Hội Nông dân tỉnh Tuyên Quang: Tập huấn đào tạo giảng viên nguồn về xử lý rác thải hữu cơ
Tham gia khoá tập huấn đào tạo có 30 đại biểu là cán bộ hội nông dân tỉnh Tuyên Quang (6 người), Hội Nông dân các huyện (3 người) và Hội Nông dân xã, Chi hội trưởng (21 người).
Trong 03 ngày, các học viên đã được tìm hiểu về tổng quan về phân loại và xử lý rác thải hữu cơ; trực tiếp thực hành về: Kỹ thuật lên men phụ phẩm cây trồng làm thức ăn chăn nuôi; Kỹ thuật nuôi gà trên đệm lót sinh học dày; Kỹ thuật ủ phân hữu cơ từ phụ phẩm cây trồng.
Đây là lớp học khá đặc biệt với người nhiều tuổi nhất là 71 tuổi, người nhỏ tuổi nhất là 26 tuổi, mọi người đều rất hào hứng, nhiệt tình tham gia các hoạt động của lớp: Các trò chơi vận động kết hợp học lý thuyết, làm các mô hình thực hành, tập làm giảng viên trao đổi kiến thức cho nông dân.
Bà Nguyễn Thị Vĩnh An – Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Tuyên Quang cho hay: Tuy lớp tập huấn diễn ra trong thời gian ngắn, nhưng đã góp phần giúp các cán bộ Hội Nông dân tỉnh Tuyên Quang nắm bắt được cơ bản kiến thức về việc phân loại và xử lý rác thải hữu cơ. Các giảng viên đã đưa ra những ví dụ rất cụ thể ở Tuyên Quang đó là từ các cây (lạc, ngô, rơm, rạ… để xử lý làm phân bón hay ủ làm thức ăn chăn nuôi). Đây là những kiến thức cơ bản để các cán bộ của Hội Nông dân tỉnh Tuyên Quang sẽ truyền tải cho hội viên nông dân, nông dân trên địa bàn nhận biết và xử lý đối với từng loại cây trong thời gian tới.
Là người lớn tuổi nhất tham gia lớp tập huấn, ông Hoàng Xuân Hùng ở xã Mỹ Bằng (huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang) cho biết: Lớp tập huấn đã đem lại cho tôi rất nhiều kiến thức, tôi thấy kỹ thuật ủ phân hữu cơ từ phụ phẩm cây trồng là rất dễ thực hiện ở vùng nông thôn chúng tôi, bởi trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt hàng ngày phụ phẩm từ cây trồng là rất nhiều. Vì vậy khi áp dụng sẽ giúp người nông dân chúng tôi vừa bảo vệ môi trường lại có được sản phẩm phân bón hữu cơ, đúng là lợi cả đôi đường. Không chỉ áp dụng cho gia đình, mà tôi sẽ tuyên truyền để mọi người đều biết và áp dụng, có như vậy mới giữ được môi trường xanh-sạch.
Với những tài liệu được cung cấp đặc biệt là kiến thức từ các giảng viên truyền đạt trực tiếp tại lớp tập huấn, sau khóa học, cả 30 học viên đều cam kết trở thành những giảng viên giữ gìn tương lai xanh, sẽ áp dụng các phương pháp xử lý rác thải bền vững đối với rác thải từ nông nghiệp và hộ gia đình; sẽ tuyên truyền các kỹ thuật đã học được đến hội viên, nông dân và vận động, khuyến khích hội viên, nông dân áp dụng.
- Nghệ An: Các cấp Hội cần tiếp tục phát huy tinh thần sáng tạo, cách làm hiệu quả, kết quả ấn tượng
- Hội Nông dân huyện Diễn Châu đã chú trọng đổi mới công tác tuyên truyền, xây dựng Hội, xây dựng mô hình, điển hình
- Đoàn công tác Trung ương Hội NDVN thăm và làm việc tại tỉnh Đồng Tháp
- Tuyên truyền pháp luật đến nông dân được duy trì thường xuyên, ổn định