Du lịch cộng đồng thúc đẩy phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới ở bản Hoa Tiến
Vừa qua, đoàn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn do ông Trần Thanh Nam – Thứ trưởng Bộ NN&PTNT làm trưởng đoàn đã thực hiện việc khảo sát thực trạng phát triển mô hình du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới tại bản Hoa Tiến (xã Châu Tiến, Quỳ Châu).
Cùng đoàn có bà Trịnh Thị Thủy - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Về phía tỉnh Nghệ An có đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng Điều phối Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới tỉnh và lãnh đạo, các phòng, ban huyện Quỳ Châu.
Du lịch cộng đồng giải quyết nhiều tiêu chí xây dựng Nông thôn mới
Quá trình phát triển du lịch cộng đồng tại bản Hoa Tiến vẫn còn nhiều khó khăn như: Hạ tầng tuy được đầu tư nhưng chưa đáp ứng yêu cầu của một điểm du lịch; Kinh phí duy tu, bảo dưỡng những ngôi nhà với kiến trúc đặc trưng của người Thái rất tốn kém, vật liệu chính là gỗ trong khi nguồn nguyên liệu gỗ ngày một hiếm. Xu thế phát triển ngày càng hiện đại, đời sống người dân ngày càng được nâng lên, việc thay nhà sàn, nhà gỗ bằng nhà xây mới đang có nguy cơ phá vỡ không gian kiến trúc chung của Bản Du lịch cộng đồng… Vì thế, để bảo tồn được những căn nhà ở có mái theo phong cách dân bản của người Thái là một trong những vấn đề khó khăn.
Tuy nhiên, xét về mặt tổng thể việc xây dựng du lịch cộng đồng phát triển đúng hướng sẽ mang lại nhiều giá trị tích cực và tương hỗ nhiều tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới. Biểu hiện rõ nhất là đời sống người dân được nâng lên cả về kinh tế và văn hóa, vai trò người phụ nữ ngày một được khẳng định. Cùng với đó là giải quyết việc làm cho lao động nông thôn lúc nhàn rỗi…
Một trong những vấn đề mà du lịch cộng đồng mang lại thiết thực nhất hiện nay là khi lượng du khách đến tham quan lớn thì đồng nghĩa với việc văn hóa, ẩm thực, đặc sản của địa phương được lan tỏa. Từ đó, những sản vật do người dân làm ra sẽ được tiêu thụ dễ dàng góp phần không nhỏ trong việc kết nối tiêu thụ nông sản cho bà con. Để phục vụ khách du lịch khi đến với Quỳ Châu, huyện đã có những đề án khôi phục và phát triển giống vịt bầu – vốn được xem là đặc sản trứ danh của vùng. Từ đó, vừa xây dựng thương hiệu vịt bầu vừa tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân trên địa bàn.
Cũng nhờ làm du lịch cộng đồng mà nay người dân bản Hoa Tiến nói riêng, một số địa phương trên địa bàn huyện Quỳ Châu nói chung đã chủ động, đổi mới cả tư duy và cách làm, không ngừng học hỏi, lao động miệt mài với mong muốn làm mới mình nhằm phục vu du khách một cách tốt nhất, hướng đến du lịch cộng đồng tương hỗ với phong trào xây dựng nông thôn mới của địa phương. Từ những yếu tố đó mà bản Hoa Tiến là một trong những bản cán đích nông thôn mới sớm trên địa bàn huyện vào năm 2017.
"Để du lịch cộng đồng bản Hoa Tiến ngày một phát triển, huyện tập trung quy hoạch xây dựng nông thôn mới xã Châu Tiến và mới đây bản quy hoạch phân khu xây dựng Khu du lịch cộng đồng bản Hoa Tiến (tỷ lệ 1/2.000) đã được phê duyệt là tiền đề để huyện có định hướng đầu tư đúng đắn, phù hợp nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị tài nguyên và thúc đẩy phát triển du lịch, tạo thêm việc làm, nâng cao đời sống người dân, đem lại lợi ích kinh tế cho cộng đồng, người dân; đồng thời làm cơ sở cho việc quản lý, khai thác tài nguyên, phát triển du lịch đúng hướng, bền vững gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao”, ông Lê Hải Lý – Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu chia sẻ.
Bản Hoa Tiến – tiềm năng du lịch cộng đồng
Hoa Tiến là bản chủ yếu đồng bào dân tộc Thái sinh sống với gần 390 hộ dân, trong đó có hơn 300 ngôi nhà sàn, được duy trì theo kiến trúc truyền thống của đồng bào Thái miền Tây Nghệ An. Là bản được thiên nhiên ưu đãi về vẻ đẹp của tạo hóa và vị trí địa lí khá gần với trung tâm huyện nên việc phát triển du lịch cộng đồng càng có nhiều lợi thế. Hơn nữa, Hoa Tiến có 2 HTX dệt thổ cẩm truyền thống, 1 HTX Du lịch cộng đồng, bản có 09 hộ tham gia xây dựng mô hình Homestay.
Trong thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), bản Hoa Tiến có 02 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận, gồm: Sản phẩm thổ cẩm Hoa Tiến đạt chuẩn 4 sao và Du lịch cộng đồng bản Hoa Tiến đạt chuẩn 3 sao.
Có thể nói, việc xây dựng và phát triển du lịch cộng đồng ở bản Hoa Tiến đã góp phần không nhỏ trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của đồng bào các dân tộc; không gian kiến trúc của làng Thái cổ Hoa Tiến được đảm bảo.
Du lịch cộng đồng ở Hoa Tiến với đa dạng các hoạt động để du khách được trải nghiệm thực tế như: các công đoạn của thêu, dệt thổ cẩm truyền thống; cùng hòa mình vào đời sống sinh hoạt, tập quán sản xuất nông nghiệp với người dân bản địa, như: Trồng lúa, trồng dâu, thăm guồng nước, chèo bè, chài lưới…; khám phá Hang Bua, thăm đền Chiêng Ngam; chế biến, thưởng thức các món ăn ẩm thực đậm đà bản sắc của đồng bào Thái Quỳ Châu; giao lưu văn hóa, văn nghệ cùng các nghệ nhân với các điệu Suối, lăm, cồng chiêng, khắc luống, múa lăm vông, nhảy sạp, vui hội rượu cần...
Tại buổi làm việc với đoàn, lãnh đạo huyện Quỳ Châu đề xuất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch và các ngành liên quan về những cơ chế đặc thù hỗ trợ phát triển Du lịch cộng đồng gắn với nông thôn mới đối với các địa bàn miền núi như bản Hoa Tiến. Cụ thể: Hỗ trợ đầu tư xây dựng điểm sinh hoạt cộng đồng, bãi đỗ xe, các trò chơi dân gian; đầu tư xây dựng nhà tiếp đón và trưng bày các sản phẩm, sản vật địa phương; Hỗ trợ định kỳ chi phí duy tu, bảo dưỡng, bảo tồn kiến trúc nhà sàn cổ, câu lạc bộ bảo tồn văn hóa Thái; hỗ trợ duy trì hệ thống cọn nước (guồng nước) phục vụ sản xuất nông nghiệp và trải nghiệm du lịch…
Huyện Quỳ Châu cũng kiến nghị thời gian tới, Sở Du lịch cần quan tâm hỗ trợ tập huấn, đào tạo kỹ năng, tay nghề cho lao động ngành Du lịch của huyện; hỗ trợ xúc tiến đầu tư, quảng bá tiềm năng du lịch Quỳ Châu.