Nhiều dấu ấn nổi bật trong hoạt động Hội
Xây dựng kinh tế vững mạnh - “đòn bẩy” thoát nghèo vượt khó
Để mỗi hội viên nông dân là một “chuỗi” những ý tưởng sáng tạo, dám nghĩ dám làm trong quá trình phát triển kinh tế, Hội Nông dân luôn đặc biệt quan tâm đến phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” và đặt thành mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm để lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện.
Cụ thể hóa bằng hành động thực tế, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể về nội dung, quy trình triển khai phong trào ở các cấp; ký kết chương trình phối hợp với 9 sở, ngành, 4 doanh nghiệp, 2 ngân hàng nhằm tạo điều kiện triển khai phong trào và hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất. Ủy ban nhân dân tỉnh đưa nội dung phong trào vào kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới của tỉnh giai đoạn 2021- 2025.
Nhờ đó, giai đoạn 2018-2023, bình quân hàng năm, số lượng hội viên nông dân đăng ký đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp chiếm gần 60% so với số hộ nông dân. Hộ nông dân đạt danh hiệu SXKD giỏi cấp cơ sở có 142.336 hộ, cấp huyện có 20.754 hộ, cấp tỉnh 3.708 hộ, cấp Trung ương 147 hộ, chiếm 56% hộ hội viên nông dân đăng ký, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đề ra.
Từ phong trào đã xuất hiện nhiều gương mặt điển hình tiên tiến về sức sáng tạo, khả năng làm chủ những hoạch định chủ trương về phát triển kinh tế của mình như: Anh Lê Hội Hưng (phường Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai) kinh doanh dịch vụ hậu cần nghề cá, khai thác hải sản, doanh thu đạt từ 20 đến 25 tỷ đồng/năm; anh Nguyễn Hồng Cương (phường Quỳnh Dị, thị xã Hoàng Mai) nuôi tôm thịt, sản xuất tôn giống, doanh thu bình quân hàng năm trên 40-60 tỷ đồng; anh Phan Đình Đường (xã Hạnh Lâm, huyện Thanh Chương) sản xuất, chế biến chè, doanh thu hàng năm trên 20 tỷ đồng; chị Nguyễn Thị Huyền (phường Nghi Hải, thị xã Cửa Lò) sản xuất, kinh doanh, chế biến hải sản, doanh thu bình quân hàng năm từ 90 - 100 tỷ đồng; anh Lê Đình Chung (xã Hợp Thành, huyện Yên Thành) sản xuất, chế biến thực phẩm, doanh thu bình quân hàng năm trên 10 tỷ đồng; anh Vừ Tồng Pó (xã Mường Lống, huyện kỳ Sơn) sản xuất chăn nuôi tổng hợp, doanh thu bình quân 2 tỷ đồng/năm… Năm 2023, tỉnh Nghệ An có thêm 2 cá nhân được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam vinh danh trong số 100 gương Nông dân Việt Nam xuất sắc gồm anh Phạm Viết Đức (huyện Thanh Chương) và anh Nguyễn Kim Tiến ở thị xã Thái Hòa.
Từ những bứt phá đó, hội viên nông dân tỉnh Nghệ An không chỉ thể hiện bản lĩnh, sự sáng tạo, cởi mở trong cách nghĩ, cách làm mà còn phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, hỗ trợ giúp đỡ các hộ còn nghèo vươn lên thoát nghèo, giúp nhau làm giàu. Điều đó được thể hiện qua những con số biết nói, trong 5 năm qua hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp trong tỉnh đã tạo thêm việc làm cho 150.155 lao động địa phương, giúp đỡ có hiệu quả 88.089 lượt hộ khó khăn về vốn, vật tư, kỹ thuật, kinh nghiệm để phát triển sản xuất, kinh doanh.
Nhiều chương trình mang đậm dấu ấn Hội Nông dân
Hiện nay, toàn tỉnh có 309 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 43 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 6 xã nông thôn mới kiểu mẫu và 9 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Từ con số đạt được đó, vai trò của Hội Nông dân các cấp không thể phủ nhận. Với phương châm “cầm tay chỉ việc” sát sao ở từng chi hội tại các bản làng của Hội Nông dân các cấp đã trực tiếp gỡ bỏ những “điểm nghẽn” trong quá trình thực hiện các phần việc.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Hội chú trọng là vận động nông dân đóng góp kinh phí, ngày công, hiến đất để phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, nhất là về giao thông, thuỷ lợi. Nhiệm kỳ qua, nông dân toàn tỉnh đã đóng góp được gần 3.100 tỷ đồng, hiến hơn 930.000m2 đất, tham gia gần 1,5 triệu ngày công xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn.
Xác định rõ vai trò của nông dân trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, Hội Nông dân tỉnh đã xây dựng kế hoạch với những nội dung thực hiện cụ thể gắn với các phong trào thi đua của tổ chức Hội và triển khai rộng rãi trong hội viên, nông dân. Đồng thời hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng được được 1.495 mô hình bảo vệ môi trường, 454 mô hình thu gom, xử lý rác thải tại hộ gia đình, 462 mô hình sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh; xây dựng được 2.125 vườn mẫu nông dân, 880 vườn chuẩn nông thôn mới, 1.664 hàng cây; 134 vườn cây nông dân ơn Bác, với tổng số cây đã trồng 182.371 cây. Đây chính là những hoạt động có đóng góp rất lớn vào việc hoàn thiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới của địa phương.
Không dừng lại ở đó, các cấp Hội còn tiên phong trong việc tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân thực hiện Đề án “Tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nông dân sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn giai đoạn 2020-2023”. Để quá trình thực hiện Đề án đi đến thành công, các cấp Hội trong tỉnh đã phối hợp tổ chức mở được 107 lớp tập huấn về trang bị kiến thức sản xuất, chế biến, kinh doanh, tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn với sự tham dự của trên 5.000 hội viên nông dân; xây dựng được trên 400 mô hình sản xuất nông sản an toàn; chỉ đạo, hỗ trợ mở 8 cửa hàng trưng bày, giới thiệu kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn tại các huyện, thị; định kỳ hàng năm tổ chức lễ phát động, tổ chức hội thi “Nông dân Nghệ An sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn”.
“Mặc dù quá trình thực hiện còn gặp nhiều khó khăn, thách thức do thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt là đại dịch Covid- 19 nhưng với trách nhiệm, quyết tâm cao của các cấp Hội, sự đồng lòng hưởng ứng của hội viên, nông dân, công tác Hội và phong trào nông dân toàn tỉnh đạt được nhiều kết quả tích cực, khá toàn diện, tạo được những dấu ấn nổi bật. Tất cả các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Hội Nông dân tỉnh lần thứ IX đề ra đều đạt và vượt. Vị thế, uy tín của Hội được khẳng định; niềm tin, sự gắn bó của nông dân đối với tổ chức Hội được nâng lên”, ông Nguyễn Quang Tùng – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh chia sẻ.