Lũ vượt báo động 3, Nam Định tập trung gia cố đê và di dời dân tại các xã ven sông
Trực Ninh khẩn trương ứng cứu chống tràn đê bối xã Phương Định
Sáng ngày 11/9, ông Trần Anh Dũng- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cùng lãnh đạo Sở NN&PTNT đã đi kiểm tra công tác khắc phục, xử lý ảnh hưởng của lũ, mưa lớn do hoàn lưu bão số 3 tại vùng bối xã Phương Định. Cùng đi kiểm tra có ông Phạm Trọng Duy- Phó Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Trực Ninh cùng các Phó Chủ tịch HĐND, UBND huyện và lãnh đạo một số ngành của huyện, lãnh đạo xã Phương Định.
Do mưa lớn, kết hợp với nước lũ từ thượng nguồn đổ về, mực nước trên sông Ninh Cơ thuộc địa bàn xã Phương Định dâng cao, tuyến đê bối xã Phương Định có mặt bối thấp nên nhiều đoạn nước đã tràn qua mặt bối, đe dọa trực tiếp đến an toàn của 459 hộ dân với 1.455 nhân khẩu. Hiện tại, nhiều điểm bối đã được gia cố chống tràn bằng bao tải cát và di chuyển người dân sống ngoài bối đến nơi an toàn. Ngoài vật tư, nhân lực được xã Phương Định ứng cứu chống tràn mặt bối, thị trấn Cổ Lễ cũng huy động nhân lực, vật tư, phương tiện xuống vùng bối xã Phương Định để ứng cứu.
Kiểm tra tại vùng bối xã Phương Định, ông Trần Anh Dũng nhấn mạnh, cần khẩn trương tổ chức di dời 100% người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, sẵn sàng cưỡng chế di dời nếu cần thiết, chuẩn bị đầy đủ chỗ ở, lương thực, thực phẩm cho người dân tại nơi tránh trú, thường xuyên cử người thường trực, chuẩn bị các loại vật tư sẵn sàng phòng chống, đảm bảo an toàn tuyến đê. Đoàn công tác cũng kiểm tra cống Mỏ Cò trên đê hữu Ninh Cơ thuộc địa bàn xã Liêm Hải. Cống Mỏ Cò có vai trò hết sức quan trọng trong việc điều tiết nước từ phía nội đồng và phía ngoài sông Ninh Cơ.
Trước đó, chiều ngày 10/9/2024, Đoàn công tác của tỉnh do ông Phạm Gia Túc- Bí thư Tỉnh uỷ Nam Định đã về kiểm tra công tác phòng chống lũ tại tuyến đê bối xã Phương Định. Sau khi kiểm tra thực tế, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ biểu dương tinh thần chủ động, tích cực thực hiện các biện pháp phòng chống thiên tai, lũ của lãnh đạo huyện Trực Ninh, xã Phương Định.
Ông Phạm Gia Túc yêu cầu các cấp các ngành huyện Trực Ninh nói chung và xã Phương Định nói riêng tiếp tục thực hiện các biện pháp, thường xuyên cử người thường trực, chuẩn bị các loại vật tư sẵn sàng phòng chống, đảm bảo an toàn tuyến đê, yêu cầu người dân chấp hành nghiêm lệnh di dân vào nơi an toàn, nếu ai không chấp hành di dân đến nơi an toàn có thể phải cưỡng chế, đồng thời đảm bảo an toàn tài sản của nhân dân.
Một số hình ảnh công tác ứng phó di dời dân tại xã Phương Định:
Để ứng phó, huyện Trực Ninh đã gia cố các điểm nguy cơ tràn bằng bao tải cát và di dời 400 hộ dân (1.200 nhân khẩu) đến nơi an toàn. Ông Phạm Gia Túc nhấn mạnh tầm quan trọng của việc di dời toàn bộ người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, bao gồm cả những hộ có nhà kiên cố, và cho biết sẵn sàng cưỡng chế nếu cần thiết. Cũng như cần chuẩn bị đầy đủ chỗ ở, lương thực, thực phẩm và thuốc men cho người dân tại nơi tránh trú.
Nam Trực sẵn sàng di chuyển người ra khỏi vùng Bối
Trước đó, kiểm tra công tác khắc phục và xử lý ảnh hưởng của mưa lớn do hoàn lưu bão số 3 tại huyện Nam Trực, ông Phạm Gia Túc đã kiểm tra bối Đại An, xã Nghĩa An, nơi đang bị nước rò qua, gây nguy cơ sạt lở. Kiểm tra tại Xí nghiệp gạch Nam An, nơi nước đang tràn qua bối, đe dọa trực tiếp đến sự an toàn của khu vực sản xuất và các hộ dân lân cận, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, đây là khu vực trọng yếu nhất trong công tác phòng, chống thiên tai hiện tại của huyện Nam Trực và yêu cầu huyện khẩn trương gia cố khu vực, huy động lực lượng và phương tiện, đồng thời kêu gọi người dân nhanh chóng di dời đến nơi an toàn.
Do ảnh hưởng của bão số 3 và hoàn lưu sau bão, mưa lớn kéo dài cùng với lũ trên thượng nguồn đổ về khiến mực nước trên hai tuyến sông Hồng và sông Đào qua địa bàn huyện Nam Trực dâng cao. Vào thời điểm 10h ngày 10/9/2024, mực nước trên sông Đào đo tại cống Kinh Lũng là 3,4m (báo động II), mực nước trên sông Hồng đo tại cống Vị Khê là 4,0m (báo động II). Dự báo mực nước trên sông Đào và sông Hồng sẽ tiếp tục lên.
Để chủ động ứng phó với diễn biến của lũ, không để xảy ra tình huống bất ngờ, giảm thiểu thiệt hại thấp nhất do lũ gây ra, Chủ tịch UBND huyện Nam Trực đã yêu cầu UBND Thị trấn Nam Giang, UBND các xã: Nghĩa An, Nam Dương, Đồng Sơn, Nam Điền, Nam Thắng, Tân Thịnh, Nam Hồng, Nam Thanh, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, Trạm trại,... đóng trên địa bàn các xã duyên giang khẩn trương theo dõi sát diễn biến mực nước lũ, diễn biến đê, kè, cống, các công trình đê điều, thường xuyên thông báo đến người dân, các cơ quan đơn vị trên địa bàn để chủ động ứng phó. Kiểm tra, kiện toàn đầy đủ theo phương án, phương châm “bốn tại chỗ”. Chủ động xử lý kịp thời mọi diễn biến do lũ gây ra.
Một số hình ảnh chính quyền và các lực lượng xã Nghĩa An (Nam Trực) khẩn trương hộ đê
Các xã có bối dân sinh, bối chuyên dùng như: Nam Thắng, Tân Thịnh, Nghĩa An, Thị trấn Nam Giang chuẩn bị đầy đủ các điều kiện vật tư, phương tiện theo phương án, sẵn sàng di chuyển người, thiết bị và tài sản ra khỏi vùng Bối khi có lệnh di chuyển của cấp có thẩm quyền. Tổ chức trực ban 24/24h theo quy định. UBND huyện cũng đã ra Thông báo báo động lũ cấp II trên sông Hồng, sông Đào kể từ 10h30 ngày 10/9/2024; tổ chức thường trực, theo dõi đầy đủ, thông báo kịp thời đến các tổ chức, các tầng lớp nhân dân về diễn biến của lũ trên sông để chủ động đối phó./.