Phong trào nông dân

Hướng dẫn hội viên nắm bắt ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất và đời sống

Thu Nga - 15:48 30/10/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn)- Mới đây, Hội Nông dân huyện Nghĩa Hưng phối hợp với Ban Xây dựng Hội, Hội Nông dân tỉnh Nam Định và Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ hướng dẫn sử dụng chuyển đổi số trong sản xuất và đời sống cho hội viên nông dân.

Tại nhà văn hoá UBND xã Nghĩa Tân và thị trấn Liễu Đề, chuyên gia đã hướng dẫn cho 310 đại biểu là Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội Nông dân cơ sở; Chi hội trưởng nông dân; Tổ trưởng Tổ hội nghề nghiệp và Chi hội trưởng nông dân nghề nghiệp của 24 xã, thị trấn các kỹ năng nhận diện, phòng ngừa lừa đảo trên môi trường mạng.

Ông Đặng Ngọc Hà - Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh Nam Định phát biểu khai mạc hội nghị.

Tại hội nghị, ông Đặng Ngọc Hà - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Nam Định đề nghị các đại biểu dự hội nghị tập trung theo dõi sự hướng dẫn của chuyên gia, tích cực trao đổi, thảo luận với tinh thần cầu thị để nắm chắc các chuyên đề, từ đó áp dụng vào thực tiễn hoạt động của đơn vị mình, góp phần thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn huyện; Tuyên truyền nông dân thay đổi thói quen, nhận thức đúng về chuyển sổi số, kinh tế số đem lại những lợi ích thiết thực cho hội viên nông dân.

Giới thiệu và hướng dẫn hội viên nông dân mua – bán hàng hóa trên sàn thương mại điện tử

Hội nghị đã nghe ông Trần Xuân Hướng - Trưởng phòng Bưu chính-Viễn thông, Sở Thông tin  và Truyền thôn tỉnh Nam Định hướng dẫn sử dụng ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất và đời sống nhằm giúp đại biểu rõ hơn, sâu hơn về chuyển đổi số, đồng thời nhận diện, phòng ngừa lừa đảo trên môi trường mạng và điện thoại phức tạp hiện nay.

Ông Trần Xuân Hướng - Trưởng phòng Bưu chính-Viễn thông, Sở TT&TT tỉnh Nam Định hướng dẫn sử dụng chuyển đổi số.

Theo ông Trần Xuân Hướng, chuyển đổi số trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay đã và đang làm thay đổi cách sống, cách làm việc, phương thức sản xuất chuyển từ trực tiếp sang trực tuyến, chuyển từ môi trường thực sang môi trường ảo, mở ra nhiều cơ hội chưa từng có trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ nông, lâm, thuỷ - hải sản cho nông dân. “Chuyển đổi số được xem là cuộc cách mạng toàn dân, chỉ khi nào toàn bộ người dân sử dụng các nền tảng số, các ứng dụng số để phục vụ hoạt động kinh doanh, làm ăn, sinh hoạt hàng ngày thì chuyển đổi số mới thành công” – ông Trần Xuân Hướng nhấn mạnh.

Thách thức lớn nhất trong chuyển đổi số toàn xã hội trước mắt là kỹ năng số của người dân, theo đó là thói quen và văn hoá sống trong môi trường số của từng người. Các đại biểu được giới thiệu về 5 nhóm kỹ năng số cơ bản người dân cần biết, đó là: Thiết lập, cài đặt, sử dụng thiết bị số như điện thoại, máy tính; Quản lý Thông tin và truyền thông: Lướt web, chat, email, search…; Sử dụng các ứng dụng và nền tảng số; Giao dịch số: Mua sắm trực tuyến, thanh toán trực tuyến; Đảm bảo an toàn trên môi trường mạng, tránh lừa đảo…

Đặc biệt, lãnh đạo Hội Nông các cấp trong huyện Nghĩa Hưng được giới thiệu và hướng dẫn mua – bán hàng hóa trên sàn thương mại điện tử PostMart.vn - là sàn giao dịch thương mại điện tử được sáng lập và vận hành bởi Tổng Công ty Bưu Điện Việt Nam (Vietnam Post) thuộc Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam. Postmart.vn là sàn thương mại điện tử uy tín hàng đầu về việc tuyển chọn các nhà cung cấp có sản phẩm đặc sản chính gốc với đầy đủ giấy tờ bảo đảm.   

Postmart.vn cũng là sàn thương mại điện tử miễn toàn bộ các loại phí cho các Nhà cung cấp khi tham gia bán hàng trên sàn. Bao gồm cả phí marketing (các chương trình truyền thông - quảng cáo nâng cao hình ảnh thương hiệu sản phẩm cho các Nhà cung cấp trên sàn). Đồng thời Postmart.vn là sàn thương mại điện tử được Chính phủ giao phó thực hiện sứ mệnh CĐS (QĐ1034).

Sản phẩm giao dịch trên sàn Postmart.vn được cung cấp từ các nhà cung cấp uy tín, chất lượng sản phẩm được đảm bảo, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và được đóng gói cẩn thận theo đúng quy chuẩn về hàng hóa thương mại điện tử.

Ông Trần Xuân Hướng cũng giới thiệu tới các đại biểu nông dân về những đối tượng tham gia bán hàng trên sàn thương mại điện tử, đó là các hiệp hội doanh nghiệp và các doanh nghiệp tại địa phương; Các Hợp tác xã, Hội Nông dân, Các hội – tổ chức có sản phẩm nông sản khác… cùng các cá nhân và hộ kinh doanh nhỏ lẻ có sản phẩm đặc sắc và chất lượng.

Ông Tống Quang Tuyến, Chi hội trưởng Hội Nông dân xóm 4, xã Nghĩa Minh chia sẻ: “Tham dự Hội nghị tập huấn nghiệp vụ, lần đầu tiên chúng tôi được hướng dẫn về quy trình bán hàng 9 bước, quy trình mua hàng theo 8 bước trên sàn thương mại điện tử. Những kiến thức thiết yếu này chúng tôi sẽ truyền thụ lại cho hội viên nông dân tại cơ sở, giúp họ giới thiệu, quảng bá và thực hiện các thao tác bán hàng nông sản do mình sản xuất trên sàn thương mại điện tử. Hy vọng rằng tới đây, bà con sẽ có thu nhập khá hơn khi tham gia kinh doanh theo hình thức hiệu quả này”.

Hỗ trợ hội viên sử dụng ứng dụng khám chữa bệnh và cảnh giác trước sự lừa đảo trên không gian mạng

Một lĩnh vực khác được hội viên nông dân rất quan tâm cũng đã được chuyên gia hướng dẫn cho các đại biểu, đó là kỹ năng sử dụng ứng dụng khám chữa bệnh từ xa VOVBacsi24 với những tính năng Wellcare, VieVie. eDoctor, YouMed, SUNS, Bookingcare… hỗ trợ người dân Đặt lịch khám, Khám chuyên khoa, Kê đơn, giao thuốc tận nhà. VOVBacsi24 là 1/36 nền tảng chuyển đổi số phục vụ người dân được Bộ Thông tin và Truyền thông công nhận, được Đài Tiếng nói Việt Nam phát triển mục tiêu vì cộng đồng hơn là lợi nhuận. Ứng dụng này kết nối hơn 1.500 giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ đầu ngành từ các bệnh viện lớn trên toàn quốc.

Cài đặt ứng dụng này, hội viên nông dân sẽ được VOV BACSI24 đáp ứng nhu cầu thăm khám trên tất cả các nhóm bệnh. Hội viên nông dân sẽ không lo xếp hàng để được thăm khám; không cần “mối quan hệ” vẫn có thể gặp được bác sĩ giỏi, bệnh viện tuyến đầu để thăm khám; không mất thời gian, tiền bạc cho đi lại, sinh hoạt; không lo bị nhiễm trùng chéo ở bệnh viện; nhanh chóng được tư vấn, khám của bác sĩ đầu ngành trong trường hợp khẩn cấp.

Toàn cảnh Hội nghị.

Ông Mai Thanh Hải, Chi hội trưởng Hội Nông dân xóm 14, xã Nghĩa Hồng phấn khởi nói: “Lâu nay bà con nông dân mình khá vất vả khi đi khám, chữa bệnh do chi phí đi lại, ăn ở, thuốc thang khá phiền hà và tốn kém. Tới đây, chúng tôi sẽ hướng dẫn hội viên cài đặt và sử dụng ứng dụng tiện ích này theo các bước đã được hướng dẫn là: Cài đặt ứng dụng vào điện thoại; nạp tiền vào tài khoản; chọn bệnh viện, chuyên khoa, bác sĩ; thực hiện cuộc gọi. Hội viên nông dân chắc chắn sẽ quan tâm bảo vệ sức khoẻ của mình hơn khi cài đặt ứng dụng này”.

Các đại biểu cũng được chuyên gia hướng dẫn kỹ năng nhận diện  -  phòng ngừa  -  ngăn chặn lừa đảo trên môi trường mạng và điện thoại. Theo chuyên gia thông tin, năm 2022, Việt Nam đã ghi nhận 12.935 trường hợp lừa đảo trực tuyến, trong đó chiếm đoạt tài khoản online  chiếm 11,4%; giả mạo thương hiệu chiếm 72,6%; các hình thức kết hợp (việc làm online, lừa đảo tình cảm, app cho vay,…) chiếm 16%. Cũng trong năm 2022, 2022, các nhà mạng đã ngăn chặn hơn 600 triệu tin nhắn rác, lừa đảo (tăng 45% năm 2021), đã chặn/khóa hơn 200 nghìn thuê bao thực hiện các cuộc gọi rác, tin nhắn rác (spam call).

Trước thực trạng đó, hội viên nông dân cần nâng cao nhận thức khi thực hiện những giao dịch trên mạng xã hội. Chuyên gia cũng đưa ra 5 dấu hiệu nhận biết lừa đảo giúp các đại biểu tuyên truyền sâu rộng cho hội viên nông dân tại địa phương. “Chúng tôi được hướng dẫn cách nhận biết các dấu hiệu lừa đảo trên mạng xã hội và 3 “nguyên tắc vàng” để phát hiện ra trò lừa đảo. Chúng tôi sẽ hướng dẫn bà con thực hiện cú pháp đăng ký số điện thoại vào Danh sách không nhận bất kỳ tin nhắn hoặc cuộc gọi không mong muốn nào và cách thức phản ánh cuộc gọi rác, tin nhắn rác (lừa đảo) theo hướng dẫn” - ông Phạm Văn Tường, Chi hội trưởng Hội Nông dân xóm 2, xã Nghĩa Hải cho biết.

Chuyên gia cũng hướng dẫn cách thực hiện ngay các bước nếu người dân đã bị lừa đảo, đó là: Không tiếp tục gửi tiền và chặn tất cả các liên lạc từ kẻ lừa đảo; Liên hệ ngay lập tức với ngân hàng và tổ chức tài chính để báo cáo lừa đảo và yêu cầu họ dừng mọi giao dịch; Thu thập và lưu lại bằng chứng, làm đơn tố giác gửi tới cơ quan chức năng như: Công an địa phương; Phòng An ninh mạng – C.A tỉnh; Cục ATTT Bộ TT&TT; Tổng đài 156…); Cảnh báo cho gia đình và bạn bè về trò lừa đảo này để họ có thể đề phòng những trò lừa đảo tiếp theo có thể xảy ra.

Lê Thị Dịu - Trưởng Ban Xây dựng Hội, Hội Nông dân tỉnh tập huấn nghiệp vụ công tác xây dựng tổ chức Hội.

Tại hội nghị, bà Lê Thị Dịu- Trưởng Ban Xây dựng Hội, Hội Nông dân tỉnh Nam Định đã trình bày, trao đổi về các chuyên đề nghiệp vụ công tác xây dựng tổ chức Hội gồm các chức năng, nhiệm vụ và các giải pháp để xây dựng Hội vững mạnh. “Hội nghị cũng là dịp để các đại biểu Chi hội các xã, TT học hỏi, trao đổi chia sẻ những cách làm tốt; nêu những khó khăn vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ. Thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh Nam Định sẽ phối hợp với các ban ngành liên quan tiếp tục triển khai việc sử dụng chuyển đổi số trong sản xuất và đời sống tại các huyện Trực Ninh, Giao Thủy, Vụ Bản, Mỹ Lộc với tổng số 720 cán bộ, hội viên tham gia” – Bà Lê Thị Dịu cho biết.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác