An ninh nông thôn

Hà Tĩnh: Cảnh báo tình trạng “sập bẫy” lừa đảo qua mạng

Đức Cảnh - 07:58 20/07/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) – Những lời cảnh báo liên tục được truyền tải nhưng tình trạng người dân “sập bẫy” các chiêu trò lừa đảo trên không gian mạng vẫn không ngừng tiếp diễn, gây thiệt hại về kinh tế, bất ổn dư luận.
TIN LIÊN QUAN

Theo báo từ Công an tỉnh Hà Tĩnh, trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh tiếp nhận, phát hiện 39 vụ phạm tội lợi dụng công nghệ cao. Ngoài ra, lực lượng công an Hà Tĩnh cũng đã phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan kịp thời ngăn chặn 56 vụ lừa đảo trên không gian mạng với số tiền gần 3,9 tỷ đồng.

Qua điều tra, khám phá 30 vụ, phát hiện 116 đối tượng phạm tội trên không gian mạng, trong đó có 6 đường dây với 85 đối tượng hoạt động chuyên nghiệp với quy mô lớn trên cả nước. Nổi cộm như, từ ngày 26/1 đến ngày 25/3, Phòng Cảnh sát hình sự công an Hà Tĩnh phá chuyên án, bắt giữ 27 đối tượng trong đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản dưới hình thức lừa bán điện thoại giá rẻ do Bùi Thị Hương (SN 1981, trú tại huyện Hoài Đức, Hà Nội) cầm đầu, lừa đảo 7.000 bị hại tại nhiều địa bàn trên các tỉnh thành, chiếm đoạt khoảng 90 tỷ đồng.

Nhờ trình báo kịp thời của nười dân, công an huyện Hương Sơn đã ngăn chặn thành công vụ lừa đảo gần 1 tỷ đồng (Ảnh: Công an huyện Hương Sơn)

Đại tá Phan Thanh Phương, Phó Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh, cho biết: Tội phạm trên không gian mạng thời gian qua diễn biến phức tạp, nhất là tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, với thủ đoạn hết sức tinh vi, gây thiệt hại nhiều về kinh tế cho người dân. Bên cạnh đó, hoạt động đánh bạc trên không gian mạng ngày càng đa dạng, kín kẽ, lôi kéo nhiều người chơi gây nhức nhối trong dư luận không chỉ ở Hà Tĩnh.

Trước thực trạng hoạt động lừa đảo trên không gian mạng gây hoang mang, lo lắng trong quần chúng nhân dân, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp phòng ngừa, xử lý. Theo đó, tiếp tục thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đánh bạc, tín dụng đen; Ban hành kế hoạch 64/KH-UBND, ngày 7/2/2024, về cao điểm tuyên truyền phòng chống tội phạm lừa đảo trên không gian mạng; chỉ đạo Công an tỉnh mở các đợt cao điểm phòng chống tội phạm gắn với phòng chống tội phạm không gian mạng.

Được biết, thực hiện văn bản chỉ đạo, Công an tỉnh Hà Tĩnh đã triển khai nhiều hình thức tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho quần chúng nhân dân trước các phương thức, thủ đoạn của tội phạm, như: Ban hành bộ tài liệu tuyên truyền, vận động tham gia tố giác tội phạm; các nhà mạng viễn thông thông qua các tin nhắn cảnh báo tới thuê bao của người dân trên địa bàn; đăng tải thông tin, đẩy mạng tuyên tuyền trên các trang thông tin, các cơ quan báo đài; tổ chức niêm yết, phát tờ rơi tuyên truyền cảnh báo, phương thức, thủ đoạn, các biện pháp phòng ngừa trên không gian mạng tại các điểm công cộng; Chỉ đạo Ngân hàng quản lý chặt chẽ hoạt động phát hành thẻ, thanh toán trực tuyến, ngăn chặn việc mua bán tài khoản ngân hàng để phục vụ lừa đảo; Phối hơp với Sở Thông tin và Truyền thông tăng cường quản lý các thuê bao di động, ngăn chặn, xử lý "sim rác"...

Trước tình trạng vẫn còn nhiều người dân thiếu cảnh giác trước loại hình tội phạm công nghệ cao đang hoạt động lừa đảo trên mạng xã hội, cơ quan Công an Hà Tĩnh đã đưa ra khuyến cáo, hướng dẫn nhận diện chiêu thức đối tượng lừa đảo:

Thứ nhất, hack tài khoản mạng xã hội với mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản như: gửi một đường link qua ứng dụng messenger khi người dùng đăng nhập, thông tin về tài khoản và mật khẩu sẽ được gửi về cho đối tượng; thủ đoạn lừa khôi phục hoặc lấy lại tài khoản mạng xã hội đã bị khóa hoặc bị hack; thủ đoạn dò đoán mật khẩu. Sau khi đã chiếm được quyền sở hữu tài khoản, đối tượng sẽ thay đổi các thông tin đăng nhập như mật khẩu, email, số điện thoại. Sau đó, đối tượng sử dụng tài khoản này để thực hiện hành vi lừa đảo bằng cách nhắn tin cho những tài khoản trong danh sách bạn bè để hỏi vay tiền, nhờ chuyển tiền...

Thứ hai, giả danh cán bộ công an, kiểm sát, tòa án gọi điện thông báo có liên quan đến các vụ án đặc biệt nghiêm trọng về buôn người, mua bán ma tuý xuyên quốc gia hoặc gây tai nạn giao thông bỏ trốn, đồng thời gửi hình ảnh giả mạo chụp các văn bản tố tụng và yêu cầu phải tuyệt đối giữ bí mật.

Công an Hà Tĩnh bắt giữ đối tượng lừa đảo qua mạng để làm rõ

Khi nạn nhân cho biết mình không liên quan hoặc không phải là tội phạm được nói đến thì đối tượng lừa đảo yêu cầu cung cấp thông tin để xác minh hoặc yêu cầu nạn nhân làm theo hướng dẫn để “phục vụ công tác điều tra, xử lý”. Từ đó, dẫn dụ nạn nhân làm theo những yêu cầu của mình như chuyển tiền để phục vụ điều tra xác minh, chuyển tiền trước khi bị phong tỏa tài khoản... rồi chiếm đoạt.

Thứ ba, lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin và nhu cầu kiếm tiền nhanh của bị hại, các đối tượng giả mạo tuyển cộng tác viên xử lý đơn hàng cho các sàn thương mại điện tử như: Tiki.vn, Lazada, TokyoLive, Shopee... hoặc nhận quà miễn phí từ các sàn thương mại điện tử. Khi bị hại nhắn tin hỏi cách thức làm cộng tác viên, hướng dẫn cách nhận quà, các đối tượng sẽ yêu cầu gửi thông tin cá nhân, kết bạn zalo để tư vấn và hướng dẫn làm theo các nhiệm vụ do đối tượng yêu cầu để được nhận tiền, nhận quà.

Sau một số lần tạo niềm tin bằng cách trả tiền gốc và hoa hồng như cam kết ban đầu, đối tượng viện lý do là “bạn đã được công ty nâng hạng” và gửi các đường dẫn sản phẩm có giá trị lớn hơn câu dẫn bị hại chuyển tiền. Sau khi nhận tiền, đối tượng lừa đảo yêu cầu cộng tác viên tiếp tục thực hiện nhiệm vụ khác thì mới được chuyển lại tiền và hoa hồng (thực chất là tiếp tục chuyển tiền vào tài khoản đối tượng); từ đó chiếm đoạt tiền của bị hại.

Thứ tư, lừa đảo thông qua các sàn giao dịch trên mạng. Các đối tượng mời chào, lôi kéo bị hại tham gia đầu tư vào các sàn giao dịch ảo... do đối tượng thiết lập, cam kết sẽ hưởng lợi nhuận cao khi tham gia hệ thống. Khi huy động được lượng tiền đủ lớn, các đối tượng sẽ can thiệp vào các giao dịch, điều chỉnh thắng thua hoặc báo lỗi, ngừng hoạt động (sập sàn) để chiếm đoạt tiền của người tham gia.

Công an Hà Tĩnh đọc Quyết định khởi tố "bà trùm" Bùi Thị Hương trong đường dây lừa đảo bán điện thoại giá rẻ, chiếm đoạt khoảng 90 tỷ đồng

Thứ năm, sử dụng thông tin cá nhân, hình ảnh của các đồng chí lãnh đạo các cơ quan, chính quyền, đoàn thể... để thiết lập tài khoản mạng xã hội (zalo, facebook...) mạo danh. Sau đó, các đối tượng dùng tài khoản mạo danh để kết bạn, nhắn tin trao đổi vay, mượn tiền; hoặc đối tượng lừa đảo chiếm đoạt quyền sở hữu tài khoản mạng xã hội sau đó tạo ra kịch bản nhắn tin lừa đảo đến bạn bè của chủ tài khoản mạng xã hội và chiếm đoạt tiền của các bị hại.

Thứ sáu là, giả danh cán bộ ngân hàng gọi điện cho bị hại thông báo có người chuyển tiền vào tài khoản nhưng do bị lỗi nên chưa chuyển được hoặc thông báo phần mềm chuyển tiền Internet Banking của khách hàng bị lỗi. Từ đó, yêu cầu khách hàng cung cấp mã số thẻ và mã OTP để kiểm tra hoặc truy cập đường link giả mạo trang web ngân hàng. Các đối tượng sử dụng thông tin bị hại cung cấp để truy cập vào tài khoản và rút tiền của bị hại.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác