Lạng Sơn: Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất thạch đen
Thạch đen được trồng chủ yếu trên 2 loại đất là đất canh tác nông nghiệp (đất ruộng) và đất lâm nghiệp (đất nương rẫy có độ dốc nhỏ hơn 20 độ). Xác định ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) là giải pháp then chốt, tạo đột phá nâng cao năng xuất, chất lượng, hiệu quả lao động. Việc ứng dụng KHKT vào sản xuất thạch đen đã đem lại những kết quả đáng khích lệ, góp phần phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững.
cây thạch đen – Còn được gọi là cây Sương sáo hoặc Thủy cẩm, thuộc họ Hoa môi
Theo Trung tâm Khuyến nông Lạng Sơn, hiện nay trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, cây Thạch đen chủ yếu được sơ chế thành 3 dạng chính là sơ chế thô; sản xuất bột thạch đen; chế biến sản phẩm thạch đen đóng hộp. Sản lượng thạch đen chủ yếu sơ chế thành các khối thạch đen khô xuất khẩu thô sang các thị trường lớn như Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan (chiếm khoảng 70% tổng sản lượng toàn tỉnh). Công ty TNHH SX và Đầu tư XNK Đức Quý là nhà máy duy nhất trên địa bàn tỉnh chế biến sản phẩm tinh bột thạch, có sản lượng trung bình mỗi ngày sản xuất 2,5 - 03 tấn tinh bột. Bột thạch được xuất khẩu đi các nước như Đài Loan, Hồng Kông, Ấn Độ. Và một số hộ tự chế biến sản phẩm thạch đen ăn ngay thủ công, đóng hộp với quy mô nhỏ, hộ gia đình, sản phẩm tiêu thụ chủ yếu thị trường trong tỉnh và chỉ tập trung sản xuất vào thời điểm mùa hè nắng nóng.
Chuyển giao công nghệ, tiến bộ KHKT được coi là khâu quan trọng trong sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả cao. Thông qua các đề tài, mô hình, các lớp dạy nghề, tập huấn, chuyển giao KHKT góp phần thay đổi tập quán sản xuất canh tác, giảm chi phí, công lao động gia tăng hiệu quả kinh tế trong sản xuất. Chính vì vậy, trong những năm gần đây, chuyển giao tiến bộ KHKT đến người sản xuất thạch đen luôn được các cấp các ngành chú trọng quan tâm. Những đề tài, mô hình chuyển giao tiến bộ KHKT luôn tập trung nghiên cứu điều tra đánh giá hiện trạng sản xuất, nghiên cứu xây dựng quy trình kỹ thuật sản xuất cây thạch đen, xác định chỉ tiêu chất lượng nguyên liệu, xác định nhu cầu thị trường và nghiên cứu thử nghiệm một số sản phẩm thương mại từ cây thạch đen; Điều tra thành phần sâu bệnh hại cây thạch đen và biện pháp phòng trừ; Đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nhằm phát huy danh tiếng, uy tín của sản phẩm, bảo hộ cho những người sản xuất, kinh doanh; bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng và góp phần thúc đẩy trong việc nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị hàng hóa của sản phẩm.
Nhìn chung, công tác chuyển giao tiến bộ KHKT trong sản xuất thạch đen đã đạt được những kết quả quan trọng. Các đề tài, dự án khoa học được nghiên cứu, thử nghiệm, các lớp tập huấn trực tiếp chuyển giao cho các hộ dân thực hiện đã làm chuyển biến tích cực về nhận thức của người nông dân về việc ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất và đời sống, góp phần nâng cao hiệu quả phát triển cây thạch đen, chuyển dịch cơ cấu sản xuất, nâng cao thu nhập của nông dân.
Nguồn: Bộ NNPTNT