Kiên Giang lần đầu kết nối giới thiệu sản phẩm Ocop đến người tiêu dùng
Ông Đỗ Trần Thịnh, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang cho biết, đây là một trong những giải pháp quan trọng nhằm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, với mục tiêu khơi dậy tiềm năng, lợi thế các địa phương, cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và du lịch thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững nhằm nâng cao thu nhập cho người dân; bảo tồn các giá trị văn hóa, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường ở nông thôn.
Chương trình Ocop khuyến khích, hỗ trợ các đối tượng sản xuất, kinh doanh ở nông thôn khai thác tiềm năng về đất đai, sản vật, vùng nguyên liệu, lợi thế so sánh, phát huy vai trò của cộng đồng, giá trị truyền thống để thúc đẩy tổ chức sản xuất, mở rộng thị trường, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm đặc sản, truyền thống và có lợi thế ở từng nơi; khuyến khích phát triển kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân và thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, sáng tạo ở nông thôn.
Thời gian qua, việc triển khai Chương trình Ocop của tỉnh đạt nhiều kết quả quan trọng, tuy nhiên vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức ở các khâu, trong đó có khâu quảng bá, kết nối tiêu thụ và phát triển thị trường.
Ông Giang Thanh Khoa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang nêu rõ, Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang khai trương cửa hàng giới thiệu sản phẩm Ocop Kiên Giang không chỉ là mốc quan trọng trong hoạt động của Hội Nông dân tỉnh mà còn là cầu nối giúp các sản phẩm đặc sản của địa phương tiếp cận nhiều hơn với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, từng bước mở rộng ra thị trường quốc tế. Các sản phẩm Ocop không chỉ phản ánh sự sáng tạo, tâm huyết của người dân, niềm tự hào của mỗi địa phương mà còn bảo tồn, phát triển các giá trị tinh hoa văn hóa riêng độc đáo, góp phần nâng cao đời sống của người dân.
Trong những năm qua, Tỉnh ủy Kiên Giang đã chỉ đạo UBND các cấp, sở, ban, ngành, đoàn thể tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm Ocop; sản phẩm đặc trưng, lợi thế của địa phương đến người tiêu dùng trong và ngoài nước thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, sàn thương mại điện tử, hệ thống siêu thị, cửa hàng giới thiệu sản phẩm Ocop và khuyến khích các tổ chức, cá nhân sử dụng sản phẩm Ocop làm quà tặng trong dịp lễ, Tết. Đến nay, toàn tỉnh có 269 sản phẩm, trong đó có 06 sản phẩm Ocop đạt hạng 5 sao, 36 sản phẩm đạt hạng 4 sao, 227 sản phẩm đạt hạng 3 sao, có hơn 130 chủ thể. Với sự đa dạng về sản phẩm và chất lượng, các sản phẩm Ocop của tỉnh có tiềm năng lớn để thương mại hóa và tiếp cận sâu rộng các thị trường.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cũng đề nghị trong thời gian tới, cần tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông, nâng cao nhận thức và tạo sự đồng thuận cho người dân khi triển khai; cổ vũ những mô hình tốt, cách làm hay, những gương điển hình tiên tiến về phát triển sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của tỉnh. Đặc biệt là có ít nhất 30% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại (hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi; sàn giao dịch thương mại điện tử;…); khuyến khích mỗi huyện, thành phố có ít nhất 1 điểm giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP.
- Hội chợ dược liệu 2024: Tiềm năng trường còn rất lớn đối với vùng nguyên liệu dược
- Thanh Hoá: Tập huấn nghiệp vụ phòng, chống tội phạm cho cán bộ, hội viên nông dân
- Nghệ An: Phát huy vai trò của Hội Nông dân trong xây dựng nông thôn mới
- Nhiều hoạt động sôi nổi kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam tại các trường đào tạo của Hội Nông dân Việt Nam