Nhà nông với khoa học, kỹ thuật

Kinh nghiệm trồng sen của Nông dân đạt danh hiệu Nhà Khoa học của Nhà nông

Minh Anh - 08:05 24/07/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) Tỉnh Thừa Thiên – Huế là vùng đất nổi tiếng trồng nhiều sen. Nhiều nông dân ở đây đã chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng sen nuôi cá cho hiệu quả kinh tế cao.

Ông Trương Duy Hoà (sn 1964), hội viên Hội Nông dân thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế đã gắn bó 20 năm với nghề trồng sen, năm 2022 ông đã được tôn vinh Nhà khoa học của nhà nông với đề tài trồng sen lấy hạt. Mỗi năm gia đình ông Hòa thu về hơn 400 triệu đồng từ việc thu hoạch 3ha sen.

Ông Trương Duy Hòa (tổ dân phố Khánh Mỹ, thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế) với mô hình trồng sen cho hiệu quả kinh tế cao

Ông Hòa chia sẻ: "Sen là một loại cây rất mẫn cảm, do đó phải tốn công chăm sóc, đầu tư mới cho lại hiệu quả kinh tế cao, nếu biết cách làm, việc trồng sen sẽ cho hiểu quả gấp 5 đến 6 lần so với trồng lúa".

Hiện nay gia đình ông Hòa có 3ha đầm trồng sen. Sau khi thu hoạch vụ đại trà, ông tiếp tục chăm sóc để sen tiếp tục phát triển lứa phụ, gọi là sen tái sinh. 

Theo ông Hoà, những năm gần đây, do khí hậu thất thường, cây sen hay bị mắc một số bệnh dịch ảnh hưởng đến sản lượng nhưng riêng với diện tích sen hồng Huế của ông thì luôn trong trạng thái phát triển tốt, ít sâu bệnh, sản lượng cao. Có được như vậy là nhờ kinh nghiệm phong phú của ông tích lũy sau mỗi vụ sen.

Được biết trước đây, ông đã phải mất mấy tháng trời ăn ngủ, sinh hoạt ngay tại đầm sen của gia đình để tìm hiểu nguyên nhân cây sen bị thối rữa và tìm cách chữa trị cho cây sen. Sau nhiều tháng ròng rã lội đầm, ông Hoà cũng phát hiện ra cây sen mắc bệnh nấm. Qua nhiều vụ trồng, bản thân ông đã cố gắng tìm hiểu, học hỏi để tìm ra cách trị nấm bệnh trên cây sen đều bất thành. Lúc đó vấn đề nấm xuất hiện trên cây sen là điều nan giải cho toàn bộ nông dân trồng sen ở Thừa Thiên- Huế, đã có nhiệu hộ đành chịu bỏ ruộng do chưa có phương pháp điều trị.

Được sự tư vấn của các nhà khoa học và các nhà sản xuất thuốc bảo vệ thực vật, ông Hoà mới biết đây là loại nấm thán thư rất khó điều trị. Qua nhiều năm kinh nghiệm khi trên chân ruộng sen bị nhiễm nấm ông Hoà đã tiến hành các bước để trị nấm và đem đến kết quả rất tốt cho diện tích trồng sen của gia đình và nông dân trồng sen. Nhờ kinh nghiệm của ông mà nhiều nông dân trong vùng hay các tỉnh thành khác cũng đến tìm ông để học hỏi cách chữa bệnh cho cây sen.

Theo ông chia sẻ kinh nghiệm trồng sen đạt hiệu quả cần phải làm các bước sau:

1. Chọn ruộng:

 Cây sen là loại cây nông nghiệp sống ở dưới nước, từ khi trồng cho đến khi thu hoạch. Nông dân nên tận dụng các chân ruộng trũng, hồ ao và đầm lầy để trồng sen. Ruộng có mặt nước từ 0,5m đến 1m, độ bùn nhuyễn  từ 0,4 đến 1m, bùn dạng đất thịt nặng cho chất lượng hạt sen cao hơn bùn cát..

Ruộng cần cày xới tiến hành làm 2 bước. Bước 1, cày ải sau vụ thu hoạch, nên bón chế phẩm sinh học Nitroderma để hoai mục tạp chất và diệt vi khuẩn gây mầm bệnh. Bước 2. bón vôi bột, đồng thời cho máy lồng nhuyễn bùn để rễ sen phát triển tốt hơn.

2. Chọn giống và gieo cấy:

Về chọn giống phải có đủ 3 lá, giống có đường kính lá 20cm, có đủ các ngó sen, lá không bị dập nát, không sâu bệnh, giống hạt tròn, to. Trước lúc xuống giống phải xử lý giống bằng cách ngâm rễ qua thuốc xử lý RaisekPlut ít nhất 3 giờ đồng hồ.

Về mật độ gieo 25 mắt giống/500m2.

Lưu ý khi xuống giống cần giữ mặt nước sâu khoảng 0,3m để cây dễ phát triển.

Về thời gian gieo trồng vào khoảng giữa tháng Giêng âm lịch đến hết tháng 2 âm lịch hàng năm, do cây sen là loại cây nhiệt đới, thích nhiệt độ khoảng 300C -350C.

3Phân bón:

 Bón phân chia làm 4 lần. Lần 1, sau 15 ngày kể từ khi cấy giống, sen ra được khoảng 5-6 lá non nên bón thúc đẻ nhánh cục bộ, mỗi gốc 1 nắm tay phân NPK 16-16-8.

Lần 2, khoảng 20 ngày sau khi  bón phân lần 1, liều lượng trộn 50kg phân NPK 16-16-8 với 50kg phân Lân hạt Ninh Bình để bón cho 1 ha, bón khắp mặt ruộng.

Lần 3: Khi sen phủ gần kín mặt ruộng tiến hành giữ mực nước ổn định 0,5m. Sau lần 2 khoảng 20 ngày liều lượng bón giống lần 2.

Lần 4: Như bón đòng cho lúa, khi sen kín mặt ruộng và xuất hiện hoa rải rác thì bón với liều lượng trộn 50kg phân NPK 16-16-8 với 50kg phân Lân hạt Ninh Bình để bón cho 1ha, bón đều mặt nước.

Lưu ý trong các lần bón phân, tuyệt đối không để phân dính trên lá làm lá bị cháy, bón phân vào lúc chiều tối là tốt nhất.

4. Phòng trừ sâu bệnh:

Trong thời gian đầu, khi cấy giống do thời tiết còn ẩm thấp thường xuyên xuất hiện giòi đục lá (giống sâu vẽ bùa). Khi nhận thấy trên các lá non có những chấm đỏ ở tâm lá lan ra, cần phun thuốc sâu đừng để sâu lớn làm hỏng lá.

Trường hợp khi thấy lá sen màu hồng chuyển sang màu gạch rồi màu trắng quanh viền lá và lá sen bị khảm (chỉ các lá đang nằm trên mặt nước), lá sen bị rệp trắng loại này sẽ chích hút làm sen bị khô rễ rồi chết. Cần cắt bỏ các lá bị chính hút rồi tiến hành phun thuốc GOLDRA .

Cần thăm ruộng buổi sáng sớm để nhận biết sen có ổ sâu nở hay không, chú ý 2 loại sâu (sâu keo và sâu xanh). Khi nhận thấy trên lá sen có đọng sương một điểm cố định đó là ổ sâu mới nở, làm hỏng lớp diệp lục làm sương đọng trên lá. Cần diệt bằng tay tránh sâu nở lan rộng ra ruộng.

Để phòng bệnh lưu ý nếu chân ruộng được tiến hành cày xới đúng quy trình, cấy đúng mặt độ và bón phân hợp lý thì nấm bệnh ít xuất hiện, cần thăm ruộng thường xuyên, tránh cho các nguồn nước thải từ các khu dân cư tập trung vào ruộng để tránh nguồn nước ô nhiễm tạo điều kiện nấm bệnh xuất hiện.

5. Trị bệnh nấm ở cây sen:

Khi phát hiện vết bệnh trên cây như lá non úa màu lá như lá chuối non, thân bị teo lại một phần, chồi non bị thối một nửa hoặc hoàn toàn, đó là dấu hiệu ban đầu cho biết ruộng sen đã bị nhiễm nấm. Lúc này bước đầu tiên là cần tháo cạn nước trong ruộng sen để tạo độ ẩm phù hợp đồng thời thu gom các cây bị nấm bệnh đem ra xa ruộng phơi khô rồi đốt tránh lây lan.

 Bước 2 tiến hành xác định độ pH trong đất để xử lý bằng dung dịch trung hòa độ pH trong đất. Tiến hành phun REFIECTXTRA kèm sát khuẩn. Chu kỳ phun: 4-5 ngày /lần.

Sau 3 lần phun thấy sen có chiều hướng phát triển, tỷ lệ nấm bệnh còn thấp, cho nước vào ruộng khoảng 20cm đến 3 ngày tiến hành tháo cạn nước và tiến hành phun thuốc lần 4; 3 ngày sau cho nước vào, đúng 7 ngày phun loại thuốc trị nấm Futop + sát khuẩn lạnh.

 Đúng 7 ngày sau khi phun thuốc không thấy lá bệnh xuất hiện và các lá non phát triển mạnh, lúc này tiến hành bón phân với liều lượng rất thấp mục đích cho cây hấp thụ và có sức phát triển trở lại bình thường. Tiến hành bón phân theo quy trình, tuyệt đối không bón phân đạm và U rê.

6. Thu hoạch:

Từ khi sen ra hoa đồng loạt đến khi thu hoạch là 30 ngày. Tiến hành thu xen kẽ 2 ngày/lần. Thu các bát có hạt vừa có độ chín, màu hạt có màu nâu nhạt. Thu bát đồng thời cắt lá cùng gốc bát để ruộng thoáng cây phát triển và ra hoa tiếp theo. Thời gian thu hoạch chính vụ là 45 ngày.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác