Làm giàu từ trồng măng tây xanh hữu cơ
Măng tây xanh sạch thu tiền tỷ
Cây măng tây xanh đã có mặt ở đồng đất Thái Bình được hơn chục năm nay nhưng chưa đem lại hiệu quả kinh tế, nhiều người đã trồng rồi phải bỏ do thiếu kiến thức trồng trọt cũng như khó khăn về thị trường.
Để giải “bài toán” măng tây xanh ở Thái Bình, ông Nguyễn Thành Trung đã tìm đến Học viện Nông nghiệp Việt Nam để học hỏi kinh nghiệm trồng và chăm sóc.
Bên canh đó, ông Trung cũng tự mình đi tìm hiểu thị trường đầu ra cho sản phẩm măng tây xanh ở các thành phố lớn như: Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình… Đúc rút kinh nghiệm từ những chuyến đi thực tế ông Trung khẳng định “Muốn bán được nông sản cho người tiêu dùng thì trước hết nông sản đó phải sạch và dùng được cho chính trong gia đình mình”.
Chính vì vậy khi bắt tay vào trồng măng tây xanh, ông Trung đã quyết định làm theo hướng hữu cơ, trong quá trình trồng tuyệt đối không sử dụng thuốc trừ sâu và phân bón hoá học. Nói là làm, năm 2018, gia đình ông Trung đã thuê lại 1,5ha đất ở xã Quỳnh Giao để khởi nghiệp với cây măng tây xanh.
Nhằm giảm công sức lao động ông Trung đã đầu tư máy móc, trang thiết bị trong việc cày bừa và đặc biệt là đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt cho toàn bộ diện tích trồng măng tây xanh.
Đất, cây không phụ công người, sau 8 tháng trồng cây măng tây xanh đã bắt đầu cho thu hoạch. Với việc trồng theo phương pháp hữu cơ măng tây xanh của gia đình ông Trung rất đắt hàng, làm ra đến đâu bán hết đến đó, được người tiêu dùng, các thương lái, nhà hàng, khách sạn ở Thái Bình, Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng đều đánh giá rất cao về chất lượng.
Với năng suất đạt 12 tấn măng/năm/ha, giá bán giao động từ 70.000 - 120.000 đồng/kg tuỳ loại. Phần ngọn măng được bán cho các thương lái, nhà hàng, khách sạn… các phần còn lại của cây măng tây xanh cũng được chế biến thành trà thảo dược. Mỗi năm gia đình ông Trung đã thu hơn 1 tỷ đồng từ cây măng tây xanh.
Tuân thủ đúng quy trình sản xuất hữu cơ
Ý thức được tầm quan trọng, ảnh hưởng tiêu cực của tồn dư phân hóa học, thuốc trừ sâu nếu sử dụng trong quá trình trồng măng tây xanh, chính vì vậy nên ngay từ khi bắt đầu trồng loại cây này ông Trung đã tuân thủ chặt chẽ phương pháp trồng theo phương pháp hữu cơ.
Từ khâu làm đất chuẩn bị đất trồng, ông Trung chỉ sử dụng vỏ trấu, phân trâu, phân bò kết hợp với bột men vi sinh, phân vi sinh (ủ từ 3 tháng trở lên) sau đó bón xuống luống để trồng.
Đối với khâu chăm sóc cây con đến khi thu hoạch, thông thường cứ sau 15 đến 20 ngày sẽ bón phân một lần (dịch trùn quế pha, đạm cá ủ, phân vi sinh) kết hợp phun chế phẩm sinh học để phòng trừ sâu bệnh và nấm bệnh. Sau 3 tháng thu hoạch sẽ xới đất để bổ sung phân ủ và cho cây nghỉ 1 tháng để phục hồi.
Điều quan trọng nhất trong việc trồng măng tây xanh là khâu chọn đất. Vì loài cây này khá kén đất trồng. Theo đó, người trồng măng tây xanh phải chọn loại đất có độ phì nhiêu, giàu mùn và phù sa.
Chia sẻ về kỹ thuật trồng măng tây xanh, ông Trung cho biết: Thời gian từ lúc ươm hạt cho đến lúc trồng là khoảng 3 tháng. Thông thường, sau gieo trong bầu đất từ 3-3,5 tháng, chiều cao cây đạt 25-30cm, thân có 1-2 nhánh, khỏe mạnh, không sâu bệnh gây hại thì đem trồng. Măng tây xanh gieo trồng tốt nhất vào cuối tháng 8 đến đầu tháng 9 rồi đem trồng tháng 2, tháng 3 và gieo cuối tháng 2 đến tháng 4 để trồng từ tháng 4 đến tháng 6 dương lịch.
Từ lúc trồng măng tây xanh đến khi cây cho thu hoạch mất thời gian là 8 tháng. Vì vậy ở giai đoạn này quy trình chăm sóc và bón phân rất kỹ lưỡng. Người trồng phải thường xuyên tưới nước cung cấp đủ độ ẩm cho đất để cây măng tây phát triển tốt.
Với việc áp dụng trồng măng tây xanh theo phương pháp hữu cơ không sử dụng thuốc hóa học, không chỉ giúp cho việc bán hàng được thuận lợi hơn mà chính những người sản xuất cũng được đảm bảo sức khoẻ.
Cùng nhau làm giàu trên quê hương
Nhận thấy hiệu quả từ mô hình trồng măng tây xanh của gia đình ông Trung, nhiều người ở trong và ngoài địa phương đã đến thăm quan và học hỏi kinh nghiệm ngỏ ý muốn trồng măng tây xanh để phát triển kinh tế.
Vì bà con nông dân vẫn chưa có được kiến thức về trồng và thị trường, chính vì vậy năm 2021 ông Trung cùng với 7 thành viên đã thành lập Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp hữu cơ Quỳnh Phụ vừa để hướng dẫn bà con trong trồng chăm sóc, vừa để tạo điều kiện thuận lợi trong việc bán hàng.
Từ khi có HTX, công việc của ông Trung ngày càng bận rộn hơn, ngoài việc phát triển diện tích măng tây xanh của gia đình ông còn luôn sẵn sàng hỗ trợ các thành viên về kỹ thuật sản xuất và bao tiêu sản phẩm.
Đến nay, HTX đã liên kết đầu tư, chuyển giao khoa học kỹ thuật, ký kết tiêu thụ sản phẩm cho 6 nhà vườn trồng măng tây của các hộ nông dân ở 4 huyện: Quỳnh Phụ, Vũ Thư, Hưng Hà, Đông Hưng.
Bà Nguyễn Thị Hoa ở xã Mê Linh (huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) cho biết: Được biết măng tây xanh là cây chỉ trồng 1 lần nhưng cho thu hoạch kéo dài 7-8 năm rất phù hợp với phát triển kinh tế hộ gia đình. Vì vậy sau khi liên kết với HTX Nông nghiệp hữu cơ Quỳnh Phụ để trồng măng tây xanh, gia đình đã thuê được gần 1ha ở xã để đầu tư trồng. Làm theo phương pháp hữu cơ của HTX tuy vất vả nhưng chúng tôi hoàn toàn yên tâm về chất lượng sản phẩm.
Toàn bộ sản phẩm măng tây xanh và trà măng tây xanh của HTX Nông nghiệp hữu cơ Quỳnh Phụ đã được Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Thái Bình cấp chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Đây là điều kiện rất quan trọng để HTX đưa sản phẩm của mình ra thị trường trong và ngoài tỉnh Thái Bình.
Là người tiêu dùng chị Hoàng Thị Phương - phường Trần Hưng Đạo (TP. Thái Bình, tỉnh Thái Bình) cho biết: Đã được thưởng thức món măng tây xanh ở nhiều nơi nhưng khi sử dụng sản phẩm măng tây xanh của HTX Nông nghiệp hữu cơ Quỳnh Phụ thấy có vị giòn và ngọt hơn so với các loại khác, tìm hiểu ra được biết sản phẩm được sản xuất theo quy trình hữu cơ, có lẽ vì vậy mà chất lượng ngon hơn. Ngay tại địa phương mà có sản phẩm hữu cơ chất lượng như vậy chị sẽ thường xuyên sử dụng và giới thiệu thiệu với bạn bè để cùng dùng.