Người tiên phong của “Dòng họ bình yên”
Người Mông sống văn minh nhờ công của Trưởng họ
Đến thăm nhà ông Hạng Chờ Vàng chúng tôi không khỏi choáng ngợp bởi số lượng giấy khen, bằng khen và Huân, Huy chương của các cấp từ Trung ương đến địa phương trao tặng. Phát huy tinh thần gương mẫu, đi đầu, ông Vàng tích cực tuyên truyền, vận động bà con thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Là người dân tại địa phương, nắm vững các phong tục tập quán bản địa nên ông Vàng rất tích cực bám nắm địa bàn, gần dân, gắn bó với nhân dân. Nhờ vậy, ông đã giúp chính quyền địa phương giải quyết, hòa giải nhiều vụ việc phức tạp, góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.
Ông Vàng cho biết: Dòng họ Hạng không chỉ ở Tủa Chùa mà còn sống rải rác ở Tuần Giáo, Mường Ảng với 70 hộ, tất cả đều là người Mông. Với vai trò đứng đầu dòng họ như ông Hạng Chờ Vàng, ngoài những việc nội bộ, ông còn thường xuyên họp với lãnh đạo xã, công an xã hay chính quyền địa phương để nắm bắt các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng. Kịp thời tuyên truyền lại cho các thành viên trong họ của mình tuân theo.
Trước đây khi tổ chức đám ma người Mông thường để thi thể người đã khuất trên các tấm gỗ, cúng 3 ngày rồi mới cho vào quan tài, rất mất vệ sinh, ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường xung quanh. Nhưng nay, ông Vàng cũng vận động anh em trong họ học theo cái mới, cái văn minh, đặt người đã khuất vào quan tài để cúng chứ không theo tập tục cũ nữa. Rồi trong cả đám cưới, người Mông cũng dùng ít rượu hơn. Tuân thủ nghiêm việc đã uống rượu thì không lái xe.
Ông Vàng cho hay: “Bây giờ cuộc sống hiện đại, không thể cứ giữ mãi cái cũ, phong tục của người Mông chúng tôi vẫn giữ, nhưng cải tiến thay đổi cho phù hợp hơn”.
Dù sao việc tuyên truyền nếp sống văn minh, hiện đại vẫn đơn giản, dễ dàng hơn rất nhiều, ông Vàng kể việc kêu gọi bà con trong họ không đi theo tà đạo mới là việc khó khăn, phải kiên trì, bền bỉ mới thành công được. Thậm chí theo kinh nghiệm của ông Vàng thì nếu ai không nghe sẽ kiên quyết xóa tên khỏi họ.
“Trước đây một bộ phận người Mông đi theo đạo Tin lành, bản chất của đạo thì tốt đẹp nhưng bị kẻ xấu xúi giục, nhiều người về đốt bỏ bàn thờ tổ tiên, bỏ cả việc cúng bái, tưởng nhớ người đã khuất. Tôi đã mất rất nhiều thời gian đến từng nhà vận động và thuyết phục bà con quay trở lại” - ông Vàng kể - “Truyền thống của người Việt mình là tưởng nhớ, biết ơn tổ tiên, ông bà thông qua việc thờ cúng, giờ lại bỏ đi không phải là làm trái với phong tục tốt đẹp hay sao”.
Những người giữ bình yên cho dòng họ
Không chỉ quán xuyến tốt việc của họ mình, những Trưởng dòng họ như ông Vàng còn thường xuyên gặp gỡ, giao lưu với các dòng họ khác để thắt chặt tình đoàn kết, duy trì mối liên kết với nhau. Nhờ đó, nếu có xảy ra mâu thuẫn, xích mích gì giữa các thành viên của hai dòng họ, thì chỉ cần 2 ông trưởng họ nói chuyện, giàn xếp với nhau là đều ổn thỏa.
Chưa kể, việc giao lưu còn giúp ông Vàng học được những cái hay, cái làm mới, sáng tạo của các họ khác và vận dụng phù hợp với dòng họ mình, chẳng thế mà mỗi lần nhắc đến dòng họ Hạng, ông Vàng không giấu niềm tự hào khi là một trong những “mắt xích gìn giữ sự bình yên của thôn, bản”.
Ông Vàng Văn Thành, Phó trưởng Công an huyện Tủa Chùa cho hay, việc ra đời mô hình Dòng họ bình yên thực sự đã giúp ích rất nhiều cho các cấp quản lý địa phương trong gìn giữ an ninh trật tự, văn hóa, phát triển kinh tế - xã hội.
Nhận xét về ông Hạng Chờ Vàng - Người uy tín, Trưởng dòng họ Hạng ở xã Xá Nhè, huyện Tủa Chùa, ông Vàng Văn Thành nói: “Ông Hạng Chờ Vàng là một tấm gương sáng để người dân noi theo, học tập. Nhờ có những Trưởng dòng họ như ông Vàng mà đời sống người Mông ở Xá Nhè đã có nhiều thay đổi, người dân đã thay đổi nếp nghĩ cách làm, từ đó vươn lên thoát nghèo đóng góp vào công cuộc xây dựng nông thôn mới tại địa phương”.
Ông Vàng Văn Thành cho hay: Tiền thân của mô hình này là từ cuộc “cách mạng” xóa bỏ cây thuốc phiện ở Tủa Chùa những năm 1990. Dù lực lượng công an, an ninh xã, rồi chính quyền các cấp đã vào cuộc nhưng hiệu quả mang lại không cao. Sau khi họp bàn thì mọi người đưa ra sáng kiến là sẽ vận động bà con thông qua các trưởng dòng họ, những người có uy tín, đứng đầu mỗi dòng họ ở địa phương. Thật bất ngờ là chỉ sau một thời gian ngắn, hầu hết các hộ đều tự nguyện phá bỏ cây thuốc phiện, cũng từ đó tên gọi “Dòng họ bình yên” ra đời, gắn liền với công tác tự quản, tự bảo vệ ở mỗi một dòng họ.
Cũng theo ông Vàng Văn Thành, hiện Tủa Chùa có hơn 130 dòng họ, chủ yếu là dân tộc Mông, Thái, Dao, Hoa. Chữ “bình yên” hàm chứa nhiều ý nghĩa, vừa là bình yên trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, giữ gìn an ninh quốc phòng, trật tự xã hội. Chữ bình yên cũng có ý nghĩa trong việc lưu giữ truyền thống văn hóa tốt đẹp; tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước. Trong thời buổi dịch bệnh, thì những dòng họ bình yên cũng là pháo đài, lá chắn thép trong công cuộc phòng chống Covid -19 đầy khó khăn.