Thông tin từ cơ sở

Trưởng thôn đa tài, đi đầu làm du lịch homestay nơi cực Bắc Tổ quốc

Hoàng Tính - 10:40 17/08/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Ở thôn Lô Lô Chải (xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang) không ai là không biết tới người “vác tù và hàng tổng” Sình Dỉ Gai, anh không chỉ là người trưởng thôn hết lòng vì công việc mà còn là một người làm kinh tế giỏi, luôn sẵn sàng giúp đỡ các hộ gia đình cùng phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

14 năm “vác tù và”

Để thôn Lô Lô Chải có được cuộc sống thay đổi như ngày hôm nay, có phần đóng góp rất quan trọng của Sình Dỉ Gai, từ năm 2008 đến nay anh được tín nhiệm bầu làm Trưởng thôn Lô Lô Chải. Sau 14 năm làm người “vác tù và hàng tổng” anh Gai đã thực sự để lại dấu ấn tốt đẹp, là người kết nối sợi dây đoàn kết, chung tay, đồng lòng của mỗi người dân cùng chung sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp và hiện đại.

Anh Sình Dỉ Gai (ở giữa) đã có nhiều đóng góp để góp phần thay đổi quê hương Lô Lô Chải. (Ảnh SDG)

Anh Gai chia sẻ: Với xã hội, với nhân dân thì phải thật nhiệt huyết và trách nhiệm, không được nói những điều trên trời dưới biển mà phải chú ý đến những điều nhỏ nhất, phải thật gần nhân dân, gìn giữ sự đoàn kết trong nhân dân, gìn giữ nét văn hóa và chung tay bảo vệ môi trường.

Nói là làm, Anh Gai như con ong chăm chỉ, cần mẫn, không ngại nắng, mưa, sớm tối tích cực tuyên truyền, vận động cho bà con nông dân về các nhiệm vụ chính trị của Đảng, chính quyền tới người dân trong thôn. Anh cùng là người khởi xướng, phát động đến người dân các nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, bảo vệ tổ quốc, đặc biệt là phát triển làm du lịch homestay.

Khó có thể kể hết các việc làm mà anh Gai đã đóng góp cho thôn Lô Lô Chải, những hoạt động bền bỉ, nhiệt huyết của anh xứng đáng được tôn vinh, ca ngợi, đó là không màng lợi ích cá nhân mà trên hết đó là vì nhân dân, vì thôn xóm, những việc làm đó của anh đã lan tỏa thông điệp cuộc sống thật ý nghĩa, cao đẹp: “Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình”.

Trong xây dựng nông thôn mới, gia đình anh Gai đã tiên phong hiến  đất làm đường bê tông nông thôn, từ đó các hộ đã làm theo, giờ đây các con đường ở thôn Lô Lô Chải đã khang trang, sạch đẹp; ô tô, xe máy đã đi lại thuận tiện.

Gia đình anh Gai luôn gương mẫu đi đầu trong các phong trào, đóng góp với thôn bản. Bản thân anh Gai đã luôn nhận được sự tín nhiệm của bà con, mọi người trong thôn đều noi gương và học tập gia đình anh trong việc phát triển kinh tế và xây dựng gia đình hạnh phúc.

Cả làng làm du lịch

Trước năm 2011 cuộc sống của người dân thôn Lô Lô Chải chỉ biết trồng ngô, trồng lúa; năm nào được mùa cũng chỉ đủ ăn, còn lại nhà nào cũng thiếu ăn 2-3 tháng/năm, đời sống của bà con vô cùng khó khăn. Là một người con của thôn bản, lại mang trên mình trọng trách trưởng thôn, anh Gai đã suy nghĩ rất nhiều làm sao để cho bà con và gia đình mình có cuộc sống sung túc, như vậy mới góp phần giữ được chủ quyền biên giới tại địa bàn thôn.

Khách du lịch trong và ngoài nước rất thích thú với những hoạt động trải nghiệm tại Homestay. (Ảnh SDG)

Trong một lần tình cờ, vào năm 2011, được có một vị cán bộ của Đại sứ quán Luxembourg, lên Hà Giang và phối hợp với chính quyền để hỗ trợ 3 gia đình làm du lịch dịch vụ homestay, anh Gai đã nắm bắt cơ hội và mạnh dạn tham gia trở thành 1 trong 3 gia đình đầu tiên đó.

Bước đầu làm du lịch khá khó khăn, từ việc đầu tư hạ tầng, nhà cửa, chỗ nghỉ cho khách, dịch vụ ăn uống, ngôn ngữ giao tiếp với khách nước ngoài… không giống như các loại hình khác. Làm du lịch dịch vụ homestay là cả gia đình đều chung sức, đồng lòng, bởi khi khách đến nhà tham quan và nghỉ lại thì đều tiếp xúc với tất cả mọi người, họ muốn tìm hiểu thì mình phải giải thích, hướng dẫn được. Vì vậy khi bắt tay vào làm du lịch, cả anh Gai và toàn thể gia đình đều phải học, phải thực hiện.

Vượt qua được những khó khăn đó, khách du lịch cũng đã bắt đầu đến với thôn Lô Lô Chải ngày một nhiều hơn. Vì vậy năm 2014 anh Gai đã làm thêm 1 ngôi nhà theo truyền thống của dân tộc Lô Lô nữa và năm 2017, để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch, anh đầu tư tiếp 1 nhà nghỉ homestay và 1 nhà ăn cho khách. Hiện gia đình anh Gai đã có 3 khu homestay.

Để tạo sự khác biệt, thu hút được khách du lịch trong nước và quốc tế, anh Gai đã vận động các hộ trong thôn giữ nguyên nét văn hóa đời sống, trang phục, lễ hội, ẩm thực mang đậm bản sắc truyền thống dân tộc Lô Lô. Hàng năm, vào các dịp lễ, tết, mùa hoa, thôn đều tổ chức các hoạt động để làm phong phú thêm cho sản phẩm du lịch như: “Lễ cúng tổ tiên”, múa trống, thêu dệt vải truyền thống, trò chơi dân gian, hoạt động thể thao…

Sau vài năm làm du lịch gia đình anh Gai đã có kinh nghiệm phục vụ. Từ đó đến nay, hàng năm số khách du lịch tăng đều. Với khách đến ở trọ giá ở một đêm là 60 nghìn đồng/người, nếu ăn thêm bữa tối và sáng là 150 nghìn đồng/người. Khách du lịch họ rất thích các bữa ăn địa phương, như: Thịt gà, lợn đen, thịt treo, đậu chúa, mèn mén, thắng cố... Khách có thể cùng gia đình hái rau cải, bắt gà trong vườn để làm cơm.

Tiếng lành đồn xa, khi ngôi làng xinh đẹp của người Lô Lô dưới chân Cột cờ quốc gia Lũng Cú được truyền thông chú ý, khách du lịch săn lùng, lượng khách đến làng tăng đột biến. Để đáp ứng nhu cầu phục vụ khách du lịch, đồng thời nhận thấy đây là ngành nghề mới mang lại lợi ích kinh tế và bảo tồn văn hoá, nên người “vác tù và hàng tổng” Sình Dỉ Gai lại bắt đầu động viên, hướng dẫn các hộ trong thôn cùng làm du lịch, khách nhà nào đông quá thì giới thiệu cho nhà khác với điều kiện về nhà ở, dịch vụ của các homestay đều khá tương đồng.

Hiện nay thôn Lô Lô Chải có 104 hộ là người Lô Lô và 10 hộ đồng bào Mông thì đã có 30 hộ làm dịch vụ lưu trú cộng đồng homestay. Các hộ còn lại thì tập chung sản xuất nông nghiệp trồng rau, phát triển chăn nuôi, giữ gì cảnh quan để phục vụ cho nhu cầu của khách du lịch. Từ khi làm du lịch, người dân nơi đây vô cùng phấn khởi, đời sống được cải thiện rõ rệt, nhận thức được nâng cao. Bây giờ, hầu như gia đình nào cũng có ti vi, tủ lạnh và xe máy đi lại.

Giờ đây cuộc sống của người dân thôn Lô Lô Chải đã có nhiều đổi thay, cuộc sống ấm no đầy đủ đã góp phần quan trọng trong việc giữ gìn và bảo vệ nơi biên cương cực Bắc của Tổ quốc. (Ảnh SDG)

Anh Mùng Giàng Lô ở thôn Lô Lô Chải, đang kinh doanh dịch vụ ăn uống vui vẻ nói: Học theo gia đình anh Gai, chúng tôi đã bắt đầu làm du lịch, công việc tuy khó khăn nhưng có vấn đề gì chúng tôi đều gọi điện hoặc đến trực tiếp xin ý kiến của anh Gai. Tất cả mọi việc chúng tôi đều được anh Gai hỗ trợ rất nhiệt tình, nhiều việc anh Gai còn đến tận nhà để hướng dẫn chúng tôi làm.

Giờ đây cuộc sống của người dân thôn Lô Lô Chải đã có sự đổi thay. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2018 chiếm 51,43% đến năm 2020 giảm còn 8,77%; năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí "nghèo đa chiều" là 20,07%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 33 triệu đồng/năm. Từ đầu năm đến nay, thôn Lô Lô Chải thu hút gần 300 đoàn khách với gần 3.500 lượt khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm và lưu trú.

Bằng sự năng động, dám nghĩ, dám làm và luôn sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm làm du lịch đối với mọi người. năm 2022, anh Sình Dỉ Gai đã vinh dự là 1 trong 100 nông dân Việt Nam xuất sắc có mô hình làm du lịch homestay hiệu quả, giúp đỡ và tạo nhiều việc làm cho người dân trong bản Lô Lô Chải, góp phần vào xây dựng nông thôn mới và bảo vệ Tổ quốc.

 

Tin cùng chuyên mục
Tin khác