Người dân Điện Biên tích cực, chủ động tham gia xây dựng nông thôn mới
Từ ý Đảng đến lòng dân
Ngoài đầu tư hạ tầng, hỗ trợ vốn, tạo điều kiện để người dân phát triển kinh tế, cấp ủy chính quyền từ tỉnh tới cơ sở luôn phát huy vai trò của người dân trong xây dựng nông thôn mới, mỗi địa phương đã có những cách làm khác nhau với mục tiêu chung là thay đổi diện mạo nông thôn, nâng cao đời sống tinh thần của người dân.
Một trong những giải pháp để nâng cao thu nhập cho người dân chính là thay đổi tư duy nhận thức của họ, không trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Đảng, nhà nước, phải tự lực, tự cường trong phát triển kinh tế hộ gia đình. Theo đó, xã Pá Khoang, TP Điện Biên Phủ đã phân công các đảng viên về dự sinh hoạt cùng các chi bộ thôn để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cán bộ đảng viên, quần chúng nhân dân; kịp thời tham mưu với đảng ủy đề ra những biện pháp phát triển kinh tế sát với thực tiễn và nhu cầu của người dân. Trong đó, cán bộ đảng viên phải là lực lượng gương mẫu trong phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo.
Ông Phan Trung Dũng- Bí thư Đảng ủy xã Pá Khoang cho biết: Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, được sự quan tâm giúp đỡ của chính quyền địa phương và các hộ gia đình cũng như cả hệ thống chính trị của xã, thôn bản đã chủ động góp sức, góp người để xây dựng các nhà văn hóa, quét dọn, xây dựng đường làng ngõ xóm ngày càng khang trang sạch sẽ; xây dựng trường học, làm các tuyến đường liên thôn liên bản bằng con đường bê tông.
Những năm gần đây, bộ mặt thôn Việt Yên, xã Thanh Yên, huyện Điện Biên đã có sự thay đổi rõ rệt với những ngôi nhà xây mới khang trang, những tuyến đường bê tông trải dài đến từng ngõ xóm. Đây chính là sự đồng lòng, đoàn kết trong việc xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu của bà con trong thôn. Căn cứ vào tình hình thực tế và bám sát các tiêu chí theo quy định, chi bộ thôn đã lựa chọn 1 số tiêu chí cụ thể để ban hành nghị quyết thực hiện chứ không làm dàn trải. Sau khi đã được thống nhất trong chi bộ thì tiến hành họp dân để cùng thảo luận cách làm. Nhờ vậy, các kế hoạch triển khai luôn nhận được sự đồng tình cao của đảng viên và bà con trong thôn.
Thôn Việt Yên hiện có 210 hộ với hơn 850 nhân khẩu, chi bộ đã lãnh đạo và vận động nhân dân hiến hàng nghìn mét vuông đất và ngày công để mở rộng đường xóm, xây dựng rãnh thoát nước, nâng cấp mở rộng đường giao thông.
Đầu năm 2021, thôn Việt Yên vinh dự được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, kết quả này đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, từng bước xây dựng nông thôn mới bền vững trên địa bàn.
Kinh tế hợp tác xã - đòn bẩy giúp nông dân thoát nghèo
Theo thống kê tỉnh Điện Biên đã có 44 xã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới. Các chỉ tiêu, tiêu chí như giao thông, trường học, điện, cơ sở vật chất, văn hóa, hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật… được tăng lên.
Điều này một phần là nhờ tỉnh đã chú trọng phát triển mô hình kinh tế tập thể, HTX, coi đây là một trong những động lực để tái cơ cấu nông nghiệp, hoàn thành nhiều tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.
Nhiều HTX đã tích cực chuyển đổi cây trồng và vật nuôi, tạo ra làn gió mới trong phát triển kinh tế nông nghiệp, từ đó nâng cao cuộc sống và thay đổi cách nghĩ cách làm của người dân.
Tiêu biểu như HTX Dâu tây Mường Phăng (Thành phố Điện Biên Phủ) đã triển khai trồng dâu tây kết hợp phát triển dịch vụ du lịch trải nghiệm giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX và thúc đẩy chuyển đổi giống cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Được biết, trước đây, người dân chỉ quen trồng lúa, ngô, sắn…, năng suất và thu nhập không cao. Nhưng trồng dâu tây kết hợp du lịch giúp nguồn thu có thể cao gấp 7-8 lần so với trồng lúa. Cụ thể là với 1.000m2, người dân có thể thu về 60-70 triệu đồng/năm.
Còn HTX Gai xanh Mường Nhé (huyện Mường Nhé) đang phát triển trồng cây gai xanh làm nguyên liệu sản xuất vải cho doanh nghiệp. Hiện, giá vỏ gai khô loại I được bán với giá 34.000 đồng/kg. Theo tính toán, mỗi năm gai xanh sẽ cho thu hoạch từ 4 - 5 vụ, với diện tích 12,5ha, sau khi trừ chi phí, HTX sẽ thu lãi khoảng 11 - 14 triệu đồng/ha.
Đặc biệt, nhiều HTX trong tỉnh đang tích cực đầu tư xây dựng sản phẩm OCOP. Một số sản phẩm OCOP của Điện Biên đã được người tiêu dùng biết đến và ưa chuộng như: Gạo chất lượng cao của HTX dịch vụ tổng hợp Thanh Yên; mật ong của HTX Ong mật Điện Biên; bánh khẩu xén của HTX Lay Nưa; bí xanh Tìa Dình, lạc đỏ Na Son của HTX Nông nghiệp Điện Biên Đông…
Ông Phí Văn Dương, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Điện Biên cho rằng, các HTX, tổ hợp tác mới ra đời đang ngày càng trẻ hóa. Nhiều HTX do thanh niên làm chủ nên việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất thuận lợi hơn. Việc thành lập HTX, tổ hợp tác hiện cũng đang tập trung vào các xã xây dựng nông thôn mới, vùng dự án trồng mắc ca nhằm tạo thuận lợi cho các địa phương hoàn thiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao.
Hiện, Liên minh HTX tỉnh đang tích cực phối hợp với Liên minh HTX Việt Nam hỗ trợ xây dựng các mô hình HTX phát triển gắn với chuỗi giá trị sản phẩm tại một số địa phương, đồng thời phối hợp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để các HTX hoạt động ngày càng hiệu quả hơn, đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh.
Tỉnh Điện Biên phấn đấu đến năm 2025 có 2 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, trên 45% số xã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới, ít nhất 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.
Tuy nhiên, xây dựng nông thôn mới là quá trình có điểm khởi đầu mà không có điểm kết thúc. Các cấp uỷ đảng, chính quyền và nhân dân tỉnh Điện Biên đang tiếp tục củng cố, nâng cao các tiêu chí NTM đã đạt được, bắt tay vào thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ mới về NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu trong giai đoạn 2021-2025.