Công tác Hội

Đồng Nai

Đối thoại với nông dân kịp thời tháo gỡ vướng mắc, rào cản giúp nông dân tiếp cận thị trường lớn

Minh Hiếu - 15:48 12/07/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Sáng 12.7, UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức hội nghị đối thoại với đại diện bà con nông dân, các nhà khoa học, nhà quản lý để tìm giải pháp phát triển sản xuất nông nghiệp.
TIN LIÊN QUAN
Ông Võ Văn Phi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai chủ trì hội nghị đối thoại với nông dân

Tại hội nghị, hàng trăm đại biểu là lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành, cơ sở sản xuất, hợp tác xã và bà con nông dân cùng thảo luận về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất nông nghiệp. Qua đó, các đại biểu đề xuất, kiến nghị giải pháp tổ chức lại sản xuất nông nghiệp, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nông dân và xây dựng nông thôn hiện đại.

Báo cáo tại hội nghị, đại diện Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2024, ước giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản (giá so sánh 2010) đạt 24.486 tỉ đồng, tăng 3,42% so với 6 tháng đầu năm 2023. Trong đó, giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 22.335 tỉ đồng, tăng 3,34% (trồng trọt tăng 2,8%, chăn nuôi tăng 3,59%); giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 822,4 tỉ đồng, tăng 2,31%; giá trị sản xuất thủy sản đạt 1.328,8 tỉ đồng, tăng 5,36% so cùng kỳ.

Về ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm đạt được nhiều kết quả quan trọng như nông nghiệp theo hướng hữu cơ, sản xuất nông nghiệp tốt ngày càng phát triển. Hoạt động dịch vụ nông nghiệp rộng khắp và dần đi vào chiều sâu góp phần mở rộng sản xuất nông nghiệp.

Đến nay, 100% diện tích trồng mới và tái canh đã sử dụng các giống mới, giống có chất lượng cao...; ứng dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm trên cây trồng với diện tích 59.754ha, chiếm 31,27% diện tích cây trồng cạn; 3.002,5ha cây trồng chủ lực của tỉnh đạt chứng nhận sản xuất nông nghiệp tốt (tăng 12,5ha so với năm 2023); ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất đạt nhiều kết quả quan trọng.

Phát biểu tại hội nghị ông Nguyễn Tuấn Anh – Chủ tịch Hội Nông dân Đồng Nai cho biết, thời gian qua, nông dân Đồng Nai còn lo lắng về các hiện tượng thời tiết cực đoan. Mặt khác, tình trạng thuốc bảo vệ thực vật, cây giống, phân bón giả, kém chất lượng vẫn còn tồn tại trên thị trường, ảnh hưởng đến hiệu quả, năng suất, chất lượng nông sản. Hội viên, nông dân mong muốn các đơn vị chức năng tăng cường công tác quản lý; có các biện pháp xử lý quyết liệt đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp kém chất lượng để tránh thiệt hại cho người nông dân.

Tại hội nghị nhiều đại biểu đã có những ý kiến đến lãnh đạo tỉnh nhằm tháo gỡ về vấn đề mã vùng trồng. Hiện nay, trên địa bàn huyện Thống Nhất, việc xây dựng mã vùng trồng cho các loại sản phẩm đang được nông dân quan tâm thực hiện. Toàn huyện có một số mã vùng trồng như chuối, mít, thanh long nhưng do không đủ hồ sơ quản lý theo quy định nên phải hủy mã.

Hội Nông dân huyện cũng đã hỗ trợ nông dân xây dựng các mã vùng trồng như mã vùng trồng sầu riêng ở xã Quang Trung. Hồ sơ cũng đã được gửi ra Cục Bảo vệ Thực vật để thẩm định, tuy nhiên, trong quá trình thực hiện có một số khó khăn như việc thực hiện định vị vị trí, tọa độ; nhật ký điện tử tương đối phức tạp, rất khó để người nông dân tự thực hiện; vị trí các thửa đất không liền kề, gây khó khăn trong thực hiện quy trình sản xuất chung.

Chia sẻ về khó khăn, ông Lê Văn Thịnh, nông dân ở xã Lâm San (huyện Cẩm Mỹ) đề nghị tỉnh có chính sách hỗ trợ phát triển công nghệ chế biến và sau thu hoạch. Vì hiện nay, nhiều nông dân vẫn sản xuất, cung ứng hồ tiêu thô. Nếu hồ tiêu được tăng cường chế biến sẽ gia tăng giá trị, mang lại thu nhập cao hơn cho nông dân.

Kết luận tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi ghi nhận và biểu dương tinh thần trách nhiệm, sự thẳng thắn chia sẻ góp ý của bà con, nội dung trách nhiệm của các cơ quan, sở, ngành.

Theo ông Phi, để thực hiện nhiệm vụ phát triển nông nghiệp nông thôn năm 2024, toàn ngành Nông nghiệp cần tập trung thực hiện quyết liệt cơ cấu lại ngành theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; phấn đấu tổng sản phẩm ngành nông lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn tỉnh tăng cao hơn so với năm 2023.

“Nửa đầu năm 2024, ngành Nông nghiệp Đồng Nai xuất khẩu hơn 11,3 tỷ USD, tăng hơn 9% so cùng kỳ. Các nông sản chủ lực của tỉnh ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu từ các thị trường khó tính. Đây là tín hiệu mừng, song để phát huy lợi thế, giúp nông dân tiếp tục vững bước tiếp cận thị trường rộng lớn, nhiều vướng mắc và rào cản cần sớm được tháo gỡ”, ông Phi thông tin thêm.

 Các kiến nghị của nông dân Đồng Nai tập trung chủ yếu vào sản xuất tiêu thụ, quản lý vật tư, kỹ thuật cao trong nông nghiệp… Đây là những nhu cầu chính đáng cần được sở, ngành, địa phương tập trung tháo gỡ trong phạm vi thẩm quyền.

Lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo giao Sở NT-PTNT tỉnh Đồng Nai tiếp tục hỗ trợ nông dân, nhất là việc cấp mã số vùng trồng; chú trọng việc truy xuất nguồn gốc để đáp ứng các tiêu chí mà phía đối tác yêu cầu, đồng thời phối hợp với Hội Nông dân tỉnh chỉ đạo các cấp xây dựng chuỗi liên kết, thực hiện việc liên kết trong sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm; nắm bắt tâm tư nguyện vọng của bà con nông dân để phối hợp với các sở, ngành nhằm tháo gỡ khó khăn cho nông dân.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác