Giáo dục - hướng nghiệp

Nắm bắt nhu cầu rồi mới đào tạo

Ngọc Mai - 07:25 06/11/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi) Nhằm đáp ứng yêu cầu học nghề, tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho người nông dân, thời gian qua, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh Nam Định đã tích cực phối hợp đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, dạy nghề cho hội viên. Qua đào tạo nghề đã giúp nhiều nông dân có thêm kiến thức, kỹ năng ứng dụng vào sản xuất, từng bước vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.
Mô hình nuôi cá trắm đen của ông Trần Thanh Năm ở xã Xuân Vinh, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Ảnh: N.M

Tích cực tiếp thu kiến thức, kỹ thuật

Ông Trần Thanh Năm là 1 trong những gương nông dân điển hình làm kinh tế giỏi ở xã Xuân Vinh, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Với diện tích 6ha, trung bình mỗi năm, trang trại nuôi cá của gia đình ông Năm xuất bán trên 100 tấn cá, trong đó 70 tấn là cá trắm đen (loại trên dưới 10kg/con) và 30 tấn là cá chép và trắm cỏ. Doanh thu từ bán cá, (trong đó tiền thu từ bán cá trắm đen là chính) mỗi năm ở mức từ 6-7 tỷ đồng, sau khi trừ hết chi phí ông Năm lãi khoảng gần 1 tỷ đồng

Ông Năm kể, ông “sống chết” với nông nghiệp từ đầu những năm 2000. Cũng từng đấy năm không biết bao lần ông lao đao với con tôm, con cá. Thời gian đầu, ông nuôi thử lứa tôm thấy hiệu quả nên các lứa tiếp sau nuôi với quy mô lớn. Nhưng buồn thay càng nuôi lớn bao nhiêu thì ông càng thua lỗ bấy nhiêu, nợ nần chồng chất.

Chán tôm, ông lại chuyển sang nuôi cá vược, vài vụ đầu thấy nuôi cá vược vừa dễ lại hiệu quả kinh tế nên gia đình ông phấn khởi. Nhưng trớ trêu thay, mùa Đông năm 2010, nhiệt độ giảm sâu cả một cái ao rộng lớn nuôi cá vược chết không còn con nào. Một lần nữa, ông Năm lại rơi vào cảnh nợ nần.

Trải qua 2 lần thất bại, ông Năm rút ra được nhiều bài học xương máu, nuôi con gì cũng phải tìm hiểu kỹ thuật. Ông Năm chịu khó tham gia các lớp tập huấn, dạy nghề nuôi trồng thuỷ sản do các cấp Hội Nông dân (ND) trong tỉnh Nam Định tổ chức. Bên cạnh đó, ông Năm còn đi thăm quan học hỏi kinh nghiệm từ những người nuôi trước. 

Nắm vững kiến thức nuôi cá trong tay, ông Năm quyết định chuyển hết diện tích 4ha nuôi cá vược trước đó sang nuôi cá loại cá như trắm đen, chép.

Đến nay, trang trại nuôi trồng thủy sản của ông rộng đến 6ha, trong đó có 5ha diện tích mặt nước với con nuôi chủ lực là cá trắm đen. Với hơn 5 năm kinh nghiệm trong nuôi cá trắm đen, ông cho biết, định kỳ từ 10-15 ngày, ông sử dụng chế phẩm sinh học và vôi bột khử trùng nguồn nước. Thời điểm tháng 5, tháng 6, cá hay bị tuột vẩy, thối mang lúc thời tiết chuyển mùa nên ông Năm cho ăn thêm thuốc thảo mộc vào phòng bệnh.

“Nhiều năm nay, ngày nào tôi cũng xay tỏi rồi cho thêm một chút đường và dấm gạo nếp vào. Mấy thứ đó cho vào máy đảo đều lên, sau đó cho vào thùng ủ. Đợi tầm 5 hôm hỗn hợp tỏi xay, đường, dấm gạo này lên men rồi mang trộn vào cám mang cho cá ăn, cứ 1 bao cám cá trọng lượng 25kg là trộn thêm 3 bát tỏi ủ, cho ăn thường xuyên là không bao giờ sợ cá bị bệnh đường ruột. Cách làm này đơn giản, rẻ tiền nhưng cực kì hiệu quả, ngoài ra còn kích thích cá tiêu hóa nên đàn cá lớn trông thấy, thịt lại thơm ngon hơn”, ông Năm cho biết thêm.

Được học nghề bài bản, nhiều nông dân Nam Định đã tự tin làm giàu. Trong ảnh, anh Tô Văn Mạnh, thôn Lữ Đô, xã Yên Phương (Ý Yên) kiểm tra thức ăn tại máng ăn tự động trên ao nuôi cá chạch sụn của gia đình. Ảnh Đ.T

Đào tạo nghề, tạo việc làm cho nông dân

Thành công của ông Trần Thanh Năm với mô hình nuôi cá trắm đen đã tạo thêm động lực, khích lệ người dân nơi đây cùng nhau phát triển nghề nuôi cá trên mảnh đất quê hương. Không giấu nghề, ông Năm luôn sẵn sàng truyền đạt kinh nghiệm, tận tình giúp đỡ người dân trong xã về kỹ thuật nuôi cá để mọi người có thêm cách làm mới, ngày càng hiệu quả.

Cùng với ông Năm, trên địa bàn tỉnh Nam Định còn hàng nghìn nông dân khác cũng phát triển kinh tế thành công từ các lớp học nghề. Được hướng dẫn bài bản kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản, nông dân tỉnh Nam Định đã mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế và vươn lên thành những tỷ phú, triệu phú. 

Trao đổi về công tác dạy nghề cho nông dân, ông Nguyễn Hùng Mạnh - Chủ tịch Hội ND tỉnh Nam Định cho biết: Hàng năm, Hội ND tỉnh đã chỉ đạo Hội ND các cấp tiến hành điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của hội viên nông dân và đăng ký số lớp, ngành nghề đào tạo; đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền, tư vấn nghề cho người lao động nâng cao nhận thức về nghề nghiệp, việc làm. 

Trên cơ sở đó, các cấp Hội phối hợp, liên kết với đơn vị tổ chức dạy nghề gắn với giải quyết việc làm, cung ứng lao động cho các doanh nghiệp. Các lớp đào tạo nghề mở tại địa phương đã tạo điều kiện thuận lợi cho người học. Nội dung học lý thuyết đi đôi với hướng dẫn thực hành của giảng viên tại cơ sở sản xuất, trang trại, các mô hình tiêu biểu ở địa bàn nông thôn, giúp học viên dễ dàng tiếp nhận kiến thức, học hỏi được cách làm, cũng như kinh nghiệm của các nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi.

Từ việc tham gia các lớp đào tạo nghề, hội viên nông dân cũng từng bước từ bỏ các thói quen canh tác cũ chuyển sang áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, kiến thức, kỹ năng, phương pháp mới vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng nông sản. Nhiều học viên sáng tạo, mạnh dạn triển khai vào thực tiễn sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao. 
Trong 5 năm qua, các cấp Hội đã trực tiếp tổ chức 89 lớp đào tạo nghề cho gần 3.000 lao động nông thôn. Trong đó năm 2021, Hội ND tỉnh tổ chức 8 lớp dạy nghề cho 246 lao động nông thôn tại các huyện Hải Hậu, Ý Yên, Mỹ Lộc, Vụ Bản với các nghề may công nghiệp, trồng cây cảnh, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thuỷ sản. Ngoài ra, Hội ND còn phối hợp với Trung tâm giới thiệu việc làm (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) mở lớp học tiếng Hàn cho 16 lao động đi làm việc tại Hàn Quốc. Hội ND các huyện, thành phố phối hợp tổ chức 47 lớp dạy nghề cho gần 1.384 hội viên. 

Đặc biệt, từ năm 2015, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân (Hội Nông dân tỉnh Nam Định) đi vào hoạt động đã nâng cao hiệu quả dạy nghề, giải quyết việc làm cho nông dân. Hàng năm, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh đã trực tiếp tổ chức hàng chục lớp dạy nghề và cấp chứng chỉ sơ cấp nghề cho hàng trăm lao động học các nghề trồng cây cảnh, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thuỷ sản. Tỷ lệ nông dân sau học nghề có việc làm đạt 85%. 

Công tác đào tạo nghề, tạo việc làm được các cấp Hội ND quan tâm, chú trọng đã và đang phát huy hiệu quả thiết thực, giúp nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh. Năm 2021, toàn tỉnh có 126.750 hộ đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. 

Để phát huy hiệu quả công tác đào tạo nghề, các cấp Hội Nông dân tỉnh Nam Định còn chú trọng các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân về vốn, khoa học kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm; hướng dẫn xây dựng các mô hình kinh tế tập thể như tổ hợp tác, HTX.
Theo Hội Nông dân tỉnh Nam Định.
 

Tin cùng chuyên mục
Tin khác