Xã hội

Mỏi mòn chờ hóa chất dập dịch, người nuôi tôm ở Quảng Trị điêu đứng

Đức Thủy - Bùi Ánh - 08:09 20/06/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Hiện tượng tôm nuôi chết bắt đầu xuất hiện từ đầu tháng 5 sau đó bùng phát chết hàng loạt ở nhiều nơi. Đến nay, toàn tỉnh Quảng Trị đã có gần 170ha tôm nuôi bị chết. Trong đó trên địa bàn huyện Vĩnh Linh thiệt hại nặng nhất với khoảng 110ha/166ha.
TIN LIÊN QUAN

Mong sớm có hoá chất xử lý 

Anh Trần Văn Hùng (ngụ tại thôn Phan Hiền, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh) là hộ có 5 hồ nuôi với diện tích khoảng 6 sào (3.000m2)/hồ, trong đó 4 hồ anh nuôi tôm sú, 1 hồ tôm thẻ. Với 4 hồ nuôi tôm sú thì tổng thiệt hại ước tính gần 200 triệu, không như những hộ khác hiện tượng tôm nuôi chết khi mới thả khoảng 5 đến 10 ngày thì hầu như chỉ mất chi phí giống. Riêng hồ tôm của anh Hùng tôm đã nuôi lớn nên lượng chi phí thức ăn cao.

Ngồi thẩn thờ trước những hồ tôm bỏ không, nhưng vẫn chưa có hoá chất xử lý để cải tạo hồ nuôi, anh Hùng buồn bà: "Tất cả vốn liếng và tiền vay mượn tôi đều đặt vào vụ nuôi tôm chính này nên khi tôm chết hàng loạt khiến tôi thành “con nợ”, "rất mong được cơ quan chức năng hỗ trợ hoá chất xử lý hồ nuôi, để tôi tiếp tục vay mượn nuôi tôm trong vụ chính này", anh Hùng chia sẻ.

Tôm chết hàng loạt chưa rõ nguyên nhân khiến người dân lao đao. Ảnh: Đức Thủy

Còn anh Hồ Văn Việt ngụ tại thôn Phan Hiền cho hay, với một hồ 6 sào, thiệt hại mỗi hồ lúc thả giống tôm khoảng hơn 20 triệu/hồ chưa kể số tiền xử lý ao hồ trước khi nuôi. Nếu hộ nào nuôi sớm thì thiệt hại càng nặng, một số gia đình nuôi được khoảng 1 tháng thì còn vớt vát được ít nhưng vẫn không thể bù được khoản tiền chi phí về giống. Riêng phần thức ăn là một khoản lỗ nặng khi giá thức ăn chăn nuôi đang rất cao.

“Dịch bệnh bắt đầu xuất hiện từ đầu tháng 5, thế nhưng người dân phải để nước nhiễm bệnh trong hồ chờ hoá chất xử lý. Những năm trước nếu tôm có bị bệnh thì người dân nhận được hoá chất sớm để dập dịch, nhưng năm nay thấy chậm, tới hiện tại anh vẫn chưa nhận được gói hoá hoá chất nào để xử lý hồ. Hiện tại, hầu như tất cả các hộ nuôi ở đây đều để hồ trống không, những nhà nào có tiền thì tự mua hoá chất về xử lý để xem xét tình hình dịch bệnh mà tiếp tục vào giống, nhưng những nhà không có tiền thì chỉ biết để đó chờ”, ông Việt cho hay.

Theo báo cáo của UBND huyện Vĩnh Linh ngày 13/6 về tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi tại địa bàn huyện, vì tình hình diễn biến thời tiết phức tạp, nắng nóng kéo dài làm môi trường nước trong ao bị ảnh hưởng nên ở một số xã trên địa bàn huyện đã xuất hiện tình trạng tôm nuôi bị chết với số lượng lớn.

Vớt tôm chết mỗi ngày mong cứu vãn số tôm còn sống của các hộ nuôi tôm. Ảnh: Đức Thủy

Tính đến nay, qua báo cáo rà soát của các xã, toàn huyện đã có 156,3ha tôm bị chết, nhưng thời gian qua, Chi cục Chăn nuôi Thú y chưa thực hiện được thủ tục đấu thầu mua hóa chất để hỗ trợ công tác phòng chống dịch bệnh trên tôm, do đó, các hộ nuôi không thực hiện lấy mẫu xét nghiệm xác định dịch bệnh và chưa tiến hành công tác xử lý hóa chất dập dịch theo quy định.

Đồng thời, để hỗ trợ các hộ nuôi xử lý dập dịch, cải tạo môi trường ao nuôi và hạn chế dịch bệnh lây lan, UBND huyện đề nghị hỗ trợ hóa chất Chlorine cho các xã trên địa bản có tôm bị chết với số lượng là 57.486kg

Tôm sắp đến kỳ thu hoạch, tôm chết chưa rõ nguyên nhân làm nhiều hộ nuôi tôm gặp khó khăn. Ảnh: Đức Thủy

Cần kinh phí mua hoá chất và thực hiện xét nghiệm dịch bệnh

Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi Thú y Quảng Trị, đến ngày 13/6/2023 thì trên địa bàn huyện Vĩnh Linh có xã Vĩnh Sơn là thiệt hại nặng nhất với gần 110ha, xã Hiền Thành thiệt hại 27ha, xã Vĩnh Giang 12,5ha…

Ngoài ra, trong tháng 5/2023, tại xã Triệu Phước (huyện Triệu Phong) cũng có 2ha tôm chết được xác định là do bệnh hoại tử gan tụy cấp tính và đã được Chi cục Chăn nuôi Thú y xuất cấp hóa chất dự trữ hỗ trợ dập dịch; đồng thời tham mưu Sở NN&PTNT đề xuất UBND tỉnh bố trí thêm kinh phí để chủ động nguồn hóa chất.

Theo ông Trần Hoãn, Chi cục phó Chi cục Chăn nuôi Thú y Quảng Trị cho hay, kinh phí mua hóa chất năm 2023 của Chi cục cũng chỉ tạm đủ để dập dịch ban đầu ở xã Vĩnh Sơn, còn nếu dịch lan rộng, hóa chất là điều vô cùng khó khăn với các ngành chức năng.

Nguồn nước nuôi tôm tại xã Vĩnh Sơn được lấy từ sông Sa Lung và sông Bến Hải. Ảnh: Đức Thủy

“Ngoài ra, theo quy định thì kinh phí để xét nghiệm tìm nguyên nhân tôm chết phải do người dân chi trả, sau khi có kết quả thì mới có cơ sở để cấp hóa chất. Vì vậy, sau khi sự việc tôm chết hàng loạt khiến người dân mất hết vốn và mang

theo một khoản nợ, giờ lại phải chịu thêm chi phí nên người dân không mặn mà với việc bỏ chi phí ra để xét nghiệm. Không những thế, khi Chi cục có thể tự xét nghiệm mẫu để xác định nguyên nhân nhưng với tâm lý không có hoá chất xử lý, và tâm trạng không tốt khiến người dân không hợp tác nên không thể lấy mẫu xét nghiệm. Trong khi đó, kinh phí từ Trung ương và tỉnh không đủ để tổ chức lấy mẫu xét nghiệm", ông Hoãn chia sẻ.

Còn ông Nguyễn Hữu Vinh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị cho biết, nguyên nhân khiến diện tích tôm nuôi bị dịch bệnh chết và lây lan nhanh phải kể đến việc xuất cấp hóa chất chậm tới tay người dân. Đồng thời với lượng hoá chất có hạn khiến tình trạng dịch bệnh mất kiểm soát.

Toàn huyện Vĩnh Linh có gần 170ha tôm chết do nhiễm bệnh. Ảnh: Đức Thủy

Ngoài ra, không thể bỏ qua yếu tố chủ quan và ý thức của người dân, khi các hồ nuôi của người dân không được che chắn cận thận, lúc này một hồ bị dịch bệnh thì các vật chủ khác như: còng, chim,.. sẽ là vật chủ mang mầm bệnh lây lan qua các hồ kế bên. Trong đó phải nói đến việc không có hóa chất xử lý nên việc người dân xả thẳng nước nhiễm bệnh trong ao hồ ra ngoài, gây ô nhiễm môi trường là nguy cơ hiện hữu.

“Khả năng tỉnh cung ứng hóa chất là không đủ nên cần Trung ương hỗ trợ thêm. Kinh phí xét nghiệm giám sát dịch bệnh hàng năm có nhưng không đáng kể nên chỉ sử dụng cho việc giám sát định kỳ hàng tháng. Dự báo tình hình nuôi tôm tại Quảng Trị sẽ còn gặp nhiều khó khăn do hiện tượng El Nino được dự báo kéo dài”, ông Vinh cho biết.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác