Hội hỗ trợ, nông dân Trà Vinh hào hứng trồng dưa leo an toàn sinh học
Đòn bẩy để nông dân phát triển mạnh mẽ
Trao đổi với phóng viên về tình hình địa phương, bà Lâm Thị Thanh - Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Phú cho biết: Tỷ lệ nhân dân trong xã sống bằng nghề sản xuất nông nghiệp chiếm 87,75%. Nhằm hỗ trợ nông dân xã Bình Phú phát triển kinh tế, Hội Nông dân xã đã tích cực tuyên truyền, vận động, hỗ trợ nông dân chuyển đổi sản xuất nông nghiệp. Theo đó, nhiều mô hình nông nghiệp hiệu quả được triển khai và có hướng nhân rộng trên địa bàn xã đã góp phần thay đổi tập quán canh tác của nông dân, nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng lợi nhuận.
Điển hình như mô hình trồng màu (dưa leo); mô hình lúa chất lượng cao, các mô hình chăn nuôi bò sinh sản, nuôi heo, nuôi cua đinh… Lợi nhuận từ các mô hình này cao gấp từ 2 - 3 lần so với chưa chuyển đổi.
Bà Thanh cho biết, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Bình Phú nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, phát triển mạnh ở lĩnh vực kinh tế vườn, mở rộng diện tích trồng rau, màu; tăng năng suất, chất lượng, tăng giá trị nông sản hàng hóa đủ sức cạnh tranh thị trường; không ngừng cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; vận động nông dân sản xuất theo tổ, nhóm cộng đồng để có khối lượng hàng hóa lớn, đồng nhất về chất lượng.
“Đối với mô hình trồng dưa leo, hiện nay Hội Nông dân đã thành lập mô hình Tổ hội nông dân nghề nghiệp trồng dưa leo xã Bình Phú với 13 thành viên tham gia. Vừa qua, Văn phòng Phát triển bền vững (T.Ư Hội Nông dân Việt Nam), Hội Nông dân tỉnh Trà Vinh chọn xã Bình Phú để hỗ trợ xây dựng mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học trong canh tác dưa leo theo hướng an toàn sinh học, các thành viên trong tổ hội nghề nghiệp rất phấn khởi. Đây sẽ là đòn bẩy quan trọng để nông dân xã Bình Phú đẩy mạnh sản xuất tập trung theo hướng an toàn sinh học, nâng cao năng suất, chất lượng, tăng thu nhập” - bà Thanh phấn khởi nói.
Khi tham gia mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học trong canh tác dưa leo theo hướng an toàn sinh học năm 2024, 13 hộ dân xã Bình Phú với diện tích canh tác 6,7ha dưa leo đã được tập huấn kỹ thuật trồng dưa leo theo hướng phát triển bền vững. Tại hội nghị tập huấn, các hộ nông dân tham gia mô hình trồng dưa leo an toàn sinh hoạt đã được nghe đơn vị cung cấp giống và vật tư giới thiệu về chủng loại hạt giống gieo trồng, các vật tư chế phẩm sinh học được áp dụng trong canh tác.
Bà Hồ Thị Thoàn - giảng viên Trường Cao đẳng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Bộ đã hướng dẫn chi tiết về kỹ thuật sản xuất theo hướng đảm bảo an toàn sinh học, đảm bảo mô hình phát triển hiệu quả và bền vững, có thể nhân rộng sản xuất trong thời gian tới...
Theo giảng viên Hồ Thị Thoàn, trong sản xuất nông nghiệp, nông dân cần chú ý đặc tính cây trồng, quy luật sinh thái để áp dụng vào mô hình sản xuất của mình để sản xuất được đảm bảo, bền vững, qua đó giúp giảm chi phí đầu vào và tăng lợi nhuận sau thu hoạch. Theo đánh giá của ngành Nông nghiệp, các mô hình canh tác hữu cơ sinh học đều mang lại hiệu quả thiết thực, giúp bà con nông dân ý thức được tầm quan trọng của việc sản xuất theo tiêu chuẩn, tăng dần việc sử dụng phân hữu cơ, hạn chế sử dụng phân hóa học, làm quen việc sử dụng các loại thuốc trừ sâu bệnh sinh học, tuân thủ thời gian cách ly thuốc BVTV, tạo ra sản phẩm an toàn phục vụ người tiêu dùng. Qua đó, giúp bà con nông dân giảm được chi phí sản xuất, nâng cao lợi nhuận từ nông nghiệp.
Tham gia mô hình, 13 hộ nông dân được Văn phòng Phát triển bền vững - T.Ư Hội Nông dân Việt Nam hỗ trợ 360 gói hạt giống, 134 bao phân hữu cơ và 18 bao phân đạm + phân kali. Tổng kinh phí T.Ư Hội Nông dân Việt Nam hỗ trợ thực hiện mô hình là trên 271 triệu đồng.
Anh Nguyễn Văn Phú ở ấp Phú Phong 3, tham gia mô hình với diện tích 1,2ha dưa leo. Anh phấn khởi nói: “Nhiều kiến thức, thông tin về canh tác dưa leo an toàn sinh học mà giảng viên chia sẻ tại hội nghị rất thiết thực với chúng tôi. Điều bà con chúng tôi vui nhất là khi tham gia mô hình, mọi người nhận được hạt giống, phân bón, chế phẩm sinh học giúp bà con có thêm điều kiện phát triển sản xuất”- anh Phú bộc bạch.
Nâng cao năng suất, chất lượng, tăng thu nhập
Ông Lê Văn Hùng - Tổ trưởng Tổ hội nghề nghiệp nông dân trồng dưa leo xã Bình Phú có 0,55ha tham gia mô hình. Ở địa phương, ông Hùng là một trong những hộ đi đầu trồng rau màu, trong đó có mô hình dưa leo. Từ hiệu quả trồng rau màu của ông Hùng, nhiều hộ dân trong xã Bình Phú đã cải tạo đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu.
Ông Hùng cho biết: “Mô hình trồng dưa leo đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cho các thành viên, tạo thêm việc làm và tăng thu nhập cho nông dân, trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số. Sau khi tham dự hội nghị, chúng tôi sẽ cùng nhau liên kết hợp tác và tiến tới thành lập tổ hợp tác, chi hội nông dân nghề nghiệp để mở rộng quy mô sản xuất cũng như thị trường tiêu thụ; đồng thời nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, tăng thêm thu nhập cho các thành viên”.
Ông Quảng Thanh Tú - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Trà Vinh cho hay, để xây dựng mô hình, ngay từ đầu, việc kiểm tra, triển khai mô hình tại cơ sở từ khâu chọn điểm, chọn hộ đến khâu tổ chức cấp phát vật tư hỗ trợ, tổ chức các hội nghị tập huấn đều được thực hiện nghiêm túc, kỹ lưỡng. Các tiến bộ khoa học kỹ thuật từ chọn giống, phân bón, ứng dụng chế phẩm sinh học trong canh tác dưa leo theo hướng an toàn sinh học cho đến liên kết tiêu thụ sản phẩm được lên kế hoạch thực hiện khoa học, phù hợp với nhu cầu của hội viên nông dân.
“Bên cạnh đó, Hội Nông dân tỉnh, huyện, xã đều cử ít nhất 1 cán bộ chịu trách nhiệm hỗ trợ, theo dõi và kiểm tra giám sát mô hình thường xuyên. Cán bộ kỹ thuật được lựa chọn để hướng dẫn kỹ thuật của mô hình có kinh nghiệm thực tiễn trong việc xây dựng mô hình khuyến nông, có kiến thức kỹ thuật tốt, có tay nghề và nghiệp vụ giỏi, đảm bảo đáp ứng với việc hướng dẫn kỹ thuật của mô hình... Chúng tôi rất kỳ vọng, mô hình này sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ đó có tác động lớn, làm chuyển biến nhận thức của nông dân trên địa bàn tỉnh Trà Vinh về ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào các mô hình nông nghiệp theo hướng an toàn sinh học”- ông Tú nói.