Nông nghiệp

Bảo hiểm chỉ số - công cụ bảo vệ nông nghiệp trước rủi ro của thời tiết

Vân Nguyễn - 17:48 29/05/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Chiều 28/5, tại TP. Hồ chí Minh, Lãnh sự quán Australia tại TP. Hồ Chí Minh đã công bố Báo cáo Nông nghiệp chống chịu thời tiết tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Báo cáo do Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT) phối hợp với các đơn vị thực hiện. Nghiên cứu này nằm trong khuôn khổ sáng kiến Chương trình Đối tác Kinh doanh (Business Partnership Platform), góp phần giải quyết các thách thức của ĐBSCL thông qua việc thúc đẩy các giải pháp bảo hiểm chỉ số phù hợp với nhu cầu của người nông dân.

Theo đó, ĐBSCL là khu vực đặc biệt quan trọng đối với nền nông nghiệp của Việt Nam, tạo sinh kế cho hơn 20 triệu người dân với ước tính tổng giá trị sản xuất lên tới 16,1 tỷ USD mỗi năm. Tuy nhiên, khu vực này đang phải đối mặt với những rủi ro khí hậu nghiêm trọng, bao gồm lượng mưa thất thường, nhiệt độ tăng cao, hạn hán và xâm nhập mặn.

Hiện nay, chưa đến một nửa hoạt động sản xuất nông nghiệp của khu vực ĐBSCL có khả năng chống chịu trước các hiện tượng khí hậu đang biến đổi, gồm hoạt động của ngành cá, canh tác trong nhà màng, nhà kính, và hoạt động tưới tiêu tại các vùng cách biển trong mùa khô. Vì vậy, hoạt động sản xuất nông nghiệp tại ĐBSCL cần có cung cụ để bảo vệ.

Khoảng 40% tổng giá trị sản xuất của ĐBSCL, tương đương với 6,8 tỷ USD có thể được bảo vệ bằng bảo hiểm chỉ số. Ảnh: ĐVCC

Báo cáo nghiên cứu đã chỉ ra sản phẩm bảo hiểm chỉ số rất phù hợp để giảm thiểu các rủi ro khí hậu này thông qua kích hoạt hệ thống tự động chi trả, khi các chỉ số về lượng mưa hay nhiệt độ vượt ngưỡng, mà không phải mất thời gian đánh giá thiệt hại. Cách thức này cho phép nông dân và người nuôi trồng thủy sản được đền bù để phục hồi sản xuất ngay sau thiên tai.

Theo báo cáo, lúa gạo, xoài, sầu riêng và tôm là những mặt hàng ưu tiên cho bảo hiểm chỉ số, đồng thời nêu rõ các rủi ro khí hậu cụ thể và giai đoạn cần bảo hiểm cho từng mặt hàng.

Ông Dale Schilling, Giám đốc Công ty Hillridge cho biết: Bảo hiểm chỉ số kích hoạt các khoản thanh toán tự động dựa trên các kịch bản đã được xác định trước liên quan đến các thông số cụ thể về thời tiết hoặc khí hậu, phù hợp với các hình thái khí hậu ngày càng khó lường của ĐBSCL. Mức độ sẵn sàng về công nghệ trong khu vực, thể hiện qua tỷ lệ cao trong truy cập internet và sử dụng điện thoại thông minh của nông dân, là yếu tố then chốt thúc đẩy ứng dụng các giải pháp bảo hiểm kỹ thuật số.

Hiện nay, Hillridge và MSIG Việt Nam đã phát hành trên 200 hợp đồng bảo hiểm cho người trồng cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên. Khoảng 40% tổng giá trị sản xuất của ĐBSCL, tương đương với 6,8 tỷ USD có thể được bảo vệ bằng bảo hiểm chỉ số cho những người nông dân vùng ĐBSCL.

Ông Dominic Balasuriya, Cố vấn Kinh tế, Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT) cho biết: Thế giới ngày càng quan tâm hơn, nghiên cứu kỹ hơn không chỉ vấn đề giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu mà còn tìm ra những giải pháp làm sao để thích ứng, ứng phó được. Chính phủ Úc đã có một chính sách phát triển mới được phát hành và công bố vào năm 2023, xác định biến đổi khí hậu và bình đẳng giới là trọng tâm của mọi chiến lược trong thời gian tới. Chúng tôi đang tìm kiếm những công nghệ mới như các giải pháp mang tính thương mại để có thể hỗ trợ nhà nông nhỏ, địa phương có thể chuyển dịch trong thế giới này, ứng phó với những tác động của biến đổi khí hậu tiến đến phát thải ròng bằng 0, đây là yếu tố tất yếu.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác