Làm sao để tấm “giấy thông hành” của thanh long Bình Thuận không bị lãng phí?
Thành công bước đầu khi có bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản, song làm sao để thanh long Bình Thuận cũng như nông sản Việt có thể khai thác tối đa giá trị đem lại từ chỉ dẫn địa lý đó?
Từ ngày 7/10, sau hơn 3 năm nộp hồ sơ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản, Bộ Nông – Lâm – Ngư nghiệp Nhật Bản (MAFF) đã chính thức cấp Bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý đối với thanh long Bình Thuận. Đây là sản phẩm nông sản thứ 2 của Việt Nam sau vải thiều Lục Ngạn được cấp Bằng chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản.
“Giấy thông hành” vào thị trường khó tính
Chỉ dẫn địa lý thanh long Bình Thuận là chỉ dẫn địa lý thứ hai của Việt Nam chính thức được bảo hộ tại Nhật Bản. Đăng ký chỉ dẫn địa lý được xem như “giấy thông hành” để vào thị trường Nhật Bản nói riêng, thế giới nói chung.
Theo ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), việc được cấp đăng ký chỉ dẫn địa lý vào thị trường Nhật Bản có ý nghĩa khẳng định uy tín thanh long Bình Thuận, mở ra nhiều cơ hội mới cho việc xuất khẩu, tiêu thụ thanh long Bình Thuận ở nhiều thị trường khác nhau, nhất là tại các thị trường khó tính (Châu Âu, Hàn Quốc, New Zealand…).
“Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được bảo hộ tại Nhật Bản được người tiêu dùng nội địa tin tưởng gần như tuyệt đối và có giá bán cao hơn nhiều so với sản phẩm không được bảo hộ tại Nhật Bản. Vì thế, đây là một dấu mốc quan trọng trong quá trình đưa thanh long vào Nhật Bản cũng như mở đường cho việc thúc đẩy bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho các nông sản khác của Việt Nam tại thị trường khó tính này”, ông Phí nhấn mạnh.
“Điều này tiếp tục khẳng định vai trò của sở hữu trí tuệ, vốn được coi là công cụ hỗ trợ cho các sản phẩm Việt Nam có thêm lợi thế cạnh tranh và xuất khẩu. Từ quá trình xin bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho quả vải thiều Lục Ngạn và thanh long Bình Thuận, Cục Sở hữu trí tuệ cũng đúc rút được kinh nghiệm để triển khai hỗ trợ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý các sản phẩm nông sản Việt ở các thị trường khác trong thời gian tới”, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cho hay.
Thách thức sau bảo hộ
Thanh long Bình Thuận nằm trong số 3 sản phẩm của Việt Nam được lựa chọn, dựa trên tiêu chí danh tiếng, thị trường tiêu thụ, sự quan tâm của chính quyền địa phương, và sản phẩm có hoạt động thương mại xuất nhập khẩu.
Theo ông Đinh Hữu Phí, việc thanh long Bình Thuận được đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý thành công tại Nhật Bản, mới chỉ là bước đầu tạo lợi thế cạnh tranh cho thanh long Bình Thuận đến với thị trường Nhật Bản. Tiếp đó, cần rất nhiều nỗ lực từ các phía, các cấp, bộ, ngành, để thanh long Bình Thuận tiếp tục giữ vững được thị trường khó tính này, đồng thời mở rộng hơn nữa chỗ đứng của mình.
“Đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý rồi, nhưng làm sao để đảm bảo chất lượng, nguồn gốc sản phẩm, phát triển bền vững… bởi thực tế đã có, không phải sản phẩm nào sau khi được bảo hộ chỉ dẫn địa lý cũng đều phát huy được giá trị. Vấn đề giữ và phát huy được giá trị sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý phụ thuộc lớn vào địa phương, những người trực tiếp sản xuất, bảo quản sản phẩm…”, ông Phí cho biết thêm.
Đồng quan điểm, ông Văn Công Thới, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Bình Thuận bày tỏ, các hoạt động quản lý chỉ dẫn địa lý thanh long Bình Thuận sau bảo hộ sẽ tiếp tục là một thách thức lớn cho các cấp, các ngành, đặc biệt của tỉnh Bình Thuận.
Theo ông Thới, khó khăn lớn nhất phải kể đến, là việc nhanh chóng kiện toàn năng lực của tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý, Hội sản xuất và tiêu thụ thanh long Bình Thuận. Tiếp đó, nhận thức của người nông dân, nhằm tuân thủ một cách chặt chẽ quy trình trồng và sản xuất thanh long, đảm bảo tính chất/chất lượng đặc thù của sản phẩm và tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu thanh long sang Nhật, cũng cần được nâng cao và liên tục giám sát.
Cuối cùng, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan quản lý Nhà nước và hội, đảm bảo thông tin đầy đủ, xuyên suốt, hỗ trợ hiệu quả, kịp thời người trồng thanh long, góp phần đảm bảo sự vào cuộc đồng bộ, đảm bảo chất lượng sản phẩm, xúc tiến thương mại quả thanh long Bình Thuận ở thị trường trong nước và xuất khẩu.
85% sản lượng thanh long là xuất khẩu nhưng chỉ 2-3% chính ngạch
Thanh long Bình Thuận được tiêu thụ trên thị trường hiện chủ yếu ở dạng trái tươi và một số ít là các sản phẩm đã qua chế biến như: nước ép thanh long, rượu vang thanh long, thanh long sấy khô, sấy dẻo…
Ông Thới cho rằng, do sản phẩm thanh long tiêu thụ trên thị trường chủ yếu là trái cây tươi không bảo quản được lâu nên việc tiêu thụ thanh long hiện nay gặp nhiều khó khăn. Thị trường nội địa chỉ tiêu thụ khoảng 15% sản lượng, 85% còn lại tập trung cho xuất khẩu. Trong số này, lượng thanh long xuất khẩu chính ngạch chiếm tỷ lệ rất thấp (2-3%), số còn lại tiêu thụ theo phương thức mua bán biên mậu với thương nhân Trung Quốc hoặc bán cho các doanh nghiệp ngoài tỉnh và các doanh nghiệp này trực tiếp xuất khẩu.
Hiện tại có 5 đơn vị của Bình Thuận đủ năng lực cung cấp quả thanh long đạt các tiêu chuẩn kỹ thuật về hàng hóa nông nghiệp xuất khẩu và cũng là 5 nơi dự kiến cung cấp thanh long sang Nhật Bản: huyện Hàm Tân, Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, huyện Bắc Bình và thành phố Phan Thiết.
Từ câu chuyện quả vải thiều Bắc Giang, thanh long Bình Thuận được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản, hy vọng trong thời gian tới đây, nông sản Việt Nam sẽ đúc rút được nhiều kinh nghiệm, để thêm nhiều sản phẩm đạt được thành công ở các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, Mỹ, Australia và nhiều nước khác trên thế giới.
Nhằm tiếp tục thúc đẩy, ưu tiên hỗ trợ bảo hộ ra nước ngoài cho các sản phẩm chủ lực địa phương, Quyết định số 2205/QĐ-TTg ngày 24/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt nội dung “Thúc đẩy đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ ở trong và ngoài nước; Quyết định số 1984/QĐ-BKHCN ngày 27/7/2021, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phê duyệt danh mục đặt hàng nhiệm vụ thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ, trong đó có nhiệm vụ hỗ trợ bảo hộ ra nước ngoài cho các sản phẩm./.
(Theo VOV)