Lễ hội vì hòa bình 2024 – điểm nhấn quan trọng phát triển du lịch ở Quảng Trị
Tham dự buổi họp báo có ông Tạ Quang Đông – Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch; ông Hà Kim Ngọc – Thứ Trưởng Bộ Ngoại giao; ông Võ Văn Hưng – Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ban ngành có liên quan, các phóng viên báo, đài ở Trung ương và địa phương.
Phát biểu khai mạc buổi họp báo, ông Võ Văn Hưng – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết: Quảng Trị là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử, có vị trí chiến lược quan trọng trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Nơi đây từng được xem là “chiến địa”, “trấn biên”, phên dậu” và ba lần được chọn làm thủ phủ của đất nước. Trong các cuộc kháng chiến giành độc lập của dân tộc, Quảng Trị là nơi gánh chịu nhiều đau thương, hy sinh mất mát, chứng kiến bao cảnh tàn khốc, hủy diệt của chiến tranh. Nhưng hôm nay, nơi đây “đất thiêng đã nở đóa hoa hòa bình”, Quảng Trị đã hồi sinh và vươn mình lớn dậy, khởi sắc trên tro tàn đổ nát của chiến tranh, trong thế giới hòa bình và hội nhập.
Việc tổ chức Lễ hội Vì Hòa bình năm 2024 là lễ hội mang thông điệp Hoà bình lần đầu tiên được tổ chức ở Quảng Trị và Việt Nam nhằm tôn vinh giá trị của hoà bình, tri ân các anh hùng liệt sĩ, tưởng niệm các nạn nhân chiến tranh; góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh của đất nước, con người Việt Nam; xây dựng Quảng Trị trở thành một không gian văn hoá vì Hoà bình, là điểm đến vì Hoà bình, nơi hội ngộ của bạn bè bốn phương yêu chuộng hoà bình.
Đặc biệt, trong bối cảnh thế giới hiện nay đang còn có những điểm xung đột, Lễ hội Vì Hoà bình được tổ chức trên vùng đất Quảng Trị từng nhiều đau thương, mất mát, huỷ diệt bởi chiến tranh, nơi “đất thiêng nở đoá hoa hoà bình” sẽ truyền đi thông điệp về sức sống mãnh liệt của dân tộc Việt Nam yêu chuộng hoà bình, kêu gọi nhân loại chung tay xây dựng nền hoà bình bền vững trên thế giới.
Lễ hội Vì Hòa bình được tổ chức đúng vào dịp kỷ niệm 70 năm ngày ký kết Hiệp định Giơnevơ về đình chỉ chiến tranh, lập lại hòa bình Đông Dương (20/7/1954 - 20/7/2024), 77 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2024), hướng tới kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025); là sự kiện, hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch quy mô quốc gia, quốc tế trong giai đoạn 2024 -2025 theo Quyết định số 3032/QĐ-BVHTTDL ngày 16/10/2023 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Lễ hội sẽ được khai mạc vào tối 06/7/2024, tại Di tích Quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải với chuỗi các hoạt động ý nghĩa, các chương trình nghệ thuật đặc sắc với mong muốn dấu ấn của lễ hội sẽ tạo ra các điểm nhấn cảm xúc “mang cả thế giới hòa bình đến Quảng Trị”- mảnh đất đã trở thành biểu tượng cho khát vọng hòa bình, sự hàn gắn và hồi sinh. Lễ hội Vì Hòa bình năm 2024 sẽ là một minh chứng sống động cho khát vọng ấy, khi Quảng Trị đón nhận bạn bè quốc tế, cùng nhau xây dựng một tương lai hòa bình, đoàn kết và phát triển, biến quá khứ đau thương thành động lực mạnh mẽ cho những bước tiến mới.
“Lễ hội Vì Hòa bình được tổ chức vào tháng 7 là mùa tri ân và tôn vinh giá trị hòa bình trên "Vùng Đất lửa" Quảng Trị. Vào tháng 7 hằng năm, dòng người từ mọi miền Tổ quốc lại về với Quảng Trị, vùng đất gánh chịu nhiều đau thương, mất mát, chứng kiến bao cảnh tàn khốc và hủy diệt của chiến tranh để tưởng nhớ và tri ân những người con ưu tú của dân tộc đã ngã xuống vì hòa bình, độc lập, tự do và thống nhất non sông” – ông Võ Văn Hưng lý giải.
Ông Tạ Quang Đông – Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho biết: Ý tưởng tổ chức Lễ hội Vì Hòa bình đã được tỉnh Quảng Trị ấp ủ từ lâu, rất phù hợp với đặc thù văn hóa của địa phương. Hiện nay, các tỉnh thành đã hình thành được hệ thống lễ hội mang tính đặc trưng của vùng miền như Lễ hội Hoa hượng đỏ ở Hải Phòng, Lễ hội Hoa ban ở Điện Biên… Lễ hội Vì Hòa bình mang nhiều ý nghĩa lịch sử, chứa đựng nhiều thông điệp, ước vọng của người dân về hòa bình, không chỉ có người dân ở Việt Nam và cả nhiều nơi trên thế giới.
Lễ hội này gắn kết giữa lịch sử, văn hóa, truyền thống, là động lực để tỉnh Quảng Trị phát triển văn hóa, du lịch, kinh tế và đặc biệt để trở thành điểm nhấn quan trọng trong các lễ hội của Việt Nam.
Tại buổi họp báo, ông Hà Kim Ngọc – Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cũng đặc biệt nhấn mạnh 5 ý nghĩa nổi bật của Lễ hội Vì Hòa bình, đó là:
Thứ nhất, Lễ hội đáp ứng đúng quan tâm chung của cộng đồng quốc tế hiện nay. Hòa bình luôn là khát vọng cháy bỏng của nhân loại, đặc biệt trong bối cảnh thế giới phức tạp hiện nay.
Thứ hai, Lễ hội cũng truyền đi thông điệp: Việt Nam yêu chuộng hòa bình, bao dung và nhân nghĩa. Việt Nam mong muốn đóng góp vào vấn đề nóng bỏng nhất của thời đại là kiến tạo và gìn giữ hòa bình.
Thứ ba, Lễ hội góp phần quảng bá những sắc màu văn hóa, nghệ thuật tiêu biểu của Quảng Trị; là sự kết hợp sống động giữa truyền thống và hiện đại, lan tỏa vẻ đẹp văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc, giàu tính nhân văn và đầy sức cuốn hút.
Thứ tư, Lễ hội đóng góp vào việc tôn vinh, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, tạo cơ hội để các nền văn hóa các quốc gia gặp gỡ, qua đó thúc đẩy hiểu biết lẫn nhau, hợp tác cùng có lợi, gắn kết người dân, đưa văn hóa trở thành động lực mạnh mẽ cho phát triển, chung tay xây dựng một thế giới hòa bình đoàn kết và phồn vinh. Bên cạnh đó, thông qua quảng bá các giá trị văn hóa đặc sắc của Quảng Trị nói riêng, Việt Nam nói chung, sự kiện cũng giúp tôn vinh, làm phong phú thêm kho tàng văn hóa nhân loại".
Thứ năm, Lễ hội sẽ tạo động lực quan trọng để Quảng Trị không chỉ trở thành không gian văn hóa vì hòa bình, địa chỉ đỏ vì hòa bình, nơi hội ngộ bạn bè bốn phương yêu chuộng hòa bình, mà còn góp phần quảng bá tiềm năng, thu hút du lịch, hợp tác quốc tế, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững của địa phương.
Theo Ban Tổ chức, cùng với hoạt động tri ân, tưởng niệm, chương trình Lễ hội được thiết kế với nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật, âm nhạc, giải trí, thể thao, ẩm thực được tổ chức ở nhiều không gian khác nhau, với nhiều cung bậc khác nhau, hướng đến nhiều đối tượng khác nhau, đặc biệt là giới trẻ
Lễ hội Vì Hòa bình năm 2024 sẽ có các hoạt động chính bao gồm: Ngày hội Đạp xe vì hòa bình (29 - 30/6), dự kiến có khoảng 1.000 vận động viên phong trào trong nước và quốc tế tham dự; Chương trình nghệ thuật đặc biệt Khai mạc Lễ hội Vì Hòa bình với chủ đề Kết nối những nhịp cầu (tối 6/7); Lễ hội Văn hóa, ẩm thực Hương vị miền hoa nắng (12-14/7). Ngoài ra, công chúng cũng sẽ được tham dự nhiều chương trình giao lưu âm nhạc đặc biệt xuyên suốt thời gian diễn ra Lễ hội...
Đặc biệt, Ban Tổ chức đã mời được 7 quốc gia đồng ý cử đoàn nghệ thuật tham dự Lễ hội, trong đó có không ít nghệ sĩ nổi tiếng thế giới tới từ Hàn Quốc, Nhật Bản và Hoa Kỳ.
Một chương trình chính khác tại Lễ hội Vì Hòa bình là "Ước nguyện hòa bình" vào tối 26/7 tại Bến thả hoa bờ Bắc sông Thạch Hãn và Di tích Quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị với các hoạt động như: Lễ dâng hoa, dâng hương, thả hoa đăng, cầu nguyện. Đặc biệt, tiếng chuông cầu nguyện hòa bình diễn ra đồng thời với các hoạt động tri ân tại tất cả nghĩa trang, bia tưởng niệm, nhà thờ các Anh hùng Liệt sĩ.
Đặc biệt, tất cả các hoạt động đều được tổ chức vào những ngày cuối tuần, tạo điều kiện cho du khách gần xa có thể về tham dự. Ngoài ra, Lễ hội Vì Hòa bình sẽ được tổ chức theo hướng "mở", chỉ có ngày bắt đầu chứ không có... bế mạc. Đây cũng là cách Ban Tổ chức gửi đi thông điệp: Bất cứ lúc nào, công chúng cũng có thể tới tận hưởng không khí lễ hội, không khí vì hòa bình tại Quảng Trị.
Cũng theo Ban Tổ chức, dự kiến Lễ hội sẽ đón khoảng hơn 100 ngàn lượt khách tham dự, vì vậy, công tác tổ chức, chuẩn bị cơ sở hạ tầng phục vụ du khách tham gia lễ hội đang được khẩn trương chuẩn bị; tỉnh đã chỉ đạo thống kê toàn bộ cơ sở lưu trú trên địa bàn, đồng thời tính phương án huy động các ký túc xá, homestay, nhà dân... đủ điều kiện. Ngoài ra, địa phương cũng lên phương án dự phòng, chia sẻ du khách với 2 tỉnh lân cận là Quảng Bình và Thừa Thiên - Huế.