Lũ quét, sạt lở đất ngày càng khốc liệt: Giải pháp nào cần ưu tiên?
Trong những năm qua, do tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai đã và đang diễn ra rất nghiêm trọng với những yếu tố hết sức cực đoan, bất thường, nhất là lũ ống, lũ quét và sạt lở đất tại khu vực các tỉnh miền núi đã gây thiệt hại nặng nề.
Trước thực trạng nêu trên, Phó Giáo sư - Tiến sỹ Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia (Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng việc đầu tư công nghệ hiện đại và thiết lập các hệ thống tự động cảnh báo lũ quét, sạt lở đất ở các vùng có nguy cơ cao là rất cần thiết.
Công tác dự báo, cảnh báo còn gặp khó
Đầu tiên, xin ông cho biết những yếu tố chính khiến tình hình thiên tai (bão, lũ quét, sạt lở đất…) diễn biến phức tạp trong thời gian qua?
Phó Giáo sư - Tiến sỹ Mai Văn Khiêm: Lũ quét, sạt lở đất là những hiện tượng thiên tai thường xuất hiện trong thời gian ngắn với diễn biến nhanh, cục bộ trong khu vực hẹp và có sức tàn phá lớn.
Việt Nam là đất nước nằm trong khu vực khí hậu nhiệt đới gió mùa, chịu ảnh hưởng của nhiều đợt mưa lớn kéo dài, địa hình chia cắt, mật độ sông suối phong phú. Đây là những yếu tố làm tăng khả năng xảy ra lũ quét và sạt lở đất.
Tuy vậy, ngoài những nguyên nhân trên, còn có sự tác động của con người, làm hủy hoại môi trường tự nhiên do khai thác mỏ, phá rừng, hay xây dựng không hợp lý.
Thực tế những năm qua cho thấy thiên tai (nhất là lũ ống, lũ quét và sạt lở đất) đã và đang diễn ra rất nghiêm trọng tại các tỉnh miền núi, gây thiệt hại lớn. Điển hình như đợt mưa lũ tháng 10/2020 đã gây ra nhiều trận lũ quét, sạt lở đất tại Nhà máy thuỷ điện Rào Trăng 3, Trạm Kiểm lâm số 67 ở tỉnh Thừa Thiên-Huế; sạt lở nghiêm trọng tại huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị; các xã Trà Leng, Trà Vân và Phước Lộc ở tỉnh Quảng Nam… đã cướp đi sinh mạng của hàng chục người dân, cán bộ, chiến sỹ và phá hủy nghiêm trọng nhiều cơ sở hạ tầng.
Phó Giáo sư - Tiến sỹ Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia. (Ảnh: HV/Vietnam+)
Trong mùa mưa lũ năm 2023, những trận lũ quét, sạt lở đất nghiêm trọng đã xảy ra trên địa bàn các tỉnh miền núi phía Bắc và khu vực Tây Nguyên.
Để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai có thể gây ra, đến nay, công tác cảnh báo lũ quét, sạt lở đất đã được đầu tư, triển khai thế nào, thưa ông?
Phó Giáo sư - Tiến sỹ Mai Văn Khiêm: Như tôi đã đề cập ở trên, lũ quét và sạt lở đất là những loại hình thiên tai đặc biệt nguy hiểm, thường xảy ra trong phạm vi nhỏ, thời gian xảy ra ngắn nên rất khó dự báo, cảnh báo.
Hiện nay, chúng ta cảnh báo lũ quét, sạt lở đất chủ yếu dựa trên thống kê, các bản đồ về địa hình, độ dốc, thảm phủ, phân vùng nguy cơ kết hợp dự báo mưa từ các mô hình số, dữ liệu mưa từ ảnh vệ tinh, viễn thám. Thời gian cảnh báo lũ quét, sạt lở đất trước từ 3-6 giờ.
Từ năm 2022, Việt Nam đã tiếp nhận Hệ thống hỗ trợ cảnh báo lũ quét Đông Nam Á (SEAFFGS). Đây là hệ thống hỗ trợ cảnh báo lũ quét đầu tiên sử dụng dữ liệu dự báo cực ngắn và được tích hợp một lượng lớn nhiều nguồn dữ liệu khác nhau.
Các dữ liệu của Việt Nam đã được tích hợp vào hệ thống gồm số liệu ước lượng mưa từ 10 radar; hơn 1500 trạm mưa tự động, sản phẩm Nowcasting dự báo mưa, sản phẩm dự báo mưa số trị từ mô hình WRF cũng đã được ứng dụng như một công cụ hỗ trợ cảnh báo.
Tuy nhiên, SEAFFGS chưa thể hỗ trợ dự báo được vị trí cụ thể xảy ra lũ quét, sạt lở đất, mà mới chỉ có thể hỗ trợ các dự báo viên phân tích, cảnh báo các ngưỡng mưa sinh lũ quét đối với mỗi tiểu lưu vực trong 1 giờ, 3 giờ, 6 giờ và được cập nhật thường xuyên theo các khoảng thời gian tương ứng; vùng nguy cơ sạt lở đất trong 24 giờ tiếp theo với tần suất cập nhật 6 giờ/lần.
Cấp thiết đầu tư công nghệ để giảm nhẹ rủi ro
Vậy, ngành khí tượng thủy văn đã khắc phục những khó khăn trên như thế nào?
Phó Giáo sư - Tiến sỹ Mai Văn Khiêm: Năm 2023, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia đã triển khai đồng bộ một số giải pháp khác nhau nhằm tăng cường mức độ chi tiết các bản tin cảnh báo lũ quét, sạt lở đất. Trong đó, trọng tâm là ứng dụng các công nghệ mới, hiện đại, xác định ngưỡng mưa chi tiết hơn.
Hình ảnh sạt lở đất ở Cao Bằng. (Nguồn: Hùng Võ/Vietnam+)
Ngoài ra, trung tâm đã tăng cường độ phân giải dự báo mưa định lượng lên 1-3km, sử dụng đồng hóa nhiều nguồn dữ liệu tạo bản đồ mưa như dữ liệu quan trắc, radar, mô hình số nhằm xác định khu vực xuất hiện các tâm mưa lớn phục vụ cảnh báo lũ quét, sạt lở đất.
Bản đồ cảnh báo nguy cơ lũ quét được xử lý kết hợp các lớp thông tin về nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, các ngưỡng mưa và đặc biệt là các thông tin về dân sinh, kinh tế,… đã được bổ sung để tạo ra bản đồ cảnh báo nguy cơ lũ quét, sạt lở đất hỗ trợ công tác dự báo.
Hiện tại, Hệ thống thông tin cảnh báo lũ quét và sạt lở đất thời gian thực đang được đưa vào dự báo nghiệp vụ, tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng cảnh báo. Trang web tham khảo được cung cấp trực tuyến tại địa chỉ: http://luquetsatlo.nchmf.gov.vn.
Trong thời gian tới, ngành khí tượng thủy văn sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp gì để nâng cao năng lực cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, thưa ông?
Phó Giáo sư - Tiến sỹ Mai Văn Khiêm: Do tính chất khốc liệt và những thiệt hại to lớn do lũ quét, sạt lở đất gây ra, nên việc cảnh báo các loại thiên tai này vẫn rất cần được chú trọng, đầu tư nhằm nâng cao khả năng cảnh báo giảm nhẹ thiệt hại.
Theo tôi, đầu tư trong giai đoạn phòng ngừa sẽ mang lại hiệu quả cao hơn nhiều so với giai đoạn ứng phó, khắc phục hậu quả.
Các giải pháp cụ thể cần thực hiện gồm: Tăng cường năng lực truyền tin dự báo, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất và công tác tuyên truyền về công tác khí tượng thủy văn đến người dân nhằm nâng cao năng lực ứng phó với thiên tai như bão, lũ, lũ quét của các cấp chính quyền (cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã) và nhân dân.
Đặc biệt là tăng cường mật độ mạng lưới trạm đo mưa tự động và cần đặt các trạm này ở đầu nguồn các sông suối nhỏ, nơi có nguy cơ sinh ra lũ quét, lũ ống; thiết lập các hệ thống tự động cảnh báo lũ quét, sạt lở đất ở các vùng có nguy cơ cao, kết hợp với nâng cao ý thức, tập huấn cho cộng đồng dân cư khu vực có nguy cơ cao.
Cùng với đó là đầu tư các công nghệ hiện đại, tự động cho phép tích hợp các số liệu mưa tự động, rada, vệ tinh; đầu tư đồng bộ các thiết bị đo đạc tự động, viễn thám theo công nghệ mới hướng tới bài toán dự báo định lượng mưa lớn, ứng dụng các công nghệ, mô hình toán hiện đại cảnh báo lũ quét, sạt lở đất thời gian thực../.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Theo TTXVN/Vietnam+