Thời sự trong nước

Ngày 25/5, Quốc hội tiếp tục thảo luận về kết quả thực hiện phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước

10:41 25/05/2022 GMT+7
Theo chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, ngày 25/5 Quốc hội tiếp tục thảo luận ở tổ nhằm đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước.
TIN LIÊN QUAN

Chiều 24/5, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tham gia thảo luận ở tổ về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa. Ảnh Doãn Tấn/TTXVN

Trong phiên họp buổi sáng, Quốc hội thảo luận ở tổ về: Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022; Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020; Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021; Việc tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017.

Trong phiên họp buổi chiều cùng ngày, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi).  

Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi).

Trước đó, trong phiên họp buổi chiều ngày 24/5, Quốc hội đã họp phiên toàn thể tại Hội trường, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải. Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa.

Tiếp đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa.

Sau đó, Quốc hội thảo luận ở tổ về: Dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa; Tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 và kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh điều này khi thảo luận về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa.

Phát huy mọi tiềm năng, lợi thế để phát triển tỉnh Khánh Hòa nhanh và bền vững, là hình mẫu của sự gắn kết giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh

Chiều 24/5, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa. Ngay sau đó, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về nội dung này.

Thảo luận tại tổ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, bên cạnh vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng và tiềm năng, lợi thế để bứt phá phát triển và thúc đẩy lan tỏa tích cực đến phát triển vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên, Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị yêu cầu phát huy mọi tiềm năng, lợi thế để phát triển tỉnh Khánh Hòa nhanh và bền vững, là hình mẫu của sự gắn kết giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại tổ. Ảnh VOV

Ngoài một số chính sách tương đồng với các địa phương khác đã được Quốc hội cho phép thực hiện, Khánh Hoà cũng được hưởng một số chính sách mới như về chuẩn bị thu hồi đất; tách hỗ trợ, bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư công hay phát triển Khu kinh tế Vân Phong.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, dự thảo nghị quyết quy định rất chặt chẽ từ thẩm quyền, điều kiện cho đến khuyến cáo trong tổ chức thực hiện để tránh “mới vào đo vẽ thì giá đất đã tăng”.

“Van, khoá cũng nhiều, chặt chẽ nên không làm tuỳ tiện được đâu” – ông Vương Đình Huệ phân tích như phải có quyết định chủ trương đầu tư, tức có “dự án mẹ” mới tách dự án giải phóng mặt bằng ra là trước chứ không phải giải phóng lúc nào cũng được, tránh hiện tượng thu hồi đất lại không làm gì, hoặc thu 10 phần mà làm có 1 phần.

Bày tỏ đồng tình với tờ trình của Chính phủ, đại biểu Trần Quốc Tỏ (đoàn Bắc Ninh) đánh giá cao cơ chế phân cấp, tăng tính chủ động và trách nhiệm của tỉnh Khánh Hoà cũng như đảm bảo nhiệm vụ kiểm tra, giám sát của Quốc hội, Chính phủ, HĐND các cấp ở địa phương.

Các cơ chế, chính sách này sẽ tạo ra hành lang pháp lý để phát huy tiềm nặng, tạo đột phá phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đưa Khánh Hoà đạt được mục tiêu như Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị yêu cầu.

Tuy vậy, Thứ trưởng Bộ Công an cũng đề nghị Chính phủ cân nhắc thêm về cơ chế, chính sách phù hợp bối cảnh thực tiễn về phát triển của địa phương cũng như khả năng cân đối nguồn lực của Nhà nước, trên cơ sở huy động tối đa nguồn lực xã hội vào hoàn thiện nhanh cơ sở kết cấu hạ tầng.

Quan trọng hơn, các chính sách phải gắn liền bảo đảm giữ vững chủ quyền, quốc phòng an ninh, lợi ích quốc gia và phát triển kinh tế bền vững.

Quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa dưới 500 ha; quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sản xuất dưới 1.000 ha theo ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ là chính sách đột phá, tăng tính chủ động, tạo động lực cho địa phương giải quyết vấn đề cấp bách

Cho rằng việc cho HĐND tỉnh quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa dưới 500 ha; quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sản xuất dưới 1.000 ha theo ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ là chính sách đột phá, tăng tính chủ động, tạo động lực cho địa phương giải quyết vấn đề cấp bách trong phát triển, tuy nhiên đại biểu Trần Thị Vân (đoàn Bắc Ninh) lưu ý việc chuyển đổi phải phù hợp quy hoạch, kế hoạch, không ảnh hưởng trật tự an toàn xã hội, quốc phòng an ninh và cuộc sống của người dân.

“Gắn trách nhiệm tổ chức, cá nhân trong quyết định chuyển đổi để đảm bảo công khai, minh bạch, tránh trục lợi chính sách” đại biểu lưu ý, đồng thời đề nghị đánh giá tác động cụ thể hơn, nhất là về khu kinh tế Vân Phong.

Đại biểu Quốc hội thảo luận tổ chiều 24/5. Ảnh VOV

Đại biểu Phan Huỳnh Sơn (đoàn An Giang) cho rằng trong số 11 chính sách thì có tới 8 chính sách nhiều tỉnh đều mong muốn. Vì thế đây không phải là những chính sách đặc thù, không rõ khi thực hiện ở tỉnh Khánh Hòa sẽ lan tỏa được đến đâu. Đơn cử với chính sách quản lý đất đai, giúp tăng tính tự chủ của địa phương, nhưng cũng trăn trở về việc chuyển đổi đất.

Trước ý kiến trên, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng điều này rất đáng suy nghĩ. 10 tỉnh xin cơ chế chính sách như vậy cả thì trở thành phổ biến rồi, không còn là đặc thù nữa rồi. Ví dụ như tách giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án; phân cấp về quản lý đất đai, diện tích đất rừng, diện tích đất lúa, phân cấp liên quan đến KCN là những cơ chế chung.

“Chính phủ đang phân công nhau để quản lý từng lĩnh vực một, liên quan quản lý đất đai, quản lý nông nghiệp, quản lý rừng... Làm sao Trung ương thực hiện đúng quản lý nhà nước, xây dựng chiến lược, quy hoạch, xây dựng cơ chế chính sách, thể chế; tăng cường kiểm tra giám sát; phân cấp phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm; theo dõi đôn đốc, kiểm tra, tổng kết đánh giá, nhân rộng mô hình hay, cách làm tốt. Chúng ta phải suy nghĩ cái này” – Thủ tướng nhấn mạnh.

Trước đó, trình bày tờ trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết, Khánh Hoà có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng và tiềm năng, lợi thế để bứt phá phát triển và thúc đẩy lan tỏa tích cực đến phát triển vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên.

“Nếu không có cơ chế, chính sách đặc thù thì tỉnh Khánh Hòa rất khó thực hiện được các bước đột phá để trở thành đô thị hạt nhân, đạt được các tiêu chí để trở thành đô thị trực thuộc Trung ương và hoàn thành các mục tiêu như Nghị quyết của Bộ Chính trị đã đề ra” – Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết.

Bảo Minh (tổng hợp)

 

Tin cùng chuyên mục
Tin khác