Nguy cơ mất an toàn khi lưu thông qua những cây cầu treo đã xuống cấp
Theo thống kê của Sở Giao thông vận tải Nghệ An, trên địa bàn tỉnh có tới 70 cầu treo. Trong đó, Sở và Khu Quản lý đường bộ 2 (Cục Đường bộ Việt Nam) quản lý 2 cầu treo, 68 cầu còn lại các huyện quản lý. Do quá trình sử dụng khá lâu năm, lượng phương tiện tham gia giao thông ngày càng tăng nên không ít cầu treo ở các địa phương cũng đang bị xuống cấp, hư hỏng.
Sở dĩ cây cầu treo ám ảnh cho người dân miền núi bởi ở địa phương này từng xảy ra những sự cố qua cầu khiến người và vật nuôi chết. Cụ thể như: Dịp tháng 10/2020, tại cầu treo Sông Giăng đã xảy ra một vụ tai nạn thảm khốc khiến 5 người rơi xuống sông tử vong. Đây là cây cầu nằm trên tuyến Quốc lộ 46C (nối xã Thanh Liên và Phong Thịnh, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An). Cầu được xây dựng từ năm 1985, rộng 4m, dài 120m, tải trọng 10 tấn. Sau gần 40 năm sử dụng, cầu đã xuống cấp nghiêm trọng, không còn đảm bảo an toàn cho người và phương tiện qua cầu.
Cầu được thiết kế chịu xe tải trọng 10 tấn, nhưng nay cây cầu này chỉ cho phép xe tải trọng dưới 5 tấn lưu thông. Đây cũng là giải pháp tạm thời để người dân yên tâm phần nào. Do cầu quá yếu nên cơ quan chức năng cắm nhiều biển cảnh báo ở hai đầu cầu để hạn chế xe tải lớn qua cầu. Đồng thời, đổ trụ chắn 2 bên cầu để hạn chế xe có tại trọng lớn lưu thông qua cầu.
Đặc biệt, vào trưa ngày 6/3/2024 vừa qua, cầu treo Kẻ Nính bắc qua sông Hiếu nối 2 bản Kẻ Nính và Đình Tiến thuộc xã Châu Hạnh, huyện Quỳ Châu bất ngờ đổ sập. Rất may sự cố không gây thiệt hại về người nhưng lại thiệt hại về vật nuôi. Được biết, cầu treo Kẻ Nính được xây dựng vào năm 2011, hoàn thành đưa vào sử dụng từ năm 2014 với tổng kinh phí trên 24 tỉ đồng. Tuy nhiên, chỉ sau 10 năm đưa vào khai thác đã bị đổ sập.
Nguyên nhân sập cầu được ngành chức năng xác định, do đất nền đường đầu cầu phạm vi dưới thanh neo bị sụt lún làm thanh neo phía hạ lưu mố neo M2 bị chuyển vị, gãy sập, làm dây cáp chủ kéo đỉnh trụ tháp phía hạ lưu mố M2 chuyển vị theo phương ngang, gây mất ổn định trụ tháp, làm sập toàn bộ nhịp treo của cầu.
Ngoài ra, hiện nay trên địa bàn huyện Tân Kỳ cũng có 4 cây cầu treo gồm Đò Rô, An Ngãi, Tân Thanh Hồng và Tiên Kỳ cũng rơi vào tình trạng tương tự. Tuy nhiên, để đảm bảo cho người dân được an toàn khi lưu thông, địa phương này cũng đã trích ngân sách để sửa chữa cả 4 cây cầu. Mặc dù đã được sửa chữa nhưng tâm lý e dè, ái ngại vẫn lộ rõ trên khuôn mặt của người dân.
"Kinh phí cho việc duy tu sửa chữa có hạn, chỉ được sửa chữa khi có hư hỏng. UBND huyện chỉ đạo các xã huy động lực lượng nghiêm cấm xe có tải trọng đi qua, cấm người và phương tiện lưu thông khi có mưa bão", ông Vi Văn Quang – Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện cho biết.
Huyện Con Cuông thuộc địa bàn miền núi tỉnh Nghệ An cũng có đến 6 cây cầu treo bắc qua sông Lam, nằm ở các xã như Bồng Khê, Lạng Khê, Chi Khê... Do các cầu treo này đã được xây dựng từ lâu nên hầu hết đều đang trong tình trạng xuống cấp.
Qua nhìn nhận, các cầu treo ở Nghệ An hầu hết nằm trong những khu vực miền núi chia cắt, thường xuyên bị ảnh hưởng bởi mưa lũ và có tuổi đời hàng chục năm. Các hạng mục đã rỉ sét, bào mòn, đứt gãy...