Thông tin từ cơ sở

Nâng cao kiến thức về sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ

Hoàng Tính - 08:16 01/09/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Trong 2 ngày 30-31/8, Hội Nông dân tỉnh Hải Dương đã tổ chức 2 lớp tập huấn về kiến thức, kỹ năng tuyên truyền, vận động nông dân phát triển nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp theo hương hữu cơ cho 152 đại biểu (Chủ tịch, Phó Chủ tịch HND cơ sở và Chi hội trưởng, Chi hội phó thôn, khu dân cư) của 2 huyện Nam Sách và Tứ Kỳ.

Trong khuôn khổ chương trình tập huấn, các đại biểu đã được nghe ông Lê Thiết Hùng - Trưởng Ban Kinh tế Xã hội (Hội Nông dân tỉnh Hải Dương) truyền đạt những kiến thức cơ bản về tổng quan, khái niệm về nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ; cách triển khai hoạt động sản xuất gắn với nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ…

ông Lê Thiết Hùng - Uỷ viên Ban Thường vụ,Trưởng Ban Kinh tế Xã hội (Hội Nông dân tỉnh Hải Dương) truyền đạt những kiến thức cho các đại biểu

Phát triển nông nghiệp tuần hoàn

Về phát triển nông nghiệp tuần hoàn đây là quá trình sản xuất theo chu trình khép kín thông qua việc áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ sinh học vào sản xuất các chất thải, phế phụ phẩm sẽ được tái chế, quay lại làm nguyên liệu đầu vào cho quá trình nuôi trồng, chế biến nông, lâm, thủy sản, tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao, giảm ô nhiễm môi trường, bảo vệ sinh thái và sức khỏe con người.

Ở Hải Dương nông nghiệp tuần hoàn đã được thực hiện và ngày càng được chú trọng hơn, các tiến bộ KHKT, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp để nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, giảm chi phí sản xuất nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ngày càng đi vào chiều sâu và chất lượng, nâng cao giá trị, khả năng cạnh tranh của các mặt hàng nông sản, tăng thu nhập cho nông dân, đồng thời sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Các đại biểu trên địa bàn huyện Tứ Kỳ tham gia lớp tập huấn

Đối với lĩnh vực trồng trọt: Hiện nay, ước tính rơm rạ, thân cây ngô và phụ phẩm trên cây rau đã được tận dụng để làm thức ăn chăn nuôi, làm nấm, ủ phân hữu cơ, phủ luống hành, tỏi, cà rốt, ủ gốc giữ ẩm… qua đó gia tăng hiệu quả kinh tế (người dân có thêm thu nhập từ 500.000 – 700.000đ/ha từ rơm…), tăng độ tơi xốp của đất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Mô hình “Lúa – Rươi – Cáy” sử dụng 100% phân hữu cơ, giúp nông dân thu nhập hàng tỷ đồng/ha và BVMT. Mô hình sản xuất hành tỏi, lúa nếp cái hoa vàng, cà rốt theo hướng hữu cơ đã luân canh cây trồng hợp lý, tận dụng 100% tàn dư cây trồng để cải tạo đất, làm thức ăn cho gia súc… giúp nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng và tăng hiệu quả.

Đối với lĩnh vực chăn nuôi: Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, ứng dụng công nghệ trên đàn gia súc, gia cầm đã giúp tăng hiệu quả kinh tế, tăng giá trị sản lượng và chất lượng sản phẩm. Chăn nuôi theo hướng VietGAP, theo hướng thân thiện với môi trường và an toàn sinh học được chú trọng thực hiện, sử dụng các chế phẩm sinh học, acid hữu cơ để bổ sung vào thức ăn, nước uống cho vật nuôi để làm giảm mùi hôi trong quá trình chăn nuôi, giảm tỷ lệ bệnh, tăng năng suất sản xuất, đặc biệt là bảo vệ sức khỏe cộng đồng và BVMT ngày càng được người dân quan tâm.

Tại Hải Dương, hiện có 122 cơ sở chăn nuôi được cấp giấy chứng nhận VietGAP, có 521 cơ sở chăn nuôi đáp ứng tiêu chí sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Các mô hình chăn nuôi tuần hoàn chăn nuôi bò, gà và nấm nhằm tận dụng phụ phẩm chăn nuôi để nuôi giun trùn quế và làm phân trồng nấm tại huyện Tứ Kỳ, mô hình nuôi lợn sử dụng chế phẩm sinh học nhằm xử lý phân và chất thải trong chăn nuôi tạo thành phân hữu cơ chất lượng cao phục vụ sản xuất cà rốt và rau màu tại huyện Cẩm Giàng…

Nông nghiệp hữu cơ

Nông nghiệp hữu cơ là một phương thức sản xuất nông nghiệp dựa trên cơ sở sử dụng các chu trình sinh học có trong tự nhiên. Nói một cách khác, phương thức sản xuất nông nghiệp hữu cơ là một phương thức sản xuất mà trong đó các quá trình sản xuất đều theo quy luật sinh học tự nhiên vốn có.

Nguyên lý cơ bản trong canh tác nông nghiệp hữu cơ là tôn trọng tự nhiên, các hợp phần kỹ thuật được thực hiện với sự cố gắng ít làm đảo lộn quy luật phát triển của tự nhiên.

Từng giải pháp kỹ thuật đưa ra đều được xem xét trên cơ sở mối quan hệ sinh thái giữa cây trồng - đất đai - vật nuôi - con người. Mặt khác, ngay trong một hợp phần kỹ thuật thì các giải pháp trong hợp phần đó bao giờ cũng được xây dụng trên cơ sở mối quan hệ và tác động lẫn nhau giữa chúng.

Canh tác trong nông nghiệp hữu cơ còn dựa trên nguyên tắc khai thác tối đa nhưng phải hợp lý trên cơ sở cân bằng sinh thái nguồn tài nguyên thiên nhiên như đất, nước, nguồn gen cây con... đồng thời khai thác những kiến thức bản địa tốt.

Trên địa bàn tỉnh Hải Dương có khoảng 500 vùng sản xuất rau màu.

Song song với khai thác những kiến thức bản địa tốt, cần thường xuyên tìm tòi áp dụng những kiến thức khoa học kỹ thuật tiến bộ. Những khoa học kỹ thuật tiến bộ đó phải theo nguyên tắc tôn trọng quy luật tự nhiên và xem xét trên mối quan hệ tổng hòa giữa các hợp phần kỹ thuật với nhau.

Thời gian qua, tỉnh Hải Dương đã tích cực thực hiện phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ với mục tiêu thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Phấn đấu đến năm 2025, diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ, sản xuất an toàn (theo quy trình VietGAP, GlobalGAP, theo tiêu chuẩn quốc tế…) đạt 30% diện tích.

Trong đó: Diện tích nhà màng, nhà lưới sản xuất rau, hoa: 100ha, diện tích tưới nước tiên tiến, tiết kiệm đạt 30% diện tích, diện tích cơ giới hóa đồng bộ sản xuất lúa, rau: 25.000ha, diện tích được chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt (GAP) trên rau, lúa, trái cây: 3.200 ha, diện tích ứng dụng giống lúa, rau màu năng suất, chất lượng, kháng sâu bệnh tốt (sử dụng công nghệ sinh học phân tử trong lai tạo,..), sử dụng phân bón Nano, phân hữu cơ, chế phẩm vi sinh vật đối kháng, thuốc BVTV sinh học...: 10.000ha.

 Công nhận ít nhất 8 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và 20 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh theo quy định; có 30-40% diện tích lúa, 60-70% diện tích rau màu, 40-50% diện tích cây ăn quả được bón phân hữu cơ; có 1.500 - 2.000 ha trồng trọt sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

Có trên 95% trang trại chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất; số cơ sở chăn nuôi được chứng nhận VietGHAP là 300 cơ sở. Xây dựng 3 vùng sản xuất rươi cáy, lúa hữu cơ kết hợp du lịch sinh thái tại 3 vùng sản xuất rươi lớn An Thanh- Tứ Kỳ, Vĩnh Lập - Thanh Hà và Minh Tân- Kinh Môn.

Trên địa bàn huyện Tứ Kỳ hiện có 8 vùng khai thác rươi, cáy kết hợp sản xuất lúa hữu cơ với tổng diện tích 367 ha

Là thành viên của lớp tập huấn, ông Nguyễn Văn Khoa – Chủ tịch Hội Nông dân xã An Thanh (huyện Tứ Kỳ) cho biết: Trong 1 ngày được tập huấn với những nội dung, kiến thức về nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ, tôi thấy rất sát hoạt động ở cơ sở chúng tôi. Khi về triển khai hoạt động ở địa phương tôi sẽ truyền đạt lại những kiến thức này cho bà con nông dân, hội viên nông dân trong xã để cùng thực hiện.

Cùng quan điểm với ông Khoa, ông Nguyễn Văn Hoè – Chủ tịch Hội Nông dân xã Tái Sơn (huyện Tứ Kỳ) cho biết thêm: Các nội dung được truyền đạt hôm nay tôi thấy rất thiết thực; nhất là ví dụ trong triển khai mô hình nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ rất cụ thể được lấy từ tỉnh Hải Dương đến trên cả nước... Đây sẽ là những kiến thức quan trọng để chung tôi về triển khai trên địa bàn xã.

Lớp tập huấn đã nâng cao kiến thức cho các đại biểu về phát triển nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ. Đây là cơ sở quan trọng để các đại biểu về tuyên truyền, triển khai và thực hiện. Từ đó sẽ góp phần xây dựng một nền nông nghiệp bền vững, an toàn dịch bệnh và bảo vệ môi trường, đảm bảo an sinh xã hội.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác