Nghệ An: Hàng trăm con trâu, bò bị chết do rét đậm, rét hại
Tính đến ngày 22/2 trên địa bàn các huyện miền núi Kỳ Sơn, Quế Phong và Quỳ Châu, đã có gần 400 con trâu, bò bị chết rét trong rừng và trong chuồng trại của người dân. Đây được coi là thiệt hại rất lớn của ngành chăn nuôi gia súc ngay đầu năm 2022 của tỉnh Nghệ An.
Mặc dù đã được lãnh đạo, các phòng ban chuyên môn khuyến cáo, hướng dẫn, tuyên truyền bà con cách chăm sóc, giữ ấm cho đàn vật nuôi những ngày giá rét kéo dài nhưng do thói quen cố hữu lâu nay của người dân thả rông trâu, bò trên núi cộng với tính chủ quan không lo che chắn chuồng trại, dự trữ thức ăn và đốt lửa sưởi ấm trước chuồng trại cho gia súc khi nhiệt độ ngoài trời xuống sâu về đêm. Do đó, dịp rét được coi là khốc liệt này đã khiến cho hàng trăm con trâu, bò bị chết.
Việc bà con nông dân vẫn thói quen thả rông trâu, bò trên các dãy núi cao mà không sát sao với đàn vật nuôi một phần do mỗi lần đi thăm bò mất thời gian 3 - 5 tiếng đi bộ. Khi nền nhiệt độ xuống thấp kết hợp với trời mưa đã khiến cho trâu bò vừa bị đói và rét trong rừng. Do đó khi người dân đi vào kiểm tra mới phát hiện trâu, bò bị chết nhiều.
Trao đổi với phóng viên, ông Hờ Bá Khù – Chủ tịch Hội Nông dân xã Mường Lống cho biết: “Những ngày qua, thời tiết trên này rất lạnh, tạm tính đến ngày 22/2 theo số liệu thống kê toàn xã có 11 con trâu bò bị chết và sáng nay vẫn còn tiếp tục thống kê vì con số chưa dừng lại. Số lượng trâu, bò bị chết do không đủ thức ăn để chống chọi với giá rét kéo dài mấy ngày nay. Mặc dù Hội đã tuyên truyền hướng dẫn bà con trong xã cách chăm sóc vật nuôi trong thời tiết giá buốt nhưng do phần lớn người dân ở đây không ủ thức ăn dữ trữ nên không có thức ăn đảm bảo cho vật nuôi chống chọi với thời tiết”.
Qua thống kê chưa đầy đủ, huyện Kỳ Sơn đủ đã có 161 con trâu, bò (gồm cả bê và nghé) chết rét trong mấy ngày qua; huyện Quế Phong có 170 con chủ yếu là ở các xã Nậm Nhóong, Tri Lễ…; huyện Quỳ Châu có 51 con ở các xã Châu Hội, Châu Thắng, Châu Thuận, Diên Lãm, Châu Phong và Châu Hoàn. Số lượng trâu bò chết rét nhiều, thiệt hại quá lớn so với dự báo ban đầu ở trên địa bàn tỉnh.
Trao đổi với ông Dương Hoàng Vũ - Chủ tịch UBND huyện Quế Phong cũng cho biết, chính quyền từ cấp huyện, xã đã thông tin, vận động bà con nhân dân cần chủ động trong việc phòng chống rét cho gia súc, gia cầm hơn 1 tuần trước. Tuy nhiên, với thói quen, phong tục tập quán nuôi thả trâu bò trong rừng từ xưa đến nay, khi trời mưa cộng với nền nhiệt xuống dưới 10 độ, trâu, bò bị ngã quỵ
Con trâu, con bò vốn là tài sản quý giá nhất của người dân nhưng giờ tài sản bị mất đi cuộc sống sẽ có những tác động không nhỏ bởi phần lớn trâu bò được nuôi là để phục vụ nông nghiệp và cũng là tất thảy tài sản dồn lại mới có thể mua được con trâu, con bò về gây dựng cơ nghiệp.
- Quảng Nam muốn đưa sâm Ngọc Linh thành sản phẩm chủ lực, thương hiệu quốc gia
- Hà Tĩnh: Chàng trai trẻ khát vọng đưa cây dược liệu về làm giàu trên đất đồi
- Đồng Nai: Xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp hữu cơ bền vững
- Chỉ thị của Thủ tướng tập trung triển khai các giải pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi