Nhà nông cần biết

Làm rõ một số khái niệm pháp lý trong dự thảo Luật Phòng chống mua, bán người (sửa đổi)

Minh Tú - 06:42 23/10/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Ngày 22/10, theo Nghị trình Kỳ hop thứ 8, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người, đồng thời thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau, cũng như làm rõ một số khái niệm pháp lý của dự thảo Luật này.

Báo cáo trước Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, UBTVQH nhận thấy, khái niệm mua bán người trong dự thảo Luật cơ bản đã bảo đảm tính thống nhất, tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, phúc đáp yêu cầu thực tiễn trong đấu tranh phòng, chống mua bán người (PCMBN), bảo đảm tiệm cận với các điều ước quốc tế về PCMBN mà Việt Nam là thành viên (sau đây gọi chung các các điều ước quốc tế) như Nghị định thư Palermo, Công ước ACTIP. Tuy nhiên, qua rà soát cho thấy vẫn còn có nội dung của khái niệm mua bán người chưa thực sự thống nhất với một số quy định của pháp luật hiện hành. Do đó, để bảo đảm thống nhất với quy định của Bộ luật hình sự (BLHS), Luật Nuôi con nuôi và bảo đảm phù hợp với thực tế, UBTVQH đề nghị chỉnh lý lại như trong dự thảo Luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga báo cáo trước Quốc hội

Một trong số ý kiến đề nghị bổ sung hành vi “thỏa thuận mua bán người từ khi còn đang là bào thai” vào khái niệm mua bán người tại khoản 1 Điều 2 làm cơ sở đấu tranh phòng, chống hiệu quả thực trạng thỏa thuận mua bán người khi còn đang là bào thai; có ý kiến băn khoăn thực tiễn hiện nay đã xảy ra tình trạng thỏa thuận mua bán bào thai trong bụng mẹ nhưng để nhằm nuôi dưỡng đứa trẻ sau khi sinh thì trường hợp này có phải là mua bán người hay không?

Trả lời ý kiến các Đại biểu Quốc hội, UBTVQH báo cáo: Qua rà soát quy định của pháp luật liên quan, trong một số trường hợp quyền dân sự chỉ có thể được xác lập sau khi một người được sinh ra và còn sống; theo quy định của BLHS thì việc phạm tội đối với phụ nữ mang thai chỉ bị coi là tình tiết tăng nặng mà không bị coi là phạm tội đối với nhiều người. Như vậy, về mặt pháp lý chỉ được coi là người khi được sinh ra và còn sống. Theo y học thì bào thai cũng chưa được xác định là con người.

Khoản 1 Điều 2 của dự thảo Luật quy định khái niệm về mua bán người, trong khi bào thai chưa được xác định là con người như trên đã phân tích nên UBTVQH cho rằng việc quy định mua bán bào thai trong khái niệm mua bán người là không phù hợp.

Tuy nhiên, những năm qua, tình trạng mua bán bào thai nhằm mục đích mua bán đứa trẻ sau khi được sinh ra đang là thực tế đáng lo ngại. Việc thỏa thuận mua bán này thực chất là tiền đề của hành vi mua bán người (mua bán người từ giai đoạn còn đang là bào thai), nhưng việc xử lý hành vi này lại chưa được pháp luật điều chỉnh. Trước yêu cầu nâng cao hiệu quả các biện pháp PCMBN từ sớm, từ xa; đồng thời, tạo cơ sở pháp lý để tiếp tục hoàn thiện pháp luật về xử lý hành vi xâm phạm liên quan đến phụ nữ, trẻ em, tiếp thu ý kiến ĐBQH, khoản 2 Điều 3 dự thảo Luật đã quy định hành vi nghiêm cấm “thỏa thuận mua bán người từ khi còn đang là bào thai”.

Dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) đã được Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024) vừa qua. . Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp này gồm 8 chương và 65 điều (giảm 01 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội, trong đó bỏ các điều 34, 56, 58, 59; bổ sung các điều 21, 40 và 64; sửa đổi 63 điều, giữ nguyên 02 điều).

Về giải cứu, tiếp nhận, xác minh nạn nhân đang ở nước ngoài tại Điều 29, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh cho rằng, quy định tại khoản 3 Điều này của dự thảo Luật có nhiều quy định bất cập, đây là trường hợp nạn nhân đang ở nước ngoài được cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tiếp nhận, do đó việc xác minh và các bước tiếp theo sẽ được thực hiện theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 29. Trong trường hợp chưa đủ căn cứ cấp một giấy tờ, các tài liệu theo quy định tại khoản 1 Điều 33 của luật này như quy định tại khoản 3 Điều 29 thì giải pháp tiếp theo là làm các thủ tục để đưa các nạn nhân này về nước, không nhất thiết cần đề nghị và chờ các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam xác minh theo quy định tại khoản 1, 2, 3 Điều 27 của luật này.

Đại biểu Quốc hội Trịnh Thị Tú Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng phát biểu

Do đó, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh nêu rõ, khoản 3 Điều 29 có thể viết lại thành: “3. Trường hợp chưa đủ căn cứ cấp một trong các giấy tờ, tài liệu theo quy định tại khoản 1 Điều 33 của luật này thì cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thực hiện các biện pháp bảo hộ công dân theo quy định của pháp luật và phối hợp để đưa các nạn nhân này về nước để các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam xác minh theo quy định tại Điều 30 của luật này”.

Cũng trong nội dung thảo luận chiều nay, UBTVQH  cũng đã tiếp thu, ghi nhận và điều chỉnh theo ý kiến của các ĐBQH như ý kiến đối với quy định về chính sách của Nhà nước về phòng, chống mua bán người (Điều 5), bà Lê Thị Nga cho biết, một số ý kiến ĐBQH đề nghị ưu tiên bố trí ngân sách cho những vùng có tình hình mua bán người xảy ra nghiêm trọng, phức tạp và khu vực biên giới. Tiếp thu ý kiến ĐBQH, khoản 6 Điều 5 của dự thảo Luật đã được bổ sung nội dung “địa bàn có tình hình mua bán người diễn biến phức tạp”.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác