Nông nghiệp

Ngày Nước Thế giới năm 2022: “Nước ngầm - Để nguồn tài nguyên vô hình thành hữu hình”

Chu Hồng Châu - 07:05 22/03/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Ngày Nước Thế giới năm 2022 có chủ đề “Nước ngầm – Để nguồn tài nguyên vô hình thành hữu hình” nhằm thu hút sự chú ý đến nguồn tài nguyên nước tiềm ẩn luôn được coi trọng nhưng chưa được công nhận đầy đủ giá trị trong hoạch định chính sách phát triển bền vững của các quốc gia trên thế giới.

Sử dụng bền vững nguồn nước ngầm là trọng tâm để tồn tại và thích ứng với biến đổi khí hậu

Tại Hội nghị thượng đỉnh Liên Hợp quốc về Môi trường và Phát triển được tổ chức tại Rio de Janeiro (Brazil) từ ngày 3 - 14 tháng 6 năm 1992, Liên Hợp quốc đã ra Nghị quyết lấy ngày 22 tháng 3 hàng năm là Ngày Nước Thế giới và bắt đầu được tổ chức thường niên từ năm 1993.

Liên Hợp quốc  đánh giá, nước ngọt là tài nguyên quan trọng nhất của loài người, xuyên suốt mọi hoạt động xã hội, kinh tế và môi trường. Nó là một điều kiện cho tất cả sự sống trên hành tinh, một yếu tố chủ chốt cho phép hoặc hạn chế bất kỳ sự phát triển xã hội và công nghệ, cũng là nguồn phúc lợi hoặc gây nên sự khốn khó, hợp tác hoặc xung đột.

Mỗi năm Liên Hợp quốc lựa chọn một chủ đề cụ thể cho Ngày Nước Thế giới để phản ánh những khía cạnh khác nhau về nước. Đây là một sự kiện quốc tế được tổ chức nhằm thu hút sự chú ý của người dân trên khắp Trái đất để thấy được tầm quan trọng của tài nguyên nước, đặc biệt là các nguồn nước ngọt và góp phần tăng cường quản lý bền vững nguồn tài nguyên quý giá này. 

Ngày Nước Thế giới năm 2022 có chủ đề: "Nước ngầm – Để nguồn tài nguyên vô hình thành hữu hình".

Với chủ đề "Nước ngầm – Để nguồn tài nguyên vô hình thành hữu hình", chiến dịch năm 2022 sẽ nhấn mạnh vai trò quan trọng của nước ngầm trong hệ thống nước và điều kiện vệ sinh, nông nghiệp, công nghiệp, hệ sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thông điệp bao trùm của chiến dịch là khám phá, bảo vệ và sử dụng bền vững nguồn nước ngầm sẽ là việc làm trọng tâm để tồn tại và thích ứng với biến đổi khí hậu và đáp ứng nhu cầu của dân số ngày càng tăng.

Báo cáo Phát triển Nước Thế giới năm 2022 về "Nước ngầm: Để nguồn tài nguyên vô hình thành hữu hình" của Chương trình đánh giá Nước thế giới Liên Hợp Quốc (WWAP) được trình bày tại phiên khai mạc của Diễn đàn Nước Thế giới lần thứ 9 tại Dakar (Senegal) ngày 21.3.2022.

Theo đó, chiếm khoảng 99% tổng lượng nước ngọt trên Trái đất, nước ngầm là tiềm năng mang lại những lợi ích và cơ hội to lớn về xã hội, kinh tế và môi trường cho các quốc gia. Nước ngầm đã cung cấp một nửa lượng nước được sử dụng cho mục đích sinh hoạt của người dân toàn cầu, bao gồm cả nước uống cho đại đa số người dân nông thôn, những người không được cung cấp nước thông qua hệ thống cung cấp công cộng hoặc tư nhân. 

Tuy nhiên, nguồn tài nguyên thiên nhiên này thường không được chú trọng, do đó được định giá thấp, quản lý sai và thậm chí bị lạm dụng, khiến nó dễ bị cạn kiệt và ô nhiễm. Hiện có khoảng 25% lượng nước ngầm được khai thác để phục vụ tưới tiêu trong nông nghiệp toàn cầu. Trong bối cảnh ngày càng khan hiếm nước ở nhiều nơi trên thế giới, tiềm năng to lớn của nước ngầm và nhu cầu quản lý bền vững cần phải được các quốc gia chú trọng, đặt lên hàng đầu trong các mục tiêu phát triển bền vững. 

Nước ngầm là trọng tâm của cuộc chiến chống đói nghèo, đảm bảo an ninh lương thực và nguồn nước

Báo cáo Phát triển Nước Thế giới của Liên Hợp quốc 2022 mô tả những thách thức và cơ hội liên quan đến sự phát triển, quản lý và điều hành nước ngầm trên toàn thế giới.  

Biến đổi khí hậu tác động trực tiếp đến quá trình bổ sung tự nhiên của nước ngầm thông qua ảnh hưởng của nó đến lượng mưa và rò rỉ từ các vùng nước bề mặt, bao gồm các dòng phù du, đất ngập nước và hồ, đầm. Tác động phổ biến của biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến việc bổ sung nước ngầm là sự gia tăng lượng mưa.

Báo cáo đưa ra nhận xét: Nước ngầm là trọng tâm của cuộc chiến chống đói nghèo, đảm bảo an ninh lương thực và nước, phát triển kinh tế - xã hội và khả năng chống chịu của các xã hội và nền kinh tế đối với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, bản thân nước ngầm, cũng như những lợi ích trực tiếp và gián tiếp của nó, thường xuyên không được nhìn thấy hoặc bị bỏ qua, khiến cho nhiều tầng chứa nước không được bảo vệ đầy đủ.

Tiềm năng to lớn của nước ngầm và nhu cầu quản lý bền vững cần phải được các quốc gia chú trọng.

Ở nhiều quốc gia, việc thiếu các chuyên gia về nước ngầm nói chung đã cản trở việc quản lý nước ngầm hiệu quả. Do vậy, cam kết của các chính phủ trong việc xây dựng, hỗ trợ và duy trì năng lực thể chế liên quan đến nước ngầm là rất quan trọng.

Các chính phủ bắt buộc phải đảm nhận vai trò của họ như những người giám sát tài nguyên dựa trên các khía cạnh chung/lợi ích công cộng của nước ngầm và đảm bảo rằng việc tiếp cận nguồn nước ngầm được phân phối một cách công bằng và nguồn tài nguyên đó vẫn có sẵn cho các thế hệ tương lai.

Để đạt được an ninh nguồn nước, các quốc gia phải bảo vệ các hệ thống nước dễ bị tổn thương, giảm thiểu tác động của các hiểm họa liên quan đến nước như lũ lụt và hạn hán, bảo vệ khả năng tiếp cận các chức năng và dịch vụ của nước và quản lý tài nguyên nước một cách tổng hợp và công bằng. Khai thác, bảo vệ và sử dụng bền vững nước ngầm sẽ là trọng tâm để tồn tại và thích ứng với biến đổi khí hậu và đáp ứng nhu cầu của dân số ngày càng tăng.

Phát biểu nhân kỷ niệm Ngày Nước Thế giới 2022, Bà Audrey Azoulay – Tổng Giám đốc Tổ chức Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp quốc (UNESCO) đánh giá: “Khi nhân loại thích nghi với biến đổi khí hậu và dân số gia tăng, nước ngầm sẽ đóng một vai trò thiết yếu trong việc đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về thực phẩm và nước uống. Tuy nhiên, nguồn tài nguyên vô hình này đang phải đối mặt với những rủi ro nghiêm trọng - bao gồm việc bảo vệ không đầy đủ và đôi khi là ô nhiễm không thể phục hồi. Vì tất cả những lý do này, vào Ngày Nước Thế giới 2022, UNESCO một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của nguồn tài nguyên thiết yếu này, để cho nước ngầm trở thành vấn đề hữu hình. Tăng cường bảo vệ và quản lý nước ngầm tốt hơn là trách nhiệm và vì lợi ích chung của chúng ta”.

(dịch theo Chương trình đánh giá Nước Thế giới của Liên Hợp quốc - WWAP)

 

Tin cùng chuyên mục
Tin khác