Nhà nông với khoa học, kỹ thuật

Mạnh dạn, kiên định, đam mê tạo ra nhiều giống lúa mới

Thu Hiền - 08:29 26/07/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) Từ một người "đi buôn", chuyển sang làm "nhà khoa học" trong khi vốn liếng ít, kiến thức hàn lâm không có, nhưng có sự mạnh dạn, kiên định, được các nhà khoa học trong nước giúp sức, ông Quang và cộng sự đã tạo ra được giống lúa mới cho nông dân. Năm 2022, ông vinh dự được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tôn vinh là "Nhà Khoa học của Nhà nông".

 Đến nay, ông Phùng Văn Quang, Giám đốc Công ty TNHH vật tư nông nghiệp Hồng Quang (thị trấn Yên Ninh-Yên Khánh- tỉnh Ninh Bình) đã nghiên cứu thành công và công bố 5 loại giống lúa thuần cho năng suất, chất lượng cao là Giống lúa Phú ưu 1; Giống lúa CRN 5104; Giống lúa QR1; Giống lúa DQ11; Giống lúa Nếp hương và  Giống lúa Hương Bình- tạo nên thương hiệu gạo Hương Bình cho mảnh đất Ninh Bình.

Giống lúa Hương Bình được công nhận là giống lúa Quốc gia

 Đam mê tạo giống lúa mới

Nói về hành trình trở thành Nhà Khoa học của Nhà nông, ông Quang nhớ lại: “Năm 1992 sau khi chia tỉnh Ninh Bình thì sản lượng lương thực thiếu hụt nhiều, bản thân tôi nghĩ rằng để đảm bảo an ninh lương thực cho tỉnh thì việc đưa giống lúa lai vào gieo trồng là cần thiết, đồng thời giúp người nông dân có thu nhập ổn định. Từ suy nghĩ đó tôi đã ra nước ngoài tìm đối tác và đã hợp tác được với đối tác bên phía Trung Quốc đưa được giống lúa lai sang để chọn lọc và trồng khảo nghiệm ở Ninh Bình cũng như nhiều tỉnh ở miền Bắc. Sau 3 năm chọn lọc và khảo nghiệm cùng với Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống cây trồng Quốc gia đã chọn ra được giống lúa Phú Ưu số 1 và Giống CRN 5104. Sau nhiều lần Hội đồng Khoa học Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá và đã được công nhận vào giống lúa Quốc gia. Với năng suất đạt từ 10-11 tấn/ha, tỉnh đã lấy 2 giống lúa đó hỗ trợ cho nông dân, nên nông dân rất phấn khởi đưa vào sản xuất và sau một năm đã đảm bảo được an ninh lương thực cho tỉnh”.

 Đến năm 2007, ông Quang tiếp tục đưa lúa thuần vào chọn lọc để tạo ra giống lúa thuần chất lượng hơn. Qua sự kết hợp với Dự án DA 5 của Bộ Công an đã chọn ra được giống QR1 được Cục Trồng trọt (Bộ NN & PTNN) đánh giá cao và đưa vào làm giống lúa chủ lực ở nhiều tỉnh, thành miền Bắc. Giai đoạn này, ông cũng chuyển hướng hoạt động phối hợp liên kết với Hội Nông dân tỉnh và các huyện cùng với các nhà khoa học trong nước, các cơ quan khoa học của Trung ương, các Sở NN & PTNT của nhiều tỉnh, thành phố đưa giống lúa DQ11, Nếp Hương và Hương Bình đến bà con nông dân chọn làm giống gieo trồng.

Trước những ảnh hưởng trực tiếp của biến đổi khí hậu toàn cầu gây khó khăn trong việc đảm bảo an ninh lương thực từ lúa gạo, đồng thời để chủ động nguồn giống lúa trong nước, giảm áp lực nhập khẩu để giảm giá thành sản xuất cho người nông dân, liên tiếp trong 3 năm (từ năm 2017 – 2019) ông đã thực hiện thành công các đề tài đưa giống lúa thuần chất lượng DQ11 gieo trồng đại trà tại tỉnh Ninh Bình; giống lúa Hương Bình, giống lúa Nếp Hương và được công nhận vào giống Quốc gia. Hiện ông đang nghiên cứu chọn tạo tiếp giống lúa Nhật JA2 và Hương Bình 9 để bổ sung vào các giống lúa chủ lực tại miền Bắc và Duyên Hải miền Trung, dần phát triển ra cả nước.

Vì cuộc sống âm no của nông dân

Từ vụ Đông Xuân năm 2021, Công ty Hồng Quang của ông đã liên kết triển khai một loạt các điểm sản xuất lúa từ khu vực Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung bộ và Duyên hải Nam Trung bộ với diện tích trồng khoảng gần 20.000ha, với sự tham gia của gần 1000 hộ dân. Đâu đâu giống lúa nếp Hương và Hương Bình cũng bội thu, lúa thương phẩm 2 giống này được doanh nghiệp thu mua tươi với giá cao (từ 6.000-6.500 đồng/kg tùy loại) nên bà con nông dân vô cùng phấn khởi, vì vừa được mùa, vừa được giá, lại đỡ tốn công sức cũng như chi phí phơi sấy.

Hội thào tổng kết đánh giá mô hình trình diễn giống lúa Hương Bình vụ mùa năm 2022 tại xã Đồng Thắng, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn.

Theo cách tính của ông Quang: Với năng suất bình quân 8,5 - 10 tấn/ha lúa tươi, tính ra nông dân thu về trung bình 56-57 triệu đồng/ha, trừ chi phí nông dân thu lợi 25-26 triệu đồng/ha.

Hiện Công ty Hồng Quang cung cấp giống và hướng dẫn các hội viên hội nông dân cách chăm sóc bón phân và kỹ thuật thâm canh, kết hợp cùng với một số nhà máy say sát gạo thu mua lại sản phẩm lúa tươi ngay tại đầu bờ.

Theo nhận xét của bà con nông dân khi gieo trồng giống lúa của ông Quang, so với các loại giống  khác trên thị trường thì các giống trên có năng suất cao, chất lượng. Đặc biệt giống lúa Hương Bình thích hợp gieo cấy cả 2 vụ trong năm ở các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung Bộ, chân đất vàn, vàn thấp. Tỷ lệ gạo cao 67-68%, hạt gạo đẹp, trong gạo, cơm mềm, dẻo, đậm.

Ông Quang rất tâm đắc với 2 giống lúa mới, chủ lực do mình tạo ra là giống lúa nếp Hương và giống lúa chất lượng Hương Bình. Chia sẻ thêm về 2 giống lúa này, ông Quang hào hứng cho biết: Giống lúa nếp Hương có thời gian sinh trưởng ngắn, thích hợp gieo cấy cả 2 vụ, chân đất vàn, vàn thấp, cứng cây, chống đổ khá tốt, chống chịu tốt với bệnh đạo ôn. Vì vậy, gieo cấy lúa nếp Hương chi phí thuốc bảo vệ thực vật thấp, tiết kiệm chi phí; cho năng suất khá cao, vụ Xuân đạt trung bình 70-75 tạ/ha, thâm canh cân đối, chân ruộng tốt đạt 8-8,5 tấn/ha. Đặc biệt, nếp Hương rất thích hợp cho chế biến tinh bột nếp, làm bánh và nấu rượu. 

Với 23 năm miệt mài nghiên cứu tạo ra nhiều giống lúa tốt, nhưng sâu thẳm trong ông luôn ghi nhớ về triết lý kinh doanh và làm khoa học của mình: Làm gì thì làm, trước hết là làm lợi cho mình, nông dân có lợi, doanh nghiệp có lợi. Do đó ông luôn nắm bắt thời cơ và thực hiện tốt sự liên kết 4 nhà: Nhà nước - Nhà khoa học - Nhà doanh nghiệp - Nhà nông để đạt được những thành quả to lớn với con đường đi ngắn hơn và hiệu quả hơn nhưng lại rất phù hợp với cơ chế chính sách của Đảng và Nhà nước.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác