Ngành Giáo dục và Đào tạo Sơn La góp phần tích cực trong xây dựng nông thôn mới
Chất lượng giáo dục ở Sơn La được nâng cao toàn diện
Theo ông Lê Tiến Quân, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La, trong năm học 2023 - 2024, quy mô mạng lưới, trường lớp được rà soát sắp xếp, củng cố và phát triển. Cơ sở vật chất trường học được tăng cường, bổ sung đồng bộ và từng bước hiện đại; cơ bản đáp ứng đủ 1 phòng/lớp học, đảm bảo dạy học 2 buổi/ngày (tỷ lệ phòng học kiên cố đạt gần 73%, phòng học bán kiên cố đạt khoảng 25%); thư viện, phòng thí nghiệm, phòng học bộ môn, nhà làm việc, nhà công vụ cho giáo viên, nhà ăn, nhà ở bán trú, công trình nhà vệ sinh, nước sạch, trang thiết bị dạy học được quan tâm đầu tư.
Tính đến ngày 31/5/2024, toàn tỉnh có gần 400 cơ sở giáo dục đạt chuẩn quốc gia, chất lượng các trường đạt chuẩn quốc gia ngày càng được nâng cao. Công tác phổ cập giáo dục cho trẻ 5 tuổi tiếp tục được củng cố, duy trì với tỷ lệ trẻ trong độ tuổi đến trường đạt 100%. Công tác phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục trung học và xóa mù chữ đạt mức độ 2.
Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT toàn tỉnh năm học 2023 - 2024 đạt 99,84%, tăng 0,12% so với năm học 2022 - 2023. Điểm trung bình các môn thi đạt 6,40 điểm, tăng 0,29 điểm so với năm 2023; có 168 điểm 10, tăng thêm 6 điểm so với năm 2023.
Tháng 02/2024, tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp quốc (UNESCO) đã chính thức công nhận thành phố Sơn La là thành viên trong mạng lưới các thành phố học tập toàn cầu (là đơn vị thứ 5 trong toàn quốc đạt được danh hiệu này). Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La có tên trên bản đồ giáo dục thế giới cùng với nền giáo dục của các nước phát triển, là niềm tự hào của tỉnh Sơn La nói chung và của ngành Giáo dục Sơn La nói riêng.
Phát triển giáo dục góp phần xây dựng nông thôn mới
Theo Nghị quyết số 22-NQ/TU ngày 06/6/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La về xây dựng nông thôn mới tỉnh Sơn La giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo có đề cập đến giải pháp xây dựng, hoàn thiện cơ sở vật chất cho các cơ sở giáo dục đảm bảo đạt chuẩn theo quy định; tập trung xây dựng 1 số trường đạt chuẩn quốc gia và chuẩn về cơ sở vật chất theo tiêu chí nông thôn mới; Tiếp tục nâng cao chất lượng, phát triển giáo dục ở nông thôn, trong đó, chú trọng duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục phổ thông cơ sở; Duy trì, củng cố chất lượng biết chữ mức độ 1, từng bước nâng cao tỷ lệ biết chữ mức độ 2 cho người lớn trong độ tuổi 15 - 60 tuổi.
Để góp phần tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, đồng thời đảm bảo các tiêu chí về giáo dục và đào tạo trong xây dựng nông thôn mới, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La cho biết: Sở sẽ nỗ lực đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục cho mọi đối tượng; trong đó, quan tâm đến đối tượng là người dân tộc thiểu số, người sống ở miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, trẻ mồ côi, trẻ em không nơi nương tựa, người khuyết tật, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La tiếp tục củng cố, duy trì vững chắc kết quả phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục THCS, xóa mù chữ và từng bước phấn đấu đạt chuẩn mức độ cao hơn để nâng cao chất lượng giáo dục; Xây dựng kế hoạch thực hiện mục tiêu đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi vào năm 2030; Triển khai dạy tiếng Việt cho trẻ mầm non trước khi vào lớp 1 đối với con em các dân tộc thiểu số theo Thông tư số 23/2023/TT-BGDĐT ngày 08/12/2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên được ưu tiên đầu tư, trong đó, ưu tiên củng cố, phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh bán trú, các trung tâm học tập cộng đồng các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số; Phát triển các phương thức giáo dục hòa nhập, chuyên biệt và bán chuyên biệt để đáp ứng quyền được học tập của người học là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người khuyết tật.
Chất lượng giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên được chú trọng, nâng cao; Triển khai hiệu quả Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đối với các lớp, đặc biệt với các lớp 5, lớp 9, lớp 12.
Trong năm học mới 2024 - 2025, công tác dạy và học ngoại ngữ được tiếp tục được đẩy mạnh, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học. Ngành Giáo dục và Đào tạo trong tỉnh nghiên cứu và xây dựng Đề án từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học…
Phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục bảo đảm đủ số lượng và nâng cao về chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo; Sử dụng hiệu quả ngân sách Nhà nước và huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục.
- Chíp bán dẫn và hợp tác giữa Trường CĐ Công thương Việt Nam và ĐH Khoa học kỹ thuật Minh Tân
- Bài 4: Giải pháp đột phá trong dạy nghề, tạo việc làm ở miền Tây xứ Nghệ
- Phấn đấu đến năm 2030 đào tạo 50.000 nhân lực có trình độ đại học trở lên phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn
- Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị miễn giảm học phí, hỗ trợ sinh viên bị thiệt hại do bão số 3