Lễ hội cầu may đầu năm – nét văn hóa truyền thống độc đáo của người Dao ở Lai Châu
Lễ hội Nịn Xin của người Dao đỏ ở Phong Thổ
Lễ hội Nịn Xin của đồng bào dân tộc Dao đỏ xã biên giới Sì Lở Lầu, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu được tổ chức vào ngày 14-15 tháng Giêng âm lịch. Nịn Xin dịch ra tiếng phổ thông nghĩa là ăn trộm. Theo quan niệm của đồng bào Dao đỏ nơi đây, vào dịp đầu năm mới nếu ăn trộm được vật dụng của nhà khác mà không bị chủ nhà phát hiện thì sẽ được may mắn, no đủ cả năm.
Chuẩn bị mâm cúng trong Lễ đón nước. Ảnh Nguyễn Chanh
Lễ hội Nịn Xin là lễ hội truyền thống có từ lâu đời của đồng bào dân tộc Dao đỏ nơi đây. Lễ hội có nhiều lễ nhỏ trong đó như cầu xin để có nước sinh hoạt quanh năm, mùa màng tốt tươi, vạn vật sinh sôi nảy nở, ai ai cũng có sức khỏe, tục kéo vợ... Bởi vậy Lễ hội luôn mang một ý nghĩa tâm linh rất lớn với bà con. Năm 1979 lễ hội bị gián đoạn và không được tổ chức, cho đến năm 2010, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Phong Thổ đã hỗ trợ cùng UBND xã phục dựng lại và duy trì tổ chức vào ngày 14, 15 tháng Giêng hàng năm.
Trong cái lạnh dưới 10 độ nơi biên giới, sương mù giăng phủ ở tầm nhìn chưa đầy 10m nhưng đông đảo bà con đã có mặt để tham dự lễ hội, xem các tiết mục văn nghệ và tham gia các trò chơi truyền thống như ném vòng cổ vịt, bịt mắt bắt vịt, kéo co, bắn nỏ...
Trong Lễ hội Nịn Xin hấp dẫn nhất là Lễ đón nước (trip uân) và Lễ ăn trộm (Nịn xin). Với lễ đón nước, mỗi năm đoàn sẽ chọn một điểm đón nước khác nhau tại các bản để cầu may mắn cho bà con trong xã. Khi đi đón nước, đoàn đi sẽ thổi kèn, đánh trống, mang theo lễ vật (rượu, thịt, tiền giấy và nhang) và đi bộ từ trung tâm xã đến điểm đón nước đã được chọn. Đến nơi, thầy cúng (cũng là người gùi nước mới) sẽ sắp lễ, đốt nhang và khấn, lời khấn đại khái là: Thưa Thổ địa cai quản vùng đất, nguồn nước nơi đây. Hôm nay chúng tôi mang lễ đến đây xin đón nước trong năm mới về cho bà con trong xã dùng. Cầu xin Thổ địa, các vị thần phù hộ cho bà con cả năm luôn đủ nước dùng, mùa màng no đủ, cây cối sinh sôi nảy nở....
Sau khi khấn và đốt tiền giấy mang theo, một người trong đoàn sẽ làm sạch ống chứa nước và xin nước vào đầy ống mang theo. Thầy cúng lại gùi nước và cả đoàn quay về trụ sở xã. Nước được lấy về sẽ được đưa vào bể nước dùng chung của xã, một phần sẽ để lại để đun nước cúng đầu năm.
Nếu Lễ đón nước được tổ chức vào sáng sớm thì Lễ ăn trộm lại được tái hiện lại vào lúc chiều tối. Gia đình được chọn để ăn trộm là những nhà có điều kiện kinh tế khá giả, có vườn trồng rau, hành, có thịt treo. Ăn trộm ở đây nghĩa là đi trộm cái may mắn của gia chủ để cầu cho 1 năm gia đình mình, bản mình, xã mình cũng được may mắn, cho nên ăn trộm không phải đi từng người mà có tổ chức thành đoàn. Trong đoàn họ chia một nhóm thổi kèn và đánh trống ngoài đường để đánh lạc hướng gia chủ; trong lúc nhóm thổi kèn, đánh trống thì người được cử ăn trộm sẽ lẻn vào nhà gia chủ cắt lấy một miếng thịt treo nhỏ trong bếp, sau đó luồn ra cửa sau đi vào vườn nhổ trộm cây hành. Theo tập quán của đồng bào Dao đỏ nơi đây thì hành là một cây may mắn nên khi ăn trộm nhất định phải trộm được cây hành, còn cắt một miếng thịt treo là để năm mới gia đình mình sẽ luôn no đủ. Nếu vào trộm mà gia chủ không phát hiện ra thì năm đó gia đình người trộm sẽ luôn gặp may mắn, làm ăn phát tài, sung túc. Còn nếu để gia chủ phát hiện ra thì sẽ bị phạt uống rượu tại nhà gia chủ.
Phục dựng tục kéo vợ trong Lễ hội Nịn Xin. Ảnh Nguyễn Chanh
Đồng bào dân tộc Dao đỏ cũng có tục kéo vợ những ngày đầu Xuân tuy nhiên tục này cũng đã được bà con bỏ từ nhiều năm nay. Trong lễ hội, tục kéo vợ cũng được dựng lại để coi đó như một nét văn hóa truyền thống đã có từ xa xưa.
Vui tươi, ấm áp Lễ hội cầu may đầu năm
Anh Sìn Cáo Tạ, người dân ở bản Sin Chải, xã Sùng Phài cho biết nghi lễ cầu may đầu năm là nét văn hóa truyền thống của đồng bào Dao bản địa quê anh. Cũng không ai biết nghi thức này có từ bao giờ, chỉ biết khi sinh ra đã thấy nó tồn tại và được truyền từ đời này sang đời khác. Bà con trong bản đều rất tin và trong ngày này, ai cũng mặc thật đẹp để tham gia, cùng cầu mong một năm mới nhiều may mắn cho gia đình và cộng đồng.
Ngày đẹp làm lễ cầu may đầu năm được thầy cúng trong bản lựa chọn và đồ lễ là các sản vật do bà con tự làm ra. Ảnh Khắc Kiên.
Sau khi thầy cúng chọn được ngày đẹp, từ sáng sớm, đồng bào người Dao ở các bản thuộc xã Sùng Phài, thành phố Lai Châu đã có mặt tại bản Sin Chải để tham gia lễ hội cầu may đầu năm. Đây cũng là dịp để bà con gặp gỡ, giao lưu, kể cho nhau nghe những câu chuyện hay, tốt đẹp của năm cũ và mong muốn cho một năm mới mùa màng tươi tốt, cuộc sống no ấm, gia đình hạnh phúc.
Ông Tẩn Sìn Sang - Bí thư Chi bộ bản Sín Chải, xã Sùng Phài cho biết: "Lễ cầu may của dân tộc Dao chúng tôi có từ thời xa xưa rồi. Năm nay chúng tôi tổ chức để dân bản được giao lưu và cầu mong dịch bệnh sẽ hết, mọi người sẽ được giao lưu để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Lễ cúng cầu may của người Dao đầu năm được tổ chức khá đơn giản. Đồ vật cúng bao gồm các sản phẩm người dân tự làm ra, như lợn, gà, gạo nếp nương... do các gia đình đóng góp. Trong phần lễ, phụ nữ không được tham gia; toàn bộ phần này đều do đàn ông đảm nhiệm, người ta thường chọn những người khỏe mạnh ở trong bản để thực hiện".
Sau khi xong phần lễ, người dân chọn một mảnh nương để phát lấy vía đầu năm, với mong muốn sẽ có một năm được mùa. Ảnh Khắc Kiên.
Sau khi nghi lễ cúng hoàn tất, bà con sẽ chọn một khu đất đẹp nhất để tổ chức khai Xuân bằng việc phát nương lấy vía đầu năm. Đây được coi là hoạt động đầu tiên trong năm mới để bà con bước vào một vụ sản xuất trong năm. Kết thúc phần này, bà con trong bản sẽ cùng nhau giao lưu văn hóa, văn nghệ, chơi các trò chơi dân gian trong không khí vui tươi, ấm áp...