Ngày hội Văn hóa các dân tộc vùng Đông Bắc: Giàu sức hút, đậm đà bản sắc
Nét đẹp văn hóa truyền thống
Lạng Sơn - “thành phố Hoa Đào” những ngày diễn ra Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc như khoác lên mình chiếc áo mới. Khắp các tuyến phố, cờ hoa rực rỡ, nhộn nhịp từ sáng đến đến đêm muộn. Đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Dao, Sán Chỉ, Mông... từ nhiều địa phương mặc trang phục truyền thống về dự hội, tạo nên một bức tranh đa sắc, hấp dẫn du khách. Những làn điệu sli, hát then hòa với âm nhạc truyền thống, tiếng khèn, tiếng sáo như mời gọi bạn phương xa về với Ngày hội, về với xứ Lạng...
Tại Ngày hội, các nghệ nhân dân gian đến từ 8 tỉnh: Hà Giang, Bắc Giang, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Cao Bằng, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc và Lạng Sơn đã mang đến những tiết mục văn hóa độc đáo. Không gian văn hóa các tỉnh khu vực Đông Bắc tại Ngày hội đã phản ánh tương đối đầy đủ đời sống, sinh hoạt, phong tục tập quán, tín ngưỡng, trang phục của đồng bào các dân tộc trong vùng.
Bà Nguyễn Thanh Thúy, Trung tâm Văn hóa và Thông tin du lịch tỉnh Cao Bằng chia sẻ, Ngày hội có ý nghĩa đặc biệt đối với đồng bào các dân tộc trong vùng, tạo sân chơi, cơ hội giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao bổ ích cho các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên, tạo sự gắn kết, góp phần xây dựng khối đoàn kết toàn dân tộc. Đây cũng là cơ hội để các địa phương học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, qua đó nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng trong việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam
Tham gia trình diễn trích đoạn “Lễ ngũ đài trong lễ cấp sắc của người Sán Chỉ” tại Ngày hội, nghệ nhân Hoàng Văn Tính đến từ Bắc Kạn cho hay, người Sán Chỉ có rất nhiều nghi lễ truyền thống đặc sắc và thiêng liêng, trong đó có lễ cấp sắc. Nghi lễ này đánh dấu sự trưởng thành của một chàng trai trong dòng họ, qua đó thể hiện nét đẹp văn hóa, tín ngưỡng của người Sán Chỉ, mang lại sự kết nối sâu sắc giữa các thế hệ trong cộng đồng. Các nghệ nhân mong rằng, thông qua trích đoạn sẽ giúp du khách gần xa hiểu những nét đẹp trong đời sống, phong tục của người Sán Chỉ tỉnh Bắc Kạn và đồng bào dân tộc Sán Chỉ ở vùng Đông Bắc.
Giới thiệu sản phẩm đặc trưng của địa phương tại Ngày hội, bà Giàng Thị Sai, Giám đốc Hợp tác xã Dệt lanh Cán Tỷ (xã Cán Tỷ, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) chia sẻ, nghề dệt lanh Cán Tỷ đã có từ lâu đời, gắn bó mật thiết với đồng bào dân tộc Mông huyện Quản Bạ. Hợp tác xã mang đến Ngày hội 35 sản phẩm gồm: Váy, áo, trang phục cách điệu, khăn quàng xinh xắn... để giới thiệu tới du khách, tìm kiếm cơ hội hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm...
Dù đã gần 80 tuổi song nghệ nhân Hoàng Choóng ở xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn vẫn rất uyển chuyển khi thực hiện múa sư tử mèo giới thiệu tới du khách thập phương tại Ngày hội. Ông nhiệt tình giới thiệu, hướng dẫn người dân, du khách thực hành múa sư tử mèo, giải thích ý nghĩa của các dụng cụ dùng để múa sư tử mèo - di sản văn hóa đậm bản sắc của đồng bào dân tộc Tày, Nùng ở xứ Lạng. Nghệ nhân Hoàng Choóng hi vọng, loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc này ngày càng được nhiều người biết đến, từ đó bảo tồn, gìn giữ, trao truyền lại cho thế hệ sau.
Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Nguyễn Thị Hải Nhung, Phó Trưởng ban tổ chức Ngày hội nêu rõ, nghệ nhân, diễn viên, vận động viên - những chủ thể văn hóa các dân tộc vùng Đông Bắc đã mang đến những nét đẹp, giá trị riêng có. Thông qua Ngày hội, Ban Tổ chức mong muốn, những nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc sẽ tiếp tục được bảo tồn, trao truyền và phát triển...
Hấp dẫn du khách gần xa
Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn đã thu hút hàng vạn du khách gần xa. Đến Ngày hội, nhân dân, du khách được thưởng thức những làn điệu dân ca, điệu múa say đắm lòng người, đắm chìm, hòa mình trong không gian lễ hội đậm đà bản sắc dân tộc. Các hoạt động văn hóa truyền thống đặc trưng tại Ngày hội là minh chứng rõ nét nhất về tính đa dạng, phong phú trong đời sống, sinh hoạt, phong tục tập quán, tín ngưỡng của đồng bào các dân tộc vùng Đông Bắc.
Về dự hội, anh Lê Đình Trung, du khách Hà Nội đã dành nhiều thời gian tham quan 36 gian hàng giới thiệu không gian văn hóa của các tỉnh trong khu vực Đông Bắc. Với anh, trang phục truyền thống, dụng cụ sinh hoạt hàng ngày, nghi lễ của đồng bào đều là những kho tàng quý giá, thông qua đó ta hiểu thêm về đời sống văn hóa của đồng bào các dân tộc. Còn với chị Mai Thị Nguyệt ở phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn, Ngày hội là dịp để chị cùng các con hiểu thêm về văn hóa, đời sống các dân tộc vùng Đông Bắc. Chị rất thích các phần trình diễn “Nghi lễ cấp sắc Thầy Thào - Cái Tào” của dân tộc Nùng Lạng Sơn; Lễ cầu an của tân tộc Tày; Lễ ngũ đài trong lễ cấp sắc của người Sán Chỉ ở Bắc Kạn; Lễ đón dâu của dân tộc Tày ở Tuyên Quang; Nghi lễ cấp sắc của dân tộc Sán Dìu Vĩnh Phúc; Lễ cúng tổ tiên của dân tộc Lô Lô Hà Giang... Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ XI năm 2024 diễn ra từ ngày 2 - 4/11 với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao độc đáo như: Trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống dân tộc; Không gian trưng bày giới thiệu, quảng bá sản phẩm văn hóa truyền thống của địa phương; Liên hoan văn nghệ quần chúng và trình diễn trang phục các dân tộc vùng Đông Bắc; thi đấu thể thao dân tộc; Triển lãm “Đặc trưng văn hóa các dân tộc vùng Đông Bắc trong cộng đồng văn hóa các dân tộc Việt Nam”..
Chiều 4/11, tại Lễ bế mạc Ngày hội Văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ XI năm 2024, Ban Tổ chức đánh giá, các hoạt động văn hóa trong khuôn khổ Ngày hội thực sự giàu sức hút, đậm đà bản sắc dân tộc, để lại ấn tượng đẹp trong lòng nhân dân và du khách...
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn, Phó trưởng Ban Tổ chức Ngày hội Văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc Nguyễn Đặng Ân khẳng định, là địa phương đăng cai, UBND tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn chủ động phối hợp với đơn vị trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các tỉnh vùng Đông Bắc chuẩn bị tốt nội dung, điều kiện để tổ chức thành công Ngày hội.
Trong suốt thời gian diễn ra Ngày hội, người dân và du khách đã được thưởng thức các chương trình nghệ thuật đặc sắc của 8 tỉnh khu vực vùng Đông Bắc với các tiết mục đa dạng, phong phú về cả nội dung và hình thức do các nghệ nhân trình diễn.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Ngọc Thắng, Chủ tịch Hội đồng Thẩm định các hoạt động văn hóa nghệ thuật quần chúng và du lịch trong khuôn khổ Ngày hội đánh giá: Các hoạt động diễn ra đều giàu sức hút, đậm đà bản sắc dân tộc vùng Đông Bắc. Qua các nghi lễ được trình diễn cho thấy tình cảm, ý thức trách nhiệm của đồng bào các dân tộc trong bảo tồn các nét văn hóa đặc trưng. Không gian trưng bày văn hóa ẩm thực đã được các đoàn giới thiệu, nêu bật giá trị truyền thống, đồng thời mang đậm dấu ấn, bản sắc của từng địa phương...
Tại lễ bế mạc, 15 tập thể, cá nhân có nhiều thành tích đóng góp trong công tác tổ chức Ngày hội được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Ban Tổ chức đã công bố các giải thưởng về hoạt động văn hóa, du lịch; không gian trưng bày giới thiệu, quảng bá sản phẩm văn hóa truyền thống của địa phương; trưng bày, chế biến và giới thiệu văn hóa ẩm thực truyền thống; trình diễn trang phục các dân tộc vùng Đông Bắc; Liên hoan văn hóa nghệ thuật quần chúng; hoạt động thi trình diễn kỹ năng hướng dẫn viên du lịch...
Ngày hội Văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ XI do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND tỉnh Lạng Sơn tổ chức từ ngày 2 - 4/11 với nhiều hoạt động mang đậm bản sắc dân tộc của 8 tỉnh trong vùng Đông Bắc.
Ngày hội Văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ XII sẽ được tổ chức tại tỉnh Tuyên Quang vào năm 2027.
Theo TTXVN