Kiểm soát chặt tiền chất, không để tội phạm lợi dụng sản xuất ma túy
Theo báo cáo của Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm Liên Hợp Quốc (UNODC) và các quốc gia, các tổ chức quốc tế, thị trường ma túy và tiền chất bất hợp pháp trong khu vực Đông Nam Á đang gia tăng nhanh chóng. "Tam giác vàng" vẫn là địa bàn sản xuất ma túy tổng hợp lớn nhất cung cấp cho cả khu vực và thế giới.
Tình hình thất thoát trong sản xuất và mua bán tiền chất để sản xuất ma túy tổng hợp tiếp tục gia tăng, đáng quan ngại và khó kiểm soát. Sự xuất hiện các tiền chất thay thế mới được sử dụng sản xuất ma túy tổng hợp với phương thức, thủ đoạn tinh vi xảo quyệt, hoạt động có tổ chức, thường xuyên thay đổi địa bàn hoạt động, gây khó khăn cho các cơ quan trong phát hiện, điều tra, xử lý.
Tại Việt Nam, công tác kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy nhằm phục vụ phát triển kinh tế-xã hội vẫn diễn ra sôi động, nhu cầu sử dụng tiền chất trong lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và y tế tăng, trong khi số lượng các công ty, đơn vị kinh doanh tiền chất, thuốc và nguyên liệu làm thuốc phải kiểm soát đặc biệt và thuốc thú y giữ tương đối ổn định dù bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Hiện nay, pháp luật Việt Nam đã có hệ thống các quy định về kiểm soát đối với công tác này và đưa vào danh mục quản lý 557 chất ma túy, chất gây nghiện, chất hướng thần và 60 tiền chất để bảo đảm cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường.
Trong đó, Luật phòng, chống ma túy năm 2021 dành riêng Chương III quy định về công tác kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy với các điều luật bám sát tình hình thực tế và quy định trách nhiệm của các bộ, ngành, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trong phối hợp kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy.
Theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan và chức năng, nhiệm vụ của các ngành, hiện nay có 6 cơ quan chức năng thực hiện nhiệm vụ kiểm soát và phối hợp kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy, bao gồm: Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an), Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), Cục Hóa chất (Bộ Công Thương), Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Cục Quân y (Bộ Quốc phòng), Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính).
Đại diện Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) cho biết, hiện nay, có hơn 600 doanh nghiệp nhập khẩu và hơn 100 doanh nghiệp xuất khẩu có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu tiền chất. Trong đó, doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ là hơn 70 doanh nghiệp.
Các mặt hàng có chứa tiền chất được doanh nghiệp thực hiện xuất nhập khẩu qua địa bàn hải quan chủ yếu là: Sulfuric acid, mek, toluene, acetone, acetic acid, Piperonal*, Formic Acid, Potassium permanganate, Hydrochloric acid, Gamma-butyro lactone (GBL); Ethyl ether, Formamide, Benzaldehyde, Tartaric acid,…
Cơ quan Hải quan đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với một số doanh nghiệp liên quan đến vi phạm về nhập khẩu hàng hoá không có giấy phép; huỷ tờ khai, đăng ký tờ khai thay thế theo Giấy phép; doanh nghiệp mở tờ khai trước khi có giấy phép nhập khẩu.
Thời gian qua, Tổng cục Hải quan đã triển khai nhiều kế hoạch, hoạt động triển khai nhiệm vụ phối hợp kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy của cơ quan Hải quan. Trong đó, đã tham mưu UBQG phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm và Bộ Tài chính chỉ đạo toàn ngành Hải quan về công tác kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy.
Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan là thành viên của Tổ Công tác liên ngành trung ương, thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ được giao của cơ quan Hải quan và theo phân công của Tổ trưởng Tổ Công tác liên ngành trung ương tại các Kế hoạch thường niên của Tổ Công tác liên ngành kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy. Phối hợp thống kê, báo cáo, trao đổi số liệu, dữ liệu, thông tin liên quan về hóa chất, tiền chất theo quy định pháp luật, quy trình nghiệp vụ và chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành, cơ quan chức năng. Từ đó, có cơ sở phối hợp với các thành viên (đại diện của các bộ ngành) thuộc Tổ Công tác liên ngành trung ương theo dõi, kiểm soát việc các hoạt động sản xuất, phân phối, sử dụng tiền chất trong nước và các hoạt động xuất nhập khẩu các chất ma túy, tiền chất.
Bên cạnh đó, Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan đã phối hợp với Tổ Công tác liên ngành Trung ương về phối hợp kiểm soát các hoạt đông hợp pháp liên quan đến ma túy như xây dựng các Kế hoạch và tham gia triển khai các chương trình kiểm tra, giám sát về hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy năm 2023; tham dự hội nghị triển khai hoạt động của Tổ Công tác liên ngành phối hợp kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy cấp trung ương tháng 4/2023 do Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04) - Bộ Công an -thường trực Tổ Công tác liên ngành Trung ương chủ trì.
Đồng thời Tổng cục Hải quan đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị thuộc và trực thuộc để thực hiện thống nhất, hiệu quả việc kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy.
Ngoài ra, cơ quan Hải quan tiếp tục tham gia tích cực vào các chương trình, chiến dịch tăng cường kiểm soát, trao đổi thông tin, nâng cao nhận thức, kiến thức liên quan về kiểm soát tiền chất, các chất nguy hiểm do UNODC điều phối.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan công tác phối hợp trong kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy về cơ bản mới dừng lại ở mức kiểm soát ở khâu xuất nhập khẩu, do vậy, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác kiểm soát trong nội địa.
Lĩnh vực tiền chất ma tuý và công tác kiểm soát tiền chất có tính chuyên môn tương đối cao; đồng thời, hệ thống văn bản quy định về lĩnh vực này khá lớn và phức tạp. Yêu cầu và thực tiễn đó cũng tạo nên những thách thức không nhỏ đối với lực lượng Hải quan trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phối hợp kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma tuý.
Hơn nữa, một bộ phận doanh nghiệp chưa nắm được đầy đủ, kịp thời các văn bản pháp luật quản lý các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy; dẫn đến việc khai báo, chấp hành pháp luật của các doanh nghiệp còn tồn tại nhiều vấn đề, thiếu sót.
Theo Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan, các bộ, ngành, cơ quan chức năng cần phối hợp xây dựng, triển khai được phương án, chương trình, kế hoạch phù hợp, khả thi nhằm quản lý, giám sát chặt chẽ, có hiệu quả hoạt động sử dụng, tiêu hao, tồn đọng tiền chất ma tuý, qua đó, kiểm soát, ngăn chặn, giảm thiểu được nguy cơ tội phạm về ma tuý lợi dụng sử dụng tiền chất ma tuý nhập khẩu hợp pháp để điều chế, sản xuất ma tuý tổng hợp bất hợp pháp.
Bên cạnh sự quản lý của các bộ, ngành ở Trung ương còn cần sự kiểm tra, giám sát của các đơn vị địa phương và đặc biệt cần sự chấp hành nghiêm túc quy định pháp luật của các doanh nghiệp có liên quan nhằm hạn chế tối đa sự thất thoát ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc thú y có chứa chất ma tuý, tiền chất và đặc biệt là tiền chất vào mục đích sản xuất trái phép chất ma túy mà vẫn đảm bảo môi trường sản xuất, kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Theo Chinhphu.vn