Hội quán Nông dân Tây Phú - nơi phát huy thế mạnh của nông dân
Huyện Thoại Sơn có diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên 38.000ha, với trên 15.000 hộ tham gia sản xuất. Với trên 70% dân số sống bằng nông nghiệp và tập trung ở nông thôn, phong trào nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi (SXKDG) ngày càng mở rộng về ngành nghề.
Giai đoạn 2019 - 2022, toàn huyện có 4.478 lượt hộ nông dân đạt danh hiệu SXKDG giỏi các cấp được tuyên dương, vượt so chỉ tiêu 4.400 lượt. Phong trào thi đua SXKDG giỏi đã giúp 91.630 hộ nông dân vượt khó vươn lên thoát nghèo, với tổng kinh phí hỗ trợ, giúp đỡ trên 20 tỷ đồng. Từ đó, góp phần tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, cơ cấu ngành nghề.
Thời gian qua, tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước đi vào chiều sâu với nhiều mô hình sản xuất hiệu quả được nhân rộng. Tuy nhiên, sản xuất nhìn chung vẫn còn nhỏ lẻ, giá cả vật tư đầu vào, sản phẩm đầu ra luôn biến động, liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp chưa thật sự gắn chặt, ảnh hưởng đến thu nhập của nông dân.
Từ thực tế trên, Hội Nông dân huyện đã phối hợp các ngành liên quan và địa phương nghiên cứu, tìm hiểu, triển khai thí điểm mô hình hội quán nông dân trên địa bàn xã Tây Phú. Tháng 9/2023, Hội Nông dân xã Tây Phú đã chính thức ra mắt Hội quán Nông dân xã Tây Phú gồm 38 thành viên, được thành lập mang tính tự nguyện, tự chủ, tự quản, tự chịu trách nhiệm, công khai, không gì mục đích lợi nhuận, tuân thủ theo pháp luật và Điều lệ của Hội quán.
Hội quán Nông dân xã Tây Phú chủ yếu tập hợp những hội viên nông dân cùng lĩnh vực sản xuất cây trồng, cùng nhau phát triển nông nghiệp ở địa phương, tạo cơ hội cho các hội viên gặp gỡ, giao lưu, hỗ trợ nhau trong cuộc sống; trao đổi kinh nghiệm, cùng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, giảm giá chi phí, nâng cao chất lượng, tăng giá thành sản phẩm, cùng phát triển sản xuất kinh tế, đời sống.
Ngoài ra, Hội quán Nông dân xã Tây Phú sẽ được sự tạo điều kiện hỗ trợ thêm của UBND xã, Hội Nông dân xã về khởi nghiệp, tìm kiếm, mở rộng thị trường Hội quán đã bầu ra Ban Chủ nhiệm gồm 10 đại biểu: Chủ nhiệm, 2 Phó Chủ nhiệm, Thư ký, thủ quỹ, sinh hoạt hàng tháng vào ngày 15, mỗi tháng họp một lần. Mô hình ra đời phát huy vai trò của Hội Nông dân trong việc tập hợp hội viên nông dân và tạo sự gắn bó, đoàn kết trong hội viên, góp phần xây dựng tổ chức hội ngày thêm vững mạnh.
Bà Nguyễn Thị Thúy, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tây Phú cho biết: Xã Tây Phú có 3.136ha trồng lúa và các mô hình chuyển đổi cây trồng hiệu quả, như: Mô hình trồng chanh, 2 hộ trồng cam xoàn với diện tích hơn 1ha, 3 hộ trồng bưởi da xanh với diện tích 0,5ha, 14 hộ trồng dưa leo với diện tích 8ha, 10 hộ trồng bắp với diện tích 2ha…
Các mô hình tuy có hiệu quả nhưng với quy mô và hạn chế về sản xuất theo kiểu mạnh ai nấy làm nên diện tích còn nhỏ lẻ, manh mún, dẫn đến tình trạng “được mùa, mất giá”, bị thương lái gây khó. Quá trình vận động nông dân tham gia hội quán nông dân, được nông dân rất đồng tình hưởng ứng.
Nông dân tham gia hội quán là những người có tâm huyết, sáng tạo trong lao động, sản xuất, cùng có mong muốn nâng cao giá trị, sản xuất nông sản an toàn, đáp ứng nhu cầu thị trường; được định hướng, hỗ trợ trong liên kết, tiêu thụ sản phẩm để chấm dứt điệp khúc “được mùa, mất giá.
Hội quán Nông dân xã Tây Phú là hình thức liên kết tự nguyện của nông dân nhằm chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm, các kỹ thuật mới trong sản xuất, cập nhật thông tin về thị trường. Đồng thời, tạo kênh trao đổi, chia sẻ giữa nông dân với chính quyền, đoàn thể, giải quyết những vấn đề về kinh tế - xã hội ở địa phương.
Ông Võ Thanh Hùng, Chủ nhiệm Hội quán Nông dân xã Tây Phú chia sẻ: Mô hình đã phát huy vai trò của Hội Nông dân xã trong việc tập hợp hội viên nông dân và tạo sự gắn bó, đoàn kết trong hội viên, góp phần xây dựng tổ chức Hội ngày thêm vững mạnh. Chúng tôi mong muốn hội quán được các cấp lãnh đạo quan tâm, nắm tình hình, tổng hợp nhu cầu, khó khăn của hội viên để kịp thời hỗ trợ tháo gỡ. Nhất là quan tâm đầu vào, đầu ra, trang thiết bị, công nghệ, cây giống, con giống và triển khai các chính sách, tư vấn hỗ trợ xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc để tăng giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường, tăng thu nhập cho hội viên.
Thời gian qua, tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước đi vào chiều sâu với nhiều mô hình sản xuất hiệu quả được nhân rộng. Tuy nhiên, sản xuất nhìn chung vẫn còn nhỏ lẻ, giá cả vật tư đầu vào, sản phẩm đầu ra luôn biến động, liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp chưa thật sự gắn chặt, ảnh hưởng đến thu nhập của nông dân.
Ông Nguyễn Đình Chưởng, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thoại Sơn cho biết: Để phát huy tốt vai trò của Hội quán, nên đa dạng, phong phú nội dung sinh hoạt. Muốn vậy, các thành viên cần thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm, sự gắn kết bằng việc phản ánh kịp thời những yêu cầu, mong muốn với ban chủ nhiệm. Hội quán cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nông dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo quy hoạch; phối hợp các ngành có liên quan tổ chức các lớp dạy nghề và giới thiệu việc làm, hỗ trợ nông dân tiếp cận ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất.
Hội quán Nông dân xã Tây Phú cần tổ chức các mô hình liên kết sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm có hiệu quả, góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống nông dân. Hội Nông dân huyện, xã kết hợp cùng cơ quan chính quyền tại địa phương tham gia định hướng, hỗ trợ hội quán; kêu gọi các doanh nghiệp gắn kết các ngành hàng, lĩnh vực có sự tương đồng để chia sẻ nhu cầu.
Đồng thời, các cấp chính quyền địa phương, đoàn thể, tiếp tục tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền việc xây dựng nông thôn mới phù hợp với từng thời điểm, địa bàn, triển khai sâu rộng và thiết thực phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, lựa chọn những lĩnh vực nổi bật phấn đấu đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021 – 2025.
Các cấp chính quyền địa phương, đoàn thể cần quan tâm, hỗ trợ thúc đẩy việc liên kết sản xuất và hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung gắn với phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã và xây dựng liên kết theo chuỗi giá trị của các sản phẩm chủ lực của địa phương, xây dựng thương hiệu sản phẩm. Chú trọng công tác bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan nông thôn xanh, sạch, đẹp, cũng như nâng cao chất lượng lĩnh vực y tế, giáo dục xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao ở nông thôn…