi trường thường xuyên, sạch sẽ, thông qua các phong trào “Đoạn đường thanh niên tự quản”, “5 không, 3 sạch”, “Hàng cây nông dân ơn Bác”…
Ghi nhận những nỗ lực của cả hệ thống chính trị và người dân trên địa bàn thị xã Hoàng Mai trong công cuộc xây dựng NTM, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An – ông Hoàng Nghĩa Hiếu khẳng định: “Hoàng Mai hoàn thành nhiệm vụ đạt chuẩn NTM đó là kết quả rất đáng trân trọng và để tiếp tục xây dựng NTM nâng cao cần tiếp tục đẩy mạnh nâng cao các tiêu chí đã đạt được. Đặc biệt quan tâm đến các tiêu chí liên quan đến đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động sâu rộng trong nhân dân, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, phát huy vai trò chủ động sáng tạo của người dân với tư cách là chủ thể trong xây dựng NTM…”