Nâng cao tư duy kinh tế nông nghiệp cho nông dân qua mô hình liên kết
Chiều 20/8, tại huyện Thanh Chương, Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Hội Nông dân huyện Thanh Chương và các đơn vị liên quan tổ chức chương trình bàn giao dê giống thực hiện mô hình chăn nuôi sinh sản tại xã Thanh Hà; thả cá giống và thu mua nguyên liệu tại đập Tràng Không, xã Thanh Xuân.
Tham dự chương trình có các đồng chí: Trần Quốc Khánh - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Nguyễn Quang Tùng - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh; Trần Xuân Học - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Việc phối hợp và xây dựng mô hình theo hướng mới này nhằm giúp nông dân thay đổi tư duy từ sản xuất theo tập quán sang sản xuất theo quy trình, tiêu chuẩn của người tiêu dùng, sản xuất những gì thị trường cần thay cho cung ứng thị trường những gì mình có. Đồng thời, sản xuất theo hướng an toàn, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, giúp người dân hạn chế được tối đa những tổn thất do biến động thị trường mang lại.
Tại đây đoàn đã tham dự chương trình thả cá giống và thu mua nguyên liệu do Hội Nông dân huyện Thanh Chương phối hợp với Công ty trách nhiệm hữu hạn TYP NATURA tổ chức. Hội đã hỗ trợ kết nối đơn vị cung ứng 4 tấn cá giống để thả nuôi ở đập Tràng Không, xã Thanh Xuân do hộ gia đình ông Nguyễn Cảnh Chung đảm nhận trách nhiệm.
Việc phối kết hợp giữa 3 nhà: Nhà nước – Nhà Nông – Nhà Doanh nghiệp nhằm tăng tính liên kết bền chặt cùng hỗ trợ lẫn nhau để tiến đến mục tiêu cao nhất là hiệu quả kinh tế mang lại. Sự tương hỗ này càng nâng cao chất lượng, giá trị của sản phẩm và cạnh tranh được thị trường vốn có nhiều biến động bởi những nguyên nhân khác nhau. Đây thực sự là mô hình mới, hướng đi mới giúp nông dân phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho bà con nông dân
Mặt khác, Hội Nông dân tỉnh cũng đã bàn giao mô hình nuôi dê sinh sản cho 3 hộ hội viên nông dân với 21 con dê sinh sản (mỗi hộ 7 con dê sinh sản) tại xã Thanh Hà. Đồng thời, Hội còn hỗ trợ các hộ dân tập huấn kỹ thuật chăn nuôi dê sinh sản, hỗ trợ thức ăn hỗn hợp cho vật nuôi và cách xây dựng chuồng trại.
Đồng chí Nguyễn Quang Tùng - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh nhấn mạnh: Đây là việc làm có ý nghĩa, trực tiếp giúp người nông dân có thêm tư liệu sản xuất, nâng cao đời sống; từng bước hình thành nhóm hộ sản xuất, xây dựng thành lập các tổ hội nghề nghiệp. Qua đó, từng bước thay đổi nhận thức của người nông dân từ sản xuất nhỏ lẻ sang áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất theo hướng hàng hóa, sản xuất theo chuỗi giá trị đem lại hiệu quả giá trị kinh tế cao trên một đơn vị diện tích.
Chính sự liên kết chặt chẽ trong hoạt động sản xuất góp phần tạo ra nhiều cơ hội kết nối, giao lưu hợp tác với các doanh nghiệp trong các lĩnh vực ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, cung ứng vật tư đầu vào và tiêu thụ nông sản. Từ đó, giúp nông dân hiểu được quy luật vận hành của cơ chế thị trường; điều chỉnh sản xuất, đa dạng hóa nông sản cũng như các hình thức sản xuất thích hợp, khắc phục tình trạng cung vượt cầu.